Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Dùng chè dây chữa viêm dạ dày do HP

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 24/07/2012 11:56 CH

Hỏi:

Từ đầu năm nay, tôi hay bị đau bụng và ăn khó tiêu. Đi bệnh viện khám nội soi, làm xét nghiệm máu, bác sĩ kết luận: HP test dương tính, viêm dạ dày do nhiễm khuẩn HP. Tôi đã uống thuốc theo đơn 3 tháng, nhưng khi đi khám lại, bác sĩ nói vẫn còn viêm dạ dày. Tôi uống thuốc tiếp nhưng bệnh tình không thấy cải thiện rõ. Gần đây, nhân ra Hà Nội công tác, thấy có bán chè dây Cao Bằng và được giới thiệu là có thể chữa được đau dạ dày. Tôi đã mua vài ký và muốn biết chính xác, chè dây có tác dụng chữa viêm dạ dày do nhiễm HP hay không? Uống chè dây thay nước lâu ngày có hại gì không? Mong được "Thuốc vườn nhà" giải đáp cho biết.

Nguyễn Văn Đàn, Hưng Nguyên, Nghệ An

Đáp:

chè dây, vô thích căn, hồng huyết long, điền bồ trà, xích chi sơn bồ đào, Ampelopsis cantoniensis

Viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), là một bệnh rất khó điều trị. Vi khuẩn HP tuy tồn tại trong dạ dày của rất nhiều người, nhưng không phải tất cả những người có HP trong dạ dày đều bị viêm dạ dày. HP chỉ gây viêm loét dạ dày tá tràng ở những người ăn uống mất cân bằng, cơ thể suy yếu, thường xuyên chịu stress, rối loạn tiêu hóa, ...

Như ta biết, trong dạ dày có những tuyến tiết ra dịch vị (chất chua - acid, để tiêu hóa thức ăn) có thể gây viêm loét, tiêu hủy niêm mạc dạ dày, đồng thời lại có những tuyến tiết ra chất nhầy, để bảo vệ niêm mạc dạ dày, chống lại tác hại của acid. Mặc dù vậy, niêm mạc dạ dày vẫn liên tục bị ăn mòn bởi chất acid. Do đó, chất nhầy cũng liên tục được tiết ra và cứ 3 ngày lại có một lớp niêm mạc mới hình thành trên thành dạ dày, để bù đắp, thay thế cho lớp niêm mạc bị tiêu hủy. Nếu như vì một nguyên nhân nào đó, như cơ thể suy yếu, ăn uống mất cân bằng, stress, chấn thương tinh thần, ... lớp niêm mạc mới không sản sinh kịp thời, thì thành dạ dày sẽ bị ăn mòn, viêm loét, sinh đau dạ dày.

Từ đó có thể thấy, để chữa khỏi bệnh đau dạ dày, ngoài việc dùng thuốc chống viêm loét, cần chú ý nâng cao sức khỏe toàn thân, giữ cho tinh thần luôn lạc quan, ăn uống và sinh hoạt một cách hợp lý.

Để hạn chế những rối loạn đường ruột, kể cả rối loạn do HP, có thể sử dụng chè dây và một số thuốc khác.

Chè dây còn có tên là "vô thích căn", "hồng huyết long", "điền bồ trà", "xích chi sơn bồ đào", ... tên khoa học là Ampelopsis cantoniensis, thuộc họ Nho.

Cây chè dây mọc hoang dại, trong các bờ bụi, khắp nơi ở nước ta, từ Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tây, Nghệ An, ... cho tới tận Lâm Đồng, Đồng Nai. Ngay ở Nghệ An, quê bạn, cũng có cây chè dây mọc hoang, do đó bạn cũng có thể tự đi thu hái về để sử dụng.

Bộ phận dùng làm thuốc: Lá kèm theo dây, toàn cây hoặc chỉ dùng rễ.

Đặc điểm của cây: Chè dây là một loại cây mọc leo (dây leo), cành hình trụ mảnh, tua cuốn đối diện với lá, chia 2-3 nhánh. Lá hai lần kép, mang 7-12 lá chét mỏng, giòn, mép có răng cưa thấp, gân bên 4-5 đôi; lá kèm dạng vảy, gần tròn. Ngù hoa đối diện với lá, có 4-5 nhánh, nụ hoa hình trứng. Quả mọng hình trái xoan, to 6x5mm, chứa 3-4 hạt.

Từ xưa, đồng bào dân tộc ở một số tỉnh miền núi phía Bắc thường sử dụng lá chè dây đun nước uống thay chè, để ăn ngon cơm và chống đau bụng. Còn trong Đông y, chè dây được sử dụng như một loại thuốc thanh nhiệt trừ thấp.

Theo Đông y: Chè dây có vị ngọt đắng, tính mát; vào 2 kinh Tâm và Tỳ. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phong thấp. Dùng chữa cảm mạo trong mùa hè, phong tê thấp khớp xương đau nhức và mụn nhọt lở loét ngoài da.

Các nghiên cứu hiện đại ở Việt Nam cho thấy: Nước sắc chè dây có tác dụng giảm đau, diệt khuẩn Helicobacter pylori (HP), giảm viêm dạ dày. Viện Đông y Việt Nam đã sử dụng chè dây dạng cao khô để chữa viêm loét dạ dày hành tá tràng, còn Trường Đại học Dược Hà Nội đã nghiến cứu chế ra thuốc viên Ampelop, dùng chữa viêm dạ dày, đạt kết quả tốt.

Các nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy: Chè dây có tác dụng diệt khuẩn chịu mặn (Halobacteria), tụ cầu khuẩn (Staphylococcus) và trực khuẩn mủ xanh (Bacillus pyocyaneus). Đã ứng dụng để chữa trị trúng độc thực phẩm, do thức ăn nhiễm khuẩn chịu mặn và các bệnh viêm nhiễm, như viêm phổi, viêm khớp, viêm tiết niệu, ... do tụ cầu khuẩn hoặc trực khuẩn mủ xanh gây nên, đạt kết quả tốt.

Như vậy, bạn có thể sử dụng chè dây để chữa viêm dạ dày do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP).

Cách sử dụng cụ thể như sau: Hàng ngày dùng 10-20g chè dây khô, sắc nước uống thay nước trong ngày; liên tục 10-15 ngày; nghỉ 5-7 ngày, lại tiếp tục đợt khác.

Tại một số địa phương, dân gian có thói quen dùng chè dây sắc nước uống thay chè hàng ngày. Tuy nhiên, theo chúng tôi nghĩ, chỉ nên dùng chè dây như một loại thuốc - nghĩa là uống theo từng liệu trình. Vì như trên đã thấy, chè dây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, diệt khuẩn mạnh, dùng thường xuyên có thể gây mất cân bằng môi trường bên trong cơ thể và có thể gây ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]