Hỏi đáp

Hạt thầu dầu có thể chữa bệnh trĩ và kiết lỵ?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 27/10/2013 09:06 CH

Hỏi:

Nhà tôi có cây thầu dầu tía trong vườn; nhiều người đến chơi nhìn thấy, nói là hạt cây này chữa bệnh trĩ, kiết lỵ rất tài. Nhưng tôi chưa biết phải sử dụng như thế nào; ngoài ra hạt thầu dầu còn chữa được bệnh gì khác; hạt có độc hay không? Vì vậy tất mong được "Thuốc vườn nhà" trả lời giúp.

Kiều Văn Hiền, Đại Đồng, Thạch Thất

Đáp:

thầu dầu, cây thầu dầu, thầu dầu tía, đu đủ tía, dầu ve, tỳ ma, Ricinus communis L., họ Thầu dầu (Euphorbiaceae)

Thầu dầu

Thầu dầu là cây mọc hoang ở khắp nơi; cây còn có tên là "đu đủ tía", "dầu ve", "tỳ ma", tên khoa học là Ricinus communis L., thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Cây thầu dầu là loại cây sống lâu năm, thân yếu nhưng có thể cao tới 10-12m. Lá mọc so le, có cuống dài, 2 lá kèm 2 bên họp thành một túi màng, sớm rụng; phiến là hình chân vịt, gồm 5-7-9 có khi tới 11 thùy, cắt sâu, mép có răng cưa không đều. Hoa mọc thành chùm xim nhiều hoa, xim dưới gồm toàn hoa đực, xim trên toàn hoa cái. Quả 3 mảnh vỏ dài 2-3cm, rộng 2cm, trên mặt có nhiều gai mềm, đầu tròn và có 3 vết lõm chia 3 ngăn, trên lưng mỗi ngăn lại có 1 rãnh nông nữa. Hạt hình trứng, hơi dẹt, dài 8mm, rộng 6mm, ở đầu có mồng (chính là áo hạt của noãn khổng). Mặt hạt nhẵn bóng màu nâu xám, có vân đỏ nâu hay đen.

Thầu dầu tía, là một biến chủng của thầu dầu, có tên khoa học là Ricinus communis L. var. sanguineus, cùng thuộc họ Thầu dầu; cây có thân khỏe, cao tới 3m, toàn thân nhuốm màu tía nâu sáng và lá màu tía. Để làm thuốc chữa bệnh, dân gian thường chỉ dùng loại thầu dầu này.

Hạt thầu dầu thu hoạch trong các tháng 4-5, chủ yếu dùng để ép dầu sử dụng trong công nghiệp; làm thuốc chỉ sử dụng một lượng nhỏ hạt thầu dầu và dầu thầu dầu. Lá có thể hái quanh năm, thường chỉ dùng tươi. Rễ đào mùa Thu, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.

Theo Đông y: Hạt thầu dầu có vị cay ngọt, tính bình, có độc; vào 2 kinh Phế và Đại tràng. Có tác dụng tiêu thũng bạt độc, tả hạ thông tiện. Dùng chữa mụn nhọt đinh độc sưng đau, tràng nhạc, da lở ngứa, bụng trướng, phù thũng, đại tiện táo kết.

Chú ý:

    - Hạt thầu dầu rất độc: Trong hạt thầu dầu có chứa một loại protid độc gọi là ricin.

    - Chất ricin rất độc: Chỉ uống 1 hạt đã đủ gây nôn mửa. Người lớn uống 14-15 hạt có thể bị ngộ độc mà chết. Vì vậy không nên dùng uống trong. Dùng hạt thầu dầu đắp ngoài da trên 5 giờ, cũng có thể gây rộp da. Khi ép lấy dầu, chất ricin nằm lại trong khô dầu. Do đó, khô dầu thầu dầu cũng rất độc, nhưng dầu thầu dầu lại ít độc.

Dầu thầu dầu là chất lỏng dính, mùi khó chịu dễ gây nôn mửa, nhưng có tính nhuận tràng và xổ. Tác dụng thông đại tiện của dầu thầu dầu khá nhanh, mà không gây kích thích ống tiêu hóa. Thường dùng để xổ cho những người bị táo bón mà không gây đau bụng. Liều dùng mỗi lần 10-20ml. Phụ nữ có thai cũng có thể dùng được. Tuy nhiên, không nên lạm dụng dùng thường xuyên, vì sẽ gây kém tiêu.

Khô dầu thầu dầu rất độc, nhưng có tác dụng sát trùng. Thời trước, sau khi ép lấy dầu, người ta thường giã nhỏ khô dầu, cho vào phân, để diệt giòi bọ, khi phân ải sẽ được thứ phân bón có thêm cả tác dụng trừ sâu.

Trở lại câu hỏi của bạn về tác dụng chữa trĩ và chữa lỵ của hạt thầu dầu:

    - Theo ý kiến chủ quan của "Thuốc vườn nhà": Hạt thầu dầu rất độc, không phải là thầy thuốc Đông y chuyên nghiệp, không nên dùng hạt thầu dầu uống trong để chữa bệnh, bao gồm cả trĩ và kiết lỵ. Trường hợp cần thiết, có thể sử dụng hạt thầu dầu đắp ngoài, để chữa trĩ ngoại (sa trực tràng, thoát giang, lòi rom).

    - Cách làm như sau: Lấy 7-9 hạt hạt thầu dầu, bóc bỏ vỏ, giã nhuyễn, thêm chút rượu, nặn thành bánh, đắp vào huyệt bách hội, rồi dùng băng dính cố định lại. Nằm nghiêng, co chân, sau 3-5 giờ mở ra, dùng nước lạnh rửa sạch. Không để quá lâu, vì sẽ gây rộp da. Ngày đắp 1 lần, liên tục 3-5 ngày, tối đa 7 ngày. Huyệt bách hội ở giữa đỉnh đầu; là điểm gặp nhau (giao điểm) của 2 đường vuông góc, một đường nối 2 đỉnh hai vành tai, một đường dọc qua giữa đầu; sờ tay vào thấy có chỗ hơi lõm, do khe xương lõm xuống.

Ngoài ra, cây thầu dầu còn có thể sử dụng để chữa trị một số chứng bệnh khác, cụ thể như sau:

    (1) Chữa hen suyễn: Dùng lá thầu dầu tía 12g, phèn phi 8g; hai vị tán nhỏ, nhồi với 160g thịt lợn giã nhỏ, làm viên chả, gói lá sen non, đun nhỏ lửa nấu chín mà ăn (Theo "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh).

    (2) Chữa phong thấp viêm khớp đau nhức, chân tay mỏi: Dùng rễ thầu dầu 12g, dây đau xương 20g, lõi thông 15g; sắc nước uống trong ngày.

    (3) Chữa viêm tuyến vú: Hái lá thầu dầu tươi, giã nát, chưng với giấm đắp vào chỗ bị bệnh; ngày đắp 2 lần.

    (4) Chữa lở ngứa ngoài da: Dùng lá thầu dầu nấu nước tắm rửa.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]