Hỏi đáp

Dùng dây chìa vôi chữa đau nhức

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 15/03/2012 09:50 SA

Hỏi:

Bố cháu làm thợ hồ, khi xách nặng, hoặc đang ngồi đứng dậy, thường hay bị trặc dây chằng, ... Cháu nghe nói: Lấy cây chìa vôi cắt nhỏ (không lấy lá), ngâm nước vo gạo 3 ngày đêm, phơi sương mù 3 đêm, rang vàng hạ thổ, bỏ vào chai ngâm rượu một tuần lễ, rồi ngày uống 2 lần. Có người dùng thuốc trên đã lành hẳn, nay xách được 60-70kg mà không bị lại. Cháu muốn hỏi "Thuốc vườn nhà" có đúng không?

B.K, Tp. Vinh

Đáp:

cây chìa vôi, bạch phấn đằng, rau chua, đậu sương, phấn mệnh đằng, Cissus modeccoides Planch.

"Cây chìa vôi" thường dùng để chữa xương khớp, cơ bắp đau nhức. Đông y gọi tên là "bạch phấn đằng", nghĩa là thứ dây leo (đằng) có phủ phấn trắng (bạch phấn); cây này còn có tên là "rau chua", "đậu sương", "phấn mệnh đằng", ... tên khoa học là Cissus modeccoides Planch., thuộc họ Nho (Vitaceae).

Cây mọc ở khắp các tỉnh miền Bắc và miền Nam, thường thấy mọc hoang ở các khu rừng thưa, ven suối, rừng ẩm có ánh sáng, ở đồng bằng thường thấy mọc ở bờ bụi, hàng rào.

Dây chìa vôi là một loại cây nhỏ, mọc leo, có tua cuốn nhỏ hình sợi, ở gốc thường có củ bám vào. Cây có thân dây tròn nhẵn, có phủ phấn trắng. Do thân như chiếc que cắm vào bình vôi, nên có tên là "dây chìa vôi". Lá đơn, có hình dạng thay đổi, thường xẻ thùy chân vịt, phía cuống hình tim, dài và rộng từ 6-8cm; những lá phía gốc hình mác, hầu như nguyên; lá phía trên chia 5-7 thùy, dài gần bằng nhau, mép hơi có răng cưa. Hoa màu vàng nhạt, mọc thành ngù đối diện với lá, nhưng ngắn hơn lá và có cuống. Quả nang tròn, 5-6mm, khi chín màu đen. Củ tròn, to cỡ quả trứng gà, hai đầu củ hơi nhọn, ngoài đen, trong trắng; có một số củ dính liền vào gốc cây.

Cành (dây), lá và củ của chìa vôi đều có thể sử dụng làm thuốc. Dây lá thường cắt ngắn, sao cho nóng, phơi khô; khi dùng thường ngâm nước vo gạo hoặc tẩm rượu sao. Củ có thể đào quanh năm, nhưng tốt nhất vào Thu Đông; đào về, thường ngâm nước một đêm cho mềm, rồi thái mỏng, phơi khô; khi dùng cũng thường đem ngâm nước vo gạo.

Chú ý: Cần tránh nhầm lẫn cây chìa vôi nói trên với cây chìa vôi có lá nguyên, hình tam giác mọc so le, tên khoa học là Ipomoea turpethum R. Br. thuộc họ Bìm bìm; thường dùng để chữa lỵ, bạch đới, đái đục, ... Ngoài ra, chìa vôi còn có nhiều loài khác, như chìa vôi bò, chìa vôi bốn cạnh, chìa vôi lông, chìa vôi Java, ... Cần chọn đúng cây chìa vôi như đã mô tả ở trên, để tránh những tác dụng ngoài ý muốn.

Theo Đông y:

    - Dây chìa vôi: Có vị ngọt đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán kết, hành huyết; dùng chữa xương khớp cơ gân đau nhức, viêm thận, ung nhọt lở ngứa, sưng hạch bạch huyết, rắn độc cắn, ...

    - Lá chìa vôi: Có vị đắng, tính lạnh, hơi độc (hữu tiểu độc); có tác dụng trừ nhọt độc, tiêu thũng; dùng chữa ung nhọt, lở ngứa, chai chân lên mắt cá, ...

    - Củ chìa vôi: Có vị đắng chua, tính bình; có tác dụng thông kinh, tán huyết ứ, trừ tê thấp, lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng; thường được sử dụng với tác dụng như dây và lá.

Cách dùng cây chìa vôi để chữa trặc dây chằng, theo chúng tôi nghĩ là có cơ sở. Tuy nhiên, thuốc có phát huy tác dụng tốt hay không, còn tùy thuộc vào đặc điểm thể chất và tình trạng sức khỏe ở từng người. Vì vậy, bạn nên đưa bố bạn tới một phòng khám Đông y đáng tin cậy, để được các thầy thuốc hướng dẫn cụ thể.

Xin giới thiệu một số đơn thuốc khác có sử dụng chìa vôi:

    (1) Chữa phong thấp, cơ xương đau nhức:

        (1.1) Dây chìa vôi 20g, dây đau xương 15g, cây lá lốt (nhổ liền cả rễ) 15g; sao vàng, hạ thổ, sắc nước uống trong ngày.

        (1.2) Dây chìa vôi 20g, cành dâu 15g, quế chi 10g, bạch chỉ 10g; sắc nước uống ngày 1 thang.

        (1.3) Dây chìa vôi 50g, đương quy 20g, xuyên khung 10g, ngưu tất 40g, cẩu tích 20g; ngâm trong 1 lít rượu ít nhất 1 tuần lễ; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 chén con (khoảng 30ml).

    (2) Chữa bong gân, chấn thương sưng nề, tụ máu: Lá chìa vôi, lá thầu dầu tía - 2 thứ bằng nhau; giã nát, trộn với giấm hoặc rượu, sao nóng, đắp và bó vào chỗ chấn thương, ngày thay thuốc 1-2 lần.

    (3) Ung nhọt sưng tấy, viêm lở da: Dùng lá chìa vôi tươi, giã đắp; kết hợp với uống thuốc tiêu độc: thổ phục linh 20g, kim ngân hoa 10g, bồ công anh 10g; sắc nước uống trong ngày.

    (4) Mụn ổ gà ở nách: Dùng lá chìa vôi tươi, giã nát cùng với lòng trắng trứng gà; đắp lên nhọt, dùng băng cố định lại, ngày thay thuốc 1 lần.

    (5) Chai chân mắt cá: Lá chìa vôi tươi giã nát cùng với 1/3 râu tôm sống; đắp vào chỗ bị bệnh, dùng băng cố định, ngày thay thuốc 1 lần.

    (6) Rắn rết cắn: Giã lá chìa vôi tươi với muối, nhai nuốt dần nước, bã đắp lên vết thương.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]