Hỏi:
Từ lâu tôi đã nghe nói, lá sen có thể làm giảm mỡ máu và chữa béo phì.
Thế nhưng gần đây, tôi thấy một số báo đưa tin, lá sen không chữa được
chứng mỡ máu cao, nên không rõ đúng sai ra sao. Rất mong "Thuốc vườn
nhà" lý giải cho rõ thêm về vấn đề này.
Ngô Quang Sơn, Hà Tĩnh
Đáp:
Chứng mỡ máu tăng cao (hyperlipemia) chỉ tình trạng quá trình chuyển
hóa mỡ trong cơ thể bị rối loạn, dẫn tới nồng độ mỡ trong máu cao hơn
mức bình thường. Người bị bệnh mỡ máu cao thường có những chứng trạng
như váng đầu hoa mắt, ngột ngạt, trống ngực, tim loạn nhịp, kém ăn, tinh
thần uể oải người mệt mỏi (thần bì phạp lực), mất ngủ, hay quên, chân
tay tê dại, ...
Những năm gần đây, các nghiên cứu dùng Đông
dược chữa mỡ máu cao tiến triển rất nhanh. Phương pháp phân loại chứng
hậu (thể bệnh) cũng rất đa dạng; trên lâm sàng thường chia thành các
"thể bệnh" như "Tỳ vị thất điều" (chức năng tiêu hóa bị rối loạn), "Đàm
thấp ứ trệ" (đàm thấp - sản vật bệnh lý ứ đọng quá nhiều trong cơ thể),
"Can thận bất túc" (chức năng của 2 tạng can, thận suy yếu), "Hư dương
thượng cang" (hư dương bốc lên trên), "Ngũ chí quá cực" (lao động trí óc
quá sức), "Khí trệ huyết ứ", ...
Đối với mỗi thể bệnh cần áp
dụng biện pháp (bài thuốc, vị thuốc) thích hợp. Ví dụ như, đối với thể
"Đàm thấp ứ trệ", cần áp dụng phương pháp "Hóa thấp trừ đàm", sử dụng
các vị thuốc có tác dụng kiện tỳ hóa thấp trừ đàm để chữa; với thể
"Dương hư thượng cang" cần áp dụng biện pháp "Liễm âm tiềm dương", ...
Như vậy, đối với mỗi thể bệnh cần áp dụng biện pháp, vị thuốc, bài thuốc
thích hợp, mới có thể mang lại kết quả trị liệu tốt và tránh được những
tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Trở lại vấn đề dùng lá sen.
Theo Đông y truyền thống:
Lá sen có vị đắng chát (khổ sáp) tính bình; vào 3 kinh Tâm, Can và Tỳ.
Có tác dụng thanh thử (giải trừ nắng, nóng), lợi thấp, thăng phát thanh
dương và chỉ huyết (cầm máu).
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy:
Lá sen có tác dụng hạ mỡ máu, có thể sử dụng để giảm béo, phòng trị cao
huyết áp, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành tim, viêm túi
mật. Trên lâm sàng lá sen được sử dụng để giải trừ một số thể bệnh ở
những người mỡ máu tăng cao. Ví dụ, nhờ tác dụng "thanh nhiệt" và "lợi
thấp", lá sen có thể sử dụng để khắc phục các chứng trạng do "thấp
nhiệt" ứ đọng trong cơ thể gây nên, như ngột ngạt, ngực bụng trướng đầy,
lợm, giọng buồn nôn, chân tay bải hoải, ... Nhờ tác dụng "Thăng phát
thanh dương", có thể sử dụng để giải tỏa những chứng trạng do "Hư dương
thượng viêm" như hoa mắt, chóng mặt, miệng đắng, tai ù, mất ngủ, ...
Tuy nhiên, lá sen không thể áp dụng cho tất cả các thể bệnh trong bệnh
mỡ máu cao. Muốn sử dụng để chữa bệnh mỡ máu tăng cao hay béo phì, nói
chung cần tham vấn thầy thuốc Đông y.
Trường hợp
chưa thể có được tư vấn của thầy thuốc, để phòng ngừa các tác dụng phụ,
chỉ nên bắt đầu sử dụng lá sen với liều lượng nhỏ và tốt nhất là dưới
dạng Món ăn - Bài thuốc:
(1) Cháo lá sen: Dùng gạo tẻ 50-100g, thêm lá sen 20-30g (thái nhỏ), nấu cháo ăn. Có tác dụng lợi thủy tiêu mỡ, giảm mỡ máu, ...
(2) Cháo lá sen đậu xanh:
Dùng gạo tẻ 50-100g, đậu xanh cả vỏ 25-30g, lá sen 20-30g; đậu xanh
ngâm nước cho nở ra, cùng gạo, lá sen, nấu cháo ăn trong ngày. Có tác
dụng tương tự cháo lá sen, nhưng có thêm tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.