Hỏi:
Trong một số đơn thuốc chữa ung thư, tôi thấy thường hay dùng "Bạch hoa xà thiệt thảo". Nơi tôi ở có rất nhiều cây "Bạch hoa xà" mọc hoang. Xin hỏi có thể dùng "Bạch hoa xà" để chữa ung thư hay không?
Phan Hà Thu
Đáp:
"Bạch hoa xà" và "Bạch hoa xà thiệt thảo" là 2 cây hoàn toàn khác nhau.
"Bạch hoa xà" còn gọi là "bạch tuyết hoa", "cây chiến", "cây đuôi công", tên khoa học Plumbago zeylanica L., thuộc họ Đuôi công (Plumbaginaceae).
"Bạch hoa xà" là loài cây sống dai, cao 0,3-0,6m, có thân rễ, thân có đốt và nhẵn. Lá mọc so le, hình trứng đầu nhọn, phía cuống hơi như ôm vào thân, mép nguyên, không có lông, mặt dưới hơi trắng nhạt. Hoa màu trắng, mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá; đài hoa có lông dài, nhớt. Tràng dài gấp 2 lần đài. Mùa hoa gần như quanh năm nhưng nhiều nhất vào các tháng 5-6.
"Bạch hoa xà" chủ yếu dùng làm thuốc chữa những bệnh ngoài da, những vết loét, vết thương, chứ ít khi dùng uống trong như "Bạch hoa xà thiệt thảo". Thường dùng rễ hay lá "Bạch hoa xà" giã nhỏ với cơm cho thành một thứ bột nhão, đắp lên những nơi sưng đau. Một số địa phương thường dùng lá "Bạch hoa xà" giã nát, đắp lên chỗ da đầu bị chốc lở (sau khi đã rửa sạch), nhưng hễ thấy nóng thì phải bỏ ra ngay, nếu không sẽ gây bỏng. Ngoài ra, có nơi còn sắc rễ "Bạch hoa xà" lấy nước để bôi ghẻ.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.