Hỏi đáp

Dùng cây thổi lửa chữa nhiệt miệng, cảm nắng

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 23/05/2012 11:38 CH

Hỏi:

Tôi rất hay bị nhiệt miệng, đã đi khám bác sĩ và dùng nhiều loại thuốc khác nhau, tốn kém nhiều tiền, mà kết quả không như mong muốn, vì bệnh luôn tái phát. Gần đây, tôi nghe nói, có thứ cỏ mọc hoang, gọi là "cây thổi lửa", không mất tiền mua, chữa loét miệng rất hay. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Cây thổi lửa có độc không? Ngoài ra, cây còn có thể dùng chữa những loại bệnh gì khác?

Đàm Thị Hoan, Hà Nam

Đáp:

cây thổi lửa, cây chỉ thiên, tiền hồ nam, cỏ lưỡi mèo, cỏ lưỡi chó, co tát nai, nhả đản, khổ địa đảm, thiên giới thái, thổ sài hồ, thổ bồ công anh, Elephantopus scarber L.

Cây thổi lửa là loài cây mọc hoang khắp nơi; từ vùng núi cao, xuống trung du, đến đồng bằng và cả các hải đảo. Cây thường mọc thành đám, hoặc xen kẽ với các loài cỏ khác, ở vùng đồi, nương rẫy, các bờ ruộng cao và bãi hoang.

Cây thổi lửa còn có những tên khác, như "cây chỉ thiên", "tiền hồ nam", "cỏ lưỡi mèo", "cỏ lưỡi chó", "co tát nai" (dân tộc Thái), "nhả đản" (dân tộc Tày), sách Đông y gọi là "khổ địa đảm", "thiên giới thái", "thổ sài hồ", "thổ bồ công anh", ... tên khoa học là Elephantopus scarber L. họ cúc (Asteraceae).

Là loài cỏ sống dai, thân cao chừng 20-50cm, nhiều cành, gần như không có lá, cả cây có lông. Lá gốc mọc thành hình hoa thị, sát đất. Phiến lá dài chừng 6-12cm, rộng 3-5cm, hình thìa, có lông trắng ở cả hai mặt, mép có răng cưa lượn sóng, phía dưới hẹp lại thành cuống rộng ôm vào thân. Lá ở thân nhỏ và hẹp hơn lá ở gốc. Hoa màu tím mọc thành xim có đầu giả. Quả hình thoi có 10 cạnh lồi.

Chú ý phân biệt: Do trùng tên, cây mô tả ở trên dễ bị lẫn với cây "chỉ thiên giả", cũng gọi là "tiền hồ nam", tên khoa học là Clerodendrom inducum (L.) O Ktze (VVC-227), họ cỏ roi ngựa, thường dùng làm thuốc bổ đắng, tiêu đờm, chữa ho và trừ giun.

Cây thường bị coi là loài cỏ dại, phát tán và lan rộng nhanh, ảnh hưởng tới cây trồng. Nhưng Đông y lại coi là vị thuốc quý.

Để dùng làm thuốc, thường hái toàn cây (phần nằm trên mặt đất), có khi chỉ dùng lá. Dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô. Rễ cũng có thể dùng làm thuốc (khổ địa đảm căn).

Theo Đông y:

    - Cây thổi lửa có vị đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, ... Dùng chữa cảm sốt, ho, họng sưng đau, miệng lưỡi lở loét, đau mắt đỏ, chảy máu mũi, ỉa chảy, vàng da, viêm thận phù thũng, ung nhọt, rắn cắn.

    - Liều dùng: 9-16g khô (hoặc 30-60g tươi) sắc lấy nước hoặc giã vắt lấy nước cốt uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc nấu nước xông rửa.

    - Kiêng kỵ: Người cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai cần thận trọng khi sử dụng. Không dùng đối với bệnh thuộc "chứng hàn".

Sử dụng cây thổi lửa chữa "nhiệt miệng" (môi, miệng lở loét, đau, nóng rát) là một kinh nghiệm đã lưu truyền trong dân gian từ lâu đời và đã được ghi chép lại trong một số sách thuốc:

    - Theo sách "Bách gia trân tàng" của Hải Thượng Lãn Ông: Dùng lá chỉ thiên tươi (tức lá cây thổi lửa), rửa sạch, thêm chút muối, giã nhỏ, vắt lấy nước bôi hoặc đắp vào chỗ lở đau ở môi, miệng.

    - Theo sách "Trung dược đại từ điển": Dùng khổ địa đảm (cây thổi lửa) 30g khô, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang. Đã tiến hành thử nghiệm điều trị 22 ca, 18 ca khỏi; trung bình sau 3 ngày khỏi bệnh, sau 3 tháng khám lại không thấy tái phát. Tác dụng phụ: Trong bụng có cảm giác hơi khó chịu; người già và trẻ nhỏ dùng phải thận trọng.

Như vậy, thông tin bạn nghe được là có cơ sở. Ngoài ra, còn có thể sử dụng cây thổi lửa để chữa nhiều bệnh khác, nhất là các chứng viêm nhiễm trong ngày hè:

    (1) Chữa cảm nắng: Dùng cây thổi lửa, rau má, lá chanh, cam thảo đất - mỗi thứ 1 nắm (khoảng 20g); sắc uống nguội. Nếu ra nhiều mồ hôi, thì thêm lá tre 1 nắm, cùng sắc uống.

    (2) Chữa viêm họng, viêm amiđan: Dùng cây thổi lửa 10g khô, hãm với 300ml nước sôi trong nửa tiếng, chia ra uống trong ngày. Cũng có thể dùng lá tươi, nhai lẫn với chút muối, nuốt dần.

    (3) Chữa ung nhọt độc mọc ở dưới nách: Dùng toàn cây thổi lửa tươi, thêm chút muối và giấm, cùng giã nát đắp vào chỗ bị bệnh; nhọt đã mưng mủ vẫn chữa được (Y lâm tập yếu).

    (4) Chữa mụn nhọt, đinh râu: Dùng lá tươi giã với giấm hoặc mẻ đắp (Sổ tay cây thuốc Việt Nam).

    (5) Chữa viêm tuyến vú: Dùng rễ cây thổi lửa tươi, giã nát với rượu đắp. Hoặc có thể sắc với nước thêm rượu vào uống (Lĩnh Nam thái dược lục).

    (6) Chữa đái buốt, đái ra máu, sỏi, đái đục, nước tiểu lẫn chất nhầy: Dùng cây thổi lửa, rễ bấn đỏ, rễ vậy trắng, rễ cỏ tranh, cỏ bấc, thịt ốc nhồi - mỗi thứ một nắm; sắc nước uống (Nam dược thần hiệu).

    Chú thích: Bấn đỏ còn gọi là "mò đỏ", "vậy đỏ", "xích đồng nam". Vậy trắng còn gọi là "bấn trắng", "mò trắng", "bạch đồng nữ".

    (7) Chữa cước khí: Dùng toàn cây thổi lửa tươi 30-60g, đậu phụ 60-120g, hầm lên ăn.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]