Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cỏ bợ chữa khỏi được bệnh phù?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/11/2011 07:16 SA

Hỏi:

Những ngày mùa hè đi làm đồng, tôi thường phải nhổ bỏ đi rất nhiều cỏ bợ. Nhưng có người nói, cây cỏ bợ có thể chữa khỏi được bệnh phù nên cứ thấy tiêng tiếc. Tôi không biết người ta nói có đúng hay không? Ngoài ra cỏ bợ còn có thể chữa những bệnh gì? Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giải đáp giúp hộ.

Lê Thị Mận, Quốc Oai - Hà Nội

Đáp:

cây cỏ bợ, cỏ bợ, rau bợ, rau bợ nước, thập tự thảo, tứ diệp thảo, điền tự thảo, phá đồng tiền, dạ hợp thảo, Marsilea quadrifolia L.

Cỏ bợ

Vứt bỏ cỏ bợ đúng là rất đáng tiếc. Bởi vì cỏ bợ vừa là rau lại vừa là thuốc. Nhưng trước hết, phải xác định chính xác xem, thứ cỏ hàng ngày chị phải nhổ bỏ đi có đúng là cỏ bợ hay không.

Cây cỏ bợ thường mọc ở bờ ruộng, bờ ao, ruộng nước, đầm lầy và những nơi ẩm thấp. Cây có thân mảnh, bò dưới đất, chia thành nhiều mấu. Mỗi mấu mọc ra một chùm rễ và hai cái lá có cuống dài (5-15cm). Mỗi lá lại chia thành 4 phần (4 lá chét), xếp thành hình chữ thập; tối đến thì các lá chét rủ xuống. Cây cỏ bợ còn có tên là "rau bợ", "rau bợ nước", "thập tự thảo", "tứ diệp thảo", "điền tự thảo", "phá đồng tiền", "dạ hợp thảo", tên khoa học là Marsilea quadrifolia L.

Một số nơi, người ta thường hái cỏ bợ về làm rau ăn sống, xào, luộc hoặc nấu canh với tôm tép.

Cở bợ cũng là một vị thuốc dùng trong dân gian, hái về sao vàng hoặc phơi khô, sắc đặc uống làm thuốc mát máu, thông tiểu tiện, chữa bạch đới, khí hư, mất ngủ... Có nơi còn giã cây tươi, ép lấy nước uống chữa rắn độc, bã đắp lên những chỗ  sưng đau, sưng vú, tắc tia sữa...

Theo Đông y: Cỏ bợ có tính mát; vị ngọt, hơi đắng. Có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu, tiêu sưng, nhuận gan, sáng mắt, trấn tĩnh.

Trên lâm sàng được ứng dụng chữa nhiều chứng bệnh như thần kinh suy nhược, động kinh, mất ngủ, sốt cao, viêm gan, viêm thận phù hai chân, sỏi tiết niệu, đái tháo đường, thổ huyết, tiện huyết, viêm kết mạc, sưng răng lợi, sưng vú, tắc tia sữa, ung nhọt, ...

Liều dùng: 15-30g khô hoặc 30-60g tươi, ép lấy nước cốt uống hoặc sao vàng sắc lên uống.

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số ứng dụng cụ thể:

    (1) Chữa viêm gan, viêm thận hai chân phù thũng: Cỏ bợ 20-30g sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này còn có tác dụng chữa mắt đỏ đau do phong hỏa (viêm kết mạc) (Thượng Hải thường dụng trung thảo dược).

    (2) Chữa sốt rét: Cỏ bợ 50-6g, sao vàng, sắc với nước uống trước khi lên cơn khoảng 2-3 tiếng. Cũng có thể dùng cỏ bợ vò nát nhét vào lỗ mũi để phòng lên cơn sốt (Triết Giang dân gian thường dụng thảo dược).

    (3) Chữa đái tháo đường: Cỏ bợ khô, qua lâu nhân - 2 thứ liều lượng bằng nhau; tán thành mịn, trộn đều, ngày dùng 3 lần, mỗi lần 8-12g hoà với sữa uống. Cũng có thể trộn bột thuốc với sữa để hoàn thành viên, hàng ngày uống 3 lần, mỗi lần 12-15g (Bản thảo thập di).

    (4) Chữa thổ huyết: Cỏ bợ tươi 60g, gan vịt 1 cái; tất cả cùng giã nát, thêm nước vào đun sôi lên uống (Lục Xuyên bản thảo).

    (5) Chữa ung nhọt, đầu đinh: Cỏ bợ tươi một nắm, giã nát đắp vào chỗ bị bệnh rồi dùng băng cố định lại, ngày thay thuốc 2 lần (Phúc Kiến dân gian bản thảo).

    (6) Phụ nữ âm đạo sưng đỏ: Cỏ bợ tươi 100-150g, sắc với nước, pha thêm đường trắng vào uống ngày 3 lần (Trùng Khánh thảo dược).

    (7) Bị rắn độc cắn: Dùng cỏ bợ tươi một nắm, thêm 9g hùng hoàng vào cùng giã nát, đắp vào chỗ bị thương. Hoặc dùng cỏ bợ tươi 70-100g, giã nát, thêm nước sôi để nguội vào vắt lấy nước cốt uống, bã đắp vào chỗ bị thương (Phúc Kiến Trung thảo dược).

    (8) Chữa đau lưng do ngoại thương: Cỏ bợ tươi 20-30g, trộn với giấm sao qua, sau đó đổ nước vào sắc uống trong ngày; khi uống nếu thuốc nguội cần hâm lại cho ấm (Phúc Kiến dân gian bản thảo).


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]