Hỏi:
Tôi thường xuyên đọc các bài viết trên thuocvuonnha.com, nhưng chưa thấy đề cập đến bài thuốc "chữa khó thở". Trước tôi bị viêm phế quản mạn tính, khi ho thì có tiếng khò khè khó thở. Nhờ tập thể dục và xoa bóp bệnh đã đỡ nhiều, nhưng vẫn khó thở. Tôi đi khám ở bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán "Phổi tắc nghẽn mạn tính", cho thuốc theo đơn, nhưng hết thuốc bệnh lại tái phát. Vì tuổi đã cao, tôi muốn dùng thuốc Nam. Tôi tha thiết đề nghị "Thuốc vườn nhà" giúp đỡ, chỉ dẫn nên dùng những vị thuốc nào dễ tìm kiếm, thu hái, chế biến, ... và hướng dẫn cách sử dụng để chữa trị.
Dương Bích Hổ, Hưng Yên
Đáp:
Vì vấn đề đặt ra tương đối phức tạp, nên chúng tôi chưa thể hồi âm ngay được. Mới đây, bác lại gửi tới "Thuốc vườn nhà" một bức thư nữa với nội dung tương tự, "Thuốc vườn nhà" quyết định hồi âm ngay, để bác đỡ nóng lòng. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi cũng chỉ có thể đưa ra một số ý kiến để bác tham khảo như sau:
"Phổi tắc nghẽn tắc mạn tính" (bệnh danh tiếng Anh là "Chronic Obstructive Pulmonary Disease" - COPD) là tình trạng sự lưu thông khí trong đường hô hấp bị tắc nghẽn, do đường dẫn khí (khí quản, phế quản, ...) bị thu hẹp, do xơ hóa, thành sẹo, viêm, ... Biểu hiện bởi các triệu chứng chủ yếu, như tăng tiết xuất đờm, ho và khó thở. Bệnh thường gặp ở những người trên 40 tuổi, vốn hút nhiều thuốc lá hoặc có tiếp xúc với khói, bụi, khí độc, ... Bị viêm phế quản mạn tính, không chữa trị triệt để, kéo dài lâu ngày mà thành.
"Phổi tắc nghẽn mạn tính" thuộc phạm vi các chứng "phế trướng", "khái suyễn", "háo suyễn" trong Đông y học. Để dùng thuốc chữa trị, trên lâm sàng thường căn cứ vào những chứng trạng cụ thể, mà áp dụng một trong số các bài thuốc, tương ứng với một trong số các loại hình bệnh như sau:
(1) Tô tử giáng khí thang gia giảm:
- Tô tử (hạt tía tô) 5g, tô ngạnh (cành tía tô) 5g, lai phục tử (hạt cải củ) 6g, trần bì (vỏ quít để lâu ngày) 10g, bán hạ chế 8g, cát cánh 6g, nghệ vàng 6g, nhục quế 3g, cam thảo 3g, sinh khương (gừng tươi) 3 lát; sắc nước uống trong ngày.
- Bài thuốc có tác dụng hóa đàm giáng khí, kiện tỳ ích phế. Thích hợp với trường hợp khó thở lâu ngày, thuộc loại hình "Đàm trọc trở phế" do chức năng của 2 tạng phế, tỳ bị suy yếu. Biểu hiện bởi các chứng trạng chủ yếu: Ho nhiều đờm, đờm trắng nhớt hoặc nhiều bọt, thở gấp, hơi thở nông, hễ hoạt động một chút là càng khó thở, sợ gió, mồ hôi ra nhiều (tự hãn), bụng trướng kém ăn, tinh thần uể oải, người mệt mỏi; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhớt; mạch nhu tế (nhỏ yếu).
(2) Tang bạch bì thang gia giảm:
- Tang bạch bì 15g, đình lịch tử 15g, tô tử 10g, hạnh nhân 10g, bối mẫu 6g, qua lâu nhân 15g, chi tử (dành dành) 10g, sinh thạch cao 30g (thạch cao sống), bán hạ 10g, sinh khương 3 lát; sắc nước uống trong ngày.
- Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt hóa đàm, giáng khí bình suyễn. Thích hợp với trường hợp khó thở lâu ngày, thuộc loại hình "Đàm nhiệt ung phế", do âm hư nội nhiệt, đàm hỏa tích đọng (ung tắc) ở tạng phế gây nên. Biểu hiện bởi các chứng trạng chủ yếu: Ho nhiều, thở gấp, hơi thở thô, phiền táo, tức ngực, đờm vàng hoặc trắng, đặc dính khó khạc, hoặc phát sốt hơi sợ gió lạnh, miệng khát, tiểu tiện vàng, đại tiện táo; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt; mạch hoạt sắc (trơn, nhanh).
(3) Bình suyễn cố bản thang gia giảm:
- Đảng sâm 15g (hoặc nhân sâm 8g), ngũ vị tử 10g, hồ đào nhục 10g, tô tử 6g, khoản đông hoa 10g, tử uyển 10g, tang bạch bì 15g, hoàng kỳ 15g, đương quy 10g, đan sâm 10g, cáp giới phấn 5g (tắc kè sấy khô tán bộ, hòa vào sau); sắc nước uống trong ngày.
- Bài thuốc có tác dụng bổ ích phế thận, nạp khí bình suyễn. Thích hợp với trường hợp khó thở lâu ngày, thuộc loại hình "Phế thận khí hư" do chức năng chủ khí của tạng phế và chức năng nạp khí của tạng thận bị suy yếu gây nên. Biểu hiện bởi các chứng trạng chủ yếu: Thở nông, nhanh, hơi thở đứt quãng, tiếng nói thấp yếu; nhiều khi phải há miệng so vai hoặc phải ngồi tựa cao lưng mới thở được, khó khạc đờm, khi ho khạc ra đờm trắng như bọt, mệt mỏi đuối sức, hay vã mồ hôi (tự hãn), lưng mỏi gối yếu; chất lưỡi nhợt hoặc tím tái, rêu lưỡi mỏng; mạch trầm tế (chìm nhỏ).
Ngoài 3 loại hình bệnh (thể bệnh) thường gặp nói trên, tùy theo đặc điểm thể chất cá nhân, điều kiện thời tiết khí hậu, môi trường sinh hoạt, ... còn có thể xuất hiện những loại hình bệnh khác. Tình trạng khó thở trong bệnh "phổi tắc nghẽn mạn tính" thường có nhiều diễn biến phức tạp, cần gia giảm vị thuốc và lượng thuốc cho thật thích hợp. Do đó, cần tìm đến phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc Đông y chuyên nghiệp chẩn bệnh và chỉ dẫn một cách cụ thể.
• Luyện thở có vai trò vô cùng quan trọng:
Để khắc phục các bệnh mạn tính nói chung, "phổi tắc nghẽn tắc mạn tính" nói riêng, trên thực tế không thể chỉ dựa vào một biện pháp đơn nhất nào đó, mà cần phải tiến hành một cách tổng hợp, áp dụng hợp lý nhiều phương pháp phòng trị khác nhau, như khí công dưỡng sinh, dinh dưỡng hợp lý, làm việc nghỉ ngơi điều độ, tinh thần lạc quan và vui vẻ, ...
Chính như bác viết, nhờ tập thể dục và xoa bóp bệnh đã đỡ nhiều. Nếu như hàng ngày bổ sung thêm luyện thở, thì kết quả nhất định sẽ khả quan hơn.
Có nhiều cách luyện thở khác nhau, nhưng theo "Thuốc vườn nhà", tiện lợi nhất vẫn là phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Phương pháp được tóm tắt bởi bài vè 12 câu, do chính ông sáng tác như sau:
1. Thót bụng thở ra
2. Phình bụng thở vào
3. Hai vai bất động
4. Chân tay thả lỏng
5. Êm chậm sâu đều
6. Tập trung theo dõi
7. Luồng ra luồng vào
8. Bình thường qua mũi
9. Khi gấp qua mồm
10. Đứng ngồi hay nằm
11. Ở đâu cũng được
12. Lúc nào cũng được!
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcmấy tháng gần đây e ngủ hay giật mình, và khí ngủ có đôi bữa khó thở, suy nghĩ nhiều nữa?