Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Thuốc Nam chữa "nhiệt mồm"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 16/05/2012 01:13 SA

Hỏi:

Cả hai vợ chồng tôi đều bị "nhiệt mồm". Triệu chứng chính là trong miệng, lưỡi xuất hiện những mụn nhỏ đỏ, rồi loét ra to dần, có màu đỏ hoặc hồng nhạt, rất đau, có khi phát sốt và xuất hiện liên tục. Theo tôi được biết, bệnh này y học phương Tây gọi là herpes, nhưng không biết Đông Nam y gọi là gì? Chồng tôi đã điều trị bằng Tây y nhưng không khỏi. Tôi đã để ý tìm những bài thuốc Đông y chữa nhiệt miệng dùng thử nhưng không thấy kết quả. Nên tôi viết thư này gửi lời "cầu cứu" "Thuốc vườn nhà", cho tôi xin bài thuốc để chữa trị nhiệt mồm cho chồng và chính bản thân tôi.

Mạc Thúy Quỳnh, Đông Anh, Hà Nội

Đáp:

Chứng "nhiệt mồm", tức lở loét trong khoang miệng, Đông y gọi là "khẩu sang", hay "khẩu cam". Bệnh phát tương đối nhanh, khởi đầu xuất hiện một số nốt mẩn đỏ, sau biến thành mụn nước, màu vàng khó thấy rõ, và chỉ sau vài giờ mụn nước đã vỡ ra, tạo thành vết loét, nông, hình tròn, đường kính từ 3-12mm, bờ rất rõ, đáy màu vàng giống như bơ tươi, chung quanh có một gờ màu đỏ tươi hoặc niêm mạc chung quanh bị sung huyết đỏ tấy. Mỗi đợt có thể xuất hiện từ 1-3 vết loét, nhưng cũng có thể nhiều vết loét đồng thời xuất hiện. Vết loét thường ở niêm mạc má, miệng, bờ và mặt dưới lưỡi, lợi, sàn miệng, vòm khẩu cái, trụ amydal.

Để chữa trị bằng thuốc Đông y, có thể tiến hành theo hai hướng: Thứ nhất, dùng thuốc theo phương pháp biện chứng luận trị, nghĩa là căn cứ vào chứng trạng cụ thể mà chọn dùng bài thuốc tương ứng. Thứ hai, sử dụng nghiệm phương, nghĩa là những bài thuốc kinh nghiệm lưu truyền trong dân gian, hoặc những bài thuốc do các thầy thuốc lập ra và ứng dụng trên lâm sàng thấy kết quả tốt.

1. Biện chứng luận trị:

    Theo Đông y chứng "khẩu sang" thường do "Tâm tỳ tích nhiệt" (nhiệt tà tích đọng ở hai tạng tâm, tỳ) hoặc "Âm hư hỏa vượng" gây nên.

    • Trường hợp "Tâm tỳ tích nhiệt":

        - Thường biểu hiện bởi các triệu chứng chính: Khoang miệng viêm loét, niêm mạc chung quanh các vết loét đỏ tươi, hơi sưng, nóng rát, đau, khi ăn hay khi nói đau tăng, thường kèm theo phát sốt, khát nước, hôi miệng, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện táo bón. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch sác (nhanh).

        - Để chữa trị có thể dùng bài thuốc hoặc món ăn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng chỉ thống dưới đây:

            (1) Bài thuốc: Dây kim ngân (nhẫn đông đằng) 15g, trúc diệp (lá tre hoặc lá trúc) 10g, bạc hà 6g, chi tử (trái dành dành) 10g, sinh địa 12g, bồ công anh 15g, cam thảo 6g; sắc nước uống thay nước trong ngày.

            (2) Nước ép rau quả: Củ cải tươi 1000g, ngó sen tươi 500g; 2 thứ rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, ngậm và  uống dần trong ngày.

    • Trường hợp "Âm hư hỏa vượng":

        - Thường biểu hiện bởi các triệu chứng chính: Khoang miệng viêm loét, vết loét trắng nhợt, niêm mạc chung quanh đỏ nhạt hoặc không đỏ, số lượng vết loét tương đối ít, nói chung mỗi lần chỉ xuất hiện 1-2 vết loét, nhưng hay tái phát, hoặc vết này khỏi lại xuất hiện vết khác, triền miên không dứt. Chất lưỡi đỏ, khô, ít rêu, mạch tế sác (nhỏ nhanh).

        - Để chữa trị có thể dùng bài thuốc hoặc trà thuốc có tác dụng tư âm giáng hỏa dưới đây:

            (1) Bài thuốc: Thục địa 24g, sơn thù du 12g, sơn dược 12g, trạch tả 9g, đan bì 9g, phục linh 9g, tri mẫu 8g, hoàng bá 8g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

            (2) Trà thuốc: Sinh địa 9g, tâm sen 6g, cam thảo 6g; sắc nước uống thay trà trong ngày.

2. Sử dụng nghiệm phương:

dạ cẩm, cây loét mồm, ngón cúi, ngón lợn, đất lượt, đứt lướt, đứt lưỡi, chạ khẩu cắm, sắn công mía, Hedyotis capitellata Wall.

    (1) Dùng lá dạ cẩm: Hái nắm lá dạ cẩm non, rửa sạch, hong khô, lấy từng nhúm nhai nát, ngậm một lúc, nuốt chút nước cốt rồi nhổ bã đi, ngày ngậm 3-4 lần. Hoặc giã nát lá, vắt lấy nước cốt ngậm, uống dần. Một số địa phương, dân gian thường dùng lá dạ cẩm nấu với gạo nếp thành xôi ăn; xôi có màu tím đẹp, lại có tác dụng chữa viêm loét lưỡi và viêm họng.

bọ mẩy, bọ nẹt, đắng cảy, lạo dực, mạy kỳ cáy, co khi cáy, lộ biên thanh, thanh thảo tâm, sơn vĩ hoa, sơn tất, lục đậu thanh, xú đại thanh, đại bách giải, Clerodendron cyrtophyllum Turcz.

    (2) Dùng lá bọ mẩy: Hái một nắm lá bánh tẻ từ cây bọ mẩy, rửa sạch, hong khô, giã nát, cho vào một cái bát, đổ ngập mật ong, ngâm khoảng 30 phút, dùng để ngậm dần, mỗi lần ngậm khoảng 5-10 phút, có thể nuốt nước, sau nhổ bỏ bã.

kê nội kim

    (3) Dùng kê nội kim (màng mề gà):

        - Trong tạp chí "Trung Quốc dân gian liệu pháp" số tháng 10 năm 2002, 3 tác giả đã công bố kết quả nghiên cứu dùng kê nội kim điều trị 72 ca loét miệng (khẩu sang) lâu năm. Trong 72 ca đó có 34 nam và 38 nữ, tuổi từ 15-64, bệnh trình đã kéo dài từ 2 ngày đến 10 năm.

        - Cách dùng: Kê nội kim thiêu tồn tính (cho vào chảo hoặc nồi gang rang đến khi bên ngoài cháy đen, nhưng bên trong vẫn giữ nguyên chất thuốc), nghiền mịn, ngày bôi vào chỗ vết loét 3 lần.

        - Kết quả thu được: Toàn bộ bệnh nhân sau khi bôi từ 2-4 lần thì hết đau, bôi từ 3-10 ngày thì bệnh khỏi hoàn toàn.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]