Hỏi:
Tôi
là bệnh nhân bị tăng huyết áp. Tôi đã dùng tân dược một thời gian, tuy
huyết áp có hạ xuống, nhưng cảm thấy bất tiện nên chuyển sang sử dụng
thuốc Nam. Tôi đã dùng Hoa hòe + Hạ khô thảo + Đỗ trọng + Mã đề, sắc
uống vài tháng nhưng chưa có kết quả. Tôi định thêm Dừa cạn + Hoa đại +
Cỏ mần trầu + Lá dâu, thêm 4 vị như vậy cùng sắc uống có được không? Tôi
nghe nói lá "xú ngô đồng" hạ huyết áp, nhưng không biết nên uống độc vị
hay phối hợp với vị thuốc khác, liệu có độc không?
Ngô Phúc Lan, Hà Tĩnh
Đáp:
Muốn sử dụng thảo dược chữa bệnh có hiệu quả và tránh được tác dụng phụ
ngoài sự mong muốn, cần theo đúng lý luận của Đông y học, cụ thể là cần
tuân theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị". Nghĩa là trước khi quyết
định sử dụng một loại thuốc nào đó, cần tiến hành phân tích, biện biệt
những chứng trạng, biểu hiện cụ thể ở người bệnh, để xác định "chứng"
(như vậy gọi là "biện chứng"). Sau đó, dựa vào tính chất của "chứng", mà
áp dụng phương pháp, bài thuốc, vị thuốc thích hợp để chữa trị ("luận
trị").
"Biện chứng luận trị" không phải là "đối chứng trị
liệu", không phải là "đau đâu chữa đấy". Cũng không phải là "đối bệnh
trị liệu" - không phải đối với mỗi một loại bệnh, đều dùng một bài
thuốc, vị thuốc cố định để chữa. "Biện chứng luận trị" luôn luôn căn cứ
vào đặc điểm thể chất của bệnh nhân (thường gọi là "cơ địa"), điều kiện
sống, thói quen sinh hoạt và ăn uống, đặc điểm thời tiết khí hậu, ... để
lựa chọn ra phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Một "bệnh" (theo nghĩa hiện đại) có thể bao gồm nhiều "chứng" khác nhau trong Đông y.
Cụ thể, bệnh cao huyết áp thường bao gồm các chứng (còn gọi là "thể
bệnh") như: "Can dương thượng cang", "Can thận âm hư", "Đàm thấp nội
trở", "Huyết ứ", hoặc "Âm dương lưỡng hư". Đối với mỗi "chứng" cần áp
dụng phép chữa, bài thuốc, vị thuốc thích hợp.
Thí dụ, vị
thuốc hoa hòe, có tác dụng hạ huyết áp, nhưng có vị đắng, tính hàn, có
tác dụng lương huyết, chỉ huyết, thanh can tả hỏa; nếu sử dụng độc vị
hoa hòe, thì chỉ có thể áp dụng cho bệnh cao huyết áp thuộc thể "Can
dương thượng cang" hay "Can thận âm hư". Còn như áp dụng cho các thể
khác, cần phối hợp thêm những vị thuốc khác. Hay như vị thuốc đỗ trọng,
tuy có tác dụng hạ huyết áp, nhưng là vị thuốc có tính ôn (ấm), chỉ
thích hợp với thể "Âm dương lưỡng hư"; dùng độc vị trong trường hợp cao
huyết áp thể "Can dương thượng cang" hay "Can thận âm hư" sẽ giống như
thêm dầu vào lửa.
Mặt khác, các phương thuốc (bài thuốc) Đông y
đều được hợp thành theo những phép tắc nhất định (gọi là "phép phối
ngũ"), không phải hễ cứ thấy những vị thuốc có tác dụng hạ huyết áp, là
có thể ghép lại sắc uống.
Vị thuốc xú ngô đồng (Clerodendron
trichotomum Thunb), đúng là có tác dụng hạ huyết áp khá tốt. Có thể sử
dụng độc vị, nếu phối hợp với địa long, tác dụng càng mạnh. Trên lâm
sàng, kết quả giảm huyết áp thường xuất hiện chậm, phải uống 4-5 tuần lễ
mới thấy kết quả. Tuy nhiên, ngay sau khi bắt đầu uống 1-2 tuần đã thấy
người dễ chịu; những triệu trứng đau đầu, hoa mắt, mất ngủ hết dần.
Nhưng nếu chỉ uống 1-2 tuần, huyết áp lại có xu hướng tăng lên, do đó
huyết áp đã giảm tới mức nào rồi, vẫn phải dùng thuốc với một liều thích
hợp để duy trì kết quả. Khi bắt đầu sử dụng, ngày dùng 10-15g xú ngô
đồng, sắc lấy nước, chia 3-4 lần uống trong ngày; uống đến khi huyết áp
hạ xuống mức bình thường thì giảm liều xuống còn 2-4g một ngày. Tác dụng
phụ của xú ngô đồng rất ít, chỉ có một số ít bệnh nhân thấy khô cổ, nôn
mửa.
Có điều, theo các điều tra về dược liệu, hiện chưa phát
hiện xú ngô đồng ở nước ta. Tại các của hành thuốc Nam ở nước ta, người
ta hay dùng cây bạch đồng nữ, còn gọi là bần trắng, vậy trắng, mấn
trắng, mò trắng, tên khoa học là Clerodendron fragrans Vent., họ Cỏ roi
ngựa (Verbennaceae), để thay thế cho xú ngô đồng. Tuy nhiên, tác dụng
của bạch đồng nữ có giống xú ngô đồng hoàn toàn hay không, vẫn chưa được
khoa học kiểm định.
Theo chúng tôi nghĩ, bạn nên tìm đến
phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc xem mạch, xác định
thể bệnh và hướng dẫn dùng thuốc cụ thể.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.