Hỏi:
Mẹ tôi bị xơ vữa động mạch vành và hay bị đau thắt ngực. Mấy năm trước, có một cụ lang kê cho đơn thuốc trong đó có vị thuốc băng phiến. Mẹ tôi uống thấy bệnh tình cải thiện rõ ràng. Nay cụ lang đó đã qua đời, tôi muốn cân thuốc theo đơn cho mẹ uống, nhưng nghe nhiều người nói trên thị trường hiện nay không còn có băng phiến tự nhiên mà toàn là tổng hợp từ hóa chất lẫn cả chất độc hai. Tôi rất muốn biết, băng phiến thiên nhiên được chế tạo như thế nào? Có thể dùng một vị thuốc khác thay thế hay không? Kính mong "Thuốc vườn nhà" tư vấn giúp hộ.
Trần Hoài Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh
Đáp:
Vị thuốc băng phiến (Bocneola hay Borneo-camphor) có thể được chế theo 3 cách:
(1) Chế từ gỗ cây "long não hương" (Dryobalanops aromatica Gaertn.), thuộc họ Dầu hoặc họ Song dực quả (Dipterocarpaceae). Cây này chưa thấy ở nước ta.
(2) Chế từ cây "đại bi", còn có tên là "từ bi" hoặc "từ bi xanh", tên khoa học là Blumea balsamifera DC., thuộc họ Cúc (Compositae). Cây này có nhiều ở nước ta và sẽ giới thiệu kỹ ở dưới.
(3) Chế bằng phương pháp tổng hợp hoá học, không giới thiệu ở đây.
Thời trước, vị thuốc băng phiến nói chung phải nhập từ nước ngoài. Mặc dù thực tế có một số người Trung Quốc bán thuốc rong đã tự cất băng phiến theo cách thủ công từ cây đại bi ở nước ta. Ngoài gánh thuốc, những người này thường mang theo một bộ nồi cất lưu động. Họ đi bán thuốc rong, nếu thấy nơi nào có nhiều cây đại bi thì dừng lại để cất lấy băng phiến. Cất được một lượng kha khá thì đem bán cho các hiệu thuốc ở thành phố, hoặc xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, rồi từ đó lại trở về Việt nam với tên "băng phiến" hay "mai hoa băng phiến".
Nồi cất băng phiến thủ công gồm một nồi thường (như nồi thổi cơm), một cái chõ, trên để thau hay chảo làm lạnh. Cho lá và cành băm nhỏ vào nồi, thêm nước vào cho ngập lá, trát kín chõ và thau, sau đó đun sôi nhẹ, giữ cho lửa nhỏ trong vòng 3-4 giờ. Băng phiến sẽ thăng hoa và bám vào đáy thau. Cạo ra ép cho hết dầu và tinh chế, sẽ được "băng phiến thuốc". Phương pháp tinh chế băng phiến khá phức tạp, nên không giới thiệu ở đây.
Cây đại bi là một cây nhỡ, cao từ 1,5-2,5m. Thân có nhiều rãnh chạy dọc, có nhiều lông, trên ngọn phân thành nhiều cành. Lá hình trứng, hai đầu nhọn nhưng hơi tù, có thể dài tới 12cm, trung bình dài 15cm và rộng 5cm, mặt trên có lông; mép lá gần như nguyên hay xẻ thành răng cưa và ở gốc lá thường có 2, 4 hoặc 6 thuỳ nhỏ do phiến lá phía dưới bị xẻ quá sâu. Vò lá ta sẽ thấy mùi thơm dễ chịu của băng phiến. Hoa màu vàng, mọc thành chùy ở kẽ lá hay đầu cành. Trên hoa có nhiều lông tơ. Quả có 2 cạnh dài 1mm, mang chùm lông ở đỉnh.
Cây đại bi mọc hoang khắp nơi ở nước ta, từ rừng núi đến đồng bằng, đâu đâu cũng có. Cây đại bi hay mọc nhất ở những đồi đã phát quang, có nhiều ánh sáng, không thấy mọc trong các rừng sâu. Thường mọc thành từng bãi, khá rộng.
Theo Đông y lá (kèm cành non) của cây đại bi (Đông y gọi là "ngải nạp hương" có vị cay đắng, tính ấm. Có tác dụng ôn trung hoạt huyết, khư phong trừ thấp, sát trùng. Trong Đông y truyền thống, ngải nạp hương thường dùng chữa tiêu chảy, đi lỵ do hàn thấp (hàn thấp tả lỵ), đau bụng, sôi bụng, phù thũng, gân xương đau nhức, đòn ngã tổn thương, lở ngứa ngoài da, ... Những năm gần đây, ngải nạp hương còn được sử dụng trong cả một số đơn thuốc chữa bệnh tim mạch.
Như vậy, bạn có thể dùng 8-15g lá đại bi để thay thế vị thuốc băng phiến trong đơn thuốc.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.