Hỏi:
Tôi nghe nói, cây lót có tác dụng chữa ho rất tốt, nhưng chưa nắm được
cách dùng cụ thể. Trong hai mùa Đông - Xuân, người nhà tôi thường hay bị
ho và viêm họng. Vì vậy mong "Thuốc vườn nhà" cho biết rõ hơn về tác dụng chữa bệnh của cây lót, đồng thời hướng dẫn giúp cách dùng cụ thể như thế nào?
Lê Thị Tuyến, Thanh Chương, Nghệ An
Đáp:
Cây nhót
"Cây lót" mà bạn hỏi ở ngoài Bắc, cũng như trong sách về thực vật, gọi
là "cây nhót". Cây còn có tên là "co lót" (dân tộc Thái); trong Đông y
gọi là "hồ đồi tử", còn gọi là "bồ đồi tử", "lô đô tử", "dã tỳ bà",
"thanh minh tử", ... tên khoa học là Elaeagnus latifoila L..
Ngoài tác dụng dùng quả để ăn, toàn bộ các bộ phận của cây nhót đều có thể sử dụng làm thuốc.
Theo Đông y:
- Quả nhót:
Có vị chua, chát; tính bình. Có tác dụng thu liễm, chỉ huyết (chống
chảy máu), chỉ khái bình suyễn. Dùng chữa rối loạn tiêu hóa, kiết lỵ, ho
suyễn, băng huyết, sán khí, trĩ lở loét, ...
- Rễ cây nhót:
(Thường đào vào tháng 9-10, phơi khô dùng dần) có vị chua; tính bình.
Có tác dụng chỉ khái (chống ho), chỉ huyết (cầm máu), trừ phong, lợi
thấp, tiêu tích trệ, lợi yết hầu. Dùng chữa các chứng bệnh ho suyễn, thổ
huyết, khạc ra máu, đại tiện ra máu, kinh nguyệt quá nhiều, phong thấp
khới xương đau nhức, hoàng đản, tả lỵ, trẻ nhỏt cam tích, yết hầu sưng
đau, ...
- Lá nhót: Có vị chua; tính bình. Dùng chữa các chứng ho, hen, ho ra máu, khó thở, ung nhọt, ... Đặc biệt, theo sách "Bản thảo cương mục" của nhà dược học Lý Thời Trân: "Dùng lá nhót chữa ho suyễn, ngay cả đối với người bị rất nặng cũng có kết quả".
Sách đã đề cập tới trường hợp một người mắc bệnh đã 30 năm, uống lá
nhót bỗng nhiên khỏi bệnh. Người bị nặng, uống thuốc một thời gian, ở
ngực sẽ thấy nổi mày đay, ngứa ngáy, phải gãi. Người thể tạng suy yếu
quá, thì cần thêm cùng một lượng nhân sâm vào uống (gọi là "thanh phế thang").
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh đường hô hấp có sử dụng cây nhót:
(1) Chữa các chứng ho: Lá nhót tươi 30g; sắc với nước, thêm chút đường vào uống trong ngày.
(2) Chữa ho ra máu do lao phổi: Lá nhót tươi 24g, đường 15g; dùng nước sôi hãm như hãm trà; ngày uống 2 lần, sau bữa ăn.
(3) Chữa hen phế quản, viêm khí quản mạn tính:
Lá nhót, tỳ bà diệp - mỗi thứ 15g; sắc nước uống. Hoặc dùng lá nhót sao
vàng tán mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-6g, có thể trộn thêm chút
đường hoặc mật ong, chiêu thuốc bằng nước sôi.
(4) Chữa thổ huyết, đau họng khó nuốt: Rễ cây nhót 30g; sắc với nước uống.
(5) Chữa hen suyễn:
-
Dùng lá nhót sao vàng, tán mịn; ngày uống 2 lần vào sáng sớm và buổi
tối; mỗi lần 4g, dùng nước cơm nóng chiêu thuốc; liên tục trong 15 ngày
(1 liệu trình); trường hợp cần thiết có thể phải điều trị nhiều liệu
trình.
- Hoặc dùng lá nhót tươi 1 lạng; sắc nước, chia 3 lần uống trong ngày; liên tục trong 10-15 ngày.
(6) Chữa hen suyễn, khạc nhổ ra máu: Lá nhót khô 30g (tươi 50-60g), lá bồng bồng tươi 5 lá (lau sạch lông, thái nhỏ); tất cả đem sắc nước uống.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.