Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Dùng bí ngô giải độc thuốc phiện, phân hữu cơ

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 07/11/2012 12:23 SA

Hỏi:

Tôi nghe các cụ nói, có thể sử dụng bí ngô để giải độc thuốc phiện. Không rõ thực hư thế nào. Mong được "Thuốc vườn nhà" cung cấp cho thông tin đáng tin cậy về vấn đề này.

Bùi Quan Trương, Yên Bái

Đáp:

bí ngô

Bí ngô là một loại rau dân dã, rẻ tiền; thời trước thường coi là loại thức ăn của nhà nghèo. Nhưng từ những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi các nhà khoa học phát hiện thấy, bí ngô có khả năng phòng ngừa và chữa trị bệnh tiểu đường, tại Nhật Bản đã xuất hiện "cơn sốt bí ngô". Gần đây "cơn sốt đó" cũng đã lan truyền vào nước ta. Và hiện tại, bí ngô đã trở thành loại "thực phẩm chức năng" đặc hiệu, trong bữa ăn của cả những gia đình khá giả.

Thực ra, bí ngô đã được sử dụng làm thuốc từ nhiều thế kỷ  trước. Tác dụng chữa bệnh của bí ngô được ghi chép sớm nhất trong sách "Điền Nam bản thảo" do Lan Mậu (1397-1476) - thầy thuốc nổi tiếng thời nhà Minh (Trung Quốc) biên soạn.

Theo Đông y: Thịt quả bí ngô có vị ngọt, tính ấm, không độc; vào 2 kinh Tỳ và Vị. Có tác dụng bổ trung ích khí, tiêu viêm chỉ thống, giải độc sát trùng. Dùng chữa khí hư phạp lực (người mệt mỏi), tiêu khát (đái tháo đường), khử trùng, giải độc, ...

Các nghiên cứu hiện đại đã cho thấy: Trong thịt quả bí ngô có nhiều loại chất đường bột, cho nên ăn vào cảm thấy có vị ngọt. Ngoài chất đường bột, chất đạm, chất béo, các vitamin, ... trong thịt quả bí ngô còn chứa một số nguyên tố vi lượng rất cần thiết đối với cơ thể, nhất là cô-ban (Co) và kẽm (Zn). Thiếu cô-ban trong cơ thể, là một trong những nguyên nhân dẫn tới các bệnh như cao huyết áp, bệnh mạch vành tim và quá trình phân tiết in-su-lin ở tuyến tụy (có tác dụng làm giảm đường huyết) sẽ không thể diễn ra bình thường. Chất kẽm trong bí ngô có tác dụng xúc tiến quá trình tạo ra các nucleic acid và các protein trong cơ thể, nhờ vậy mà chức năng miễn dịch được nâng cao hơn. Trong thịt quả bí ngô còn có hàm lượng lớn pectine - một chất có khả năng kết hợp với cholesterol dư thừa trong cơ thể, do đó có thể phòng ngừa cholesterol gây xơ cứng động mạch. Chất pectine còn có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột, tránh sự kích thích của các thức ăn thô, nhờ vậy có thể giúp cho các vết loét chóng lành. Bí ngô cũng là một trong số thức ăn phòng ung thư; sử dụng thường xuyên có thể giảm tần suất mắc bệnh ung thư.

Đặc biệt, bí ngô còn chứa một số hợp chất có tính hấp thu rất mạnh, có thể kết dính và thanh trừ nhiều chất có hại, như chất độc của nấm, kim loại nặng và nguyên tố phóng xạ; có khả năng tiêu trừ và giảm thiểu tác hại của các chất có hại trong thức ăn, như dư lượng thuốc trừ sâu, các hợp chất chứa nitrite; có tác dụng xúc tiến khả năng tái sinh của tế bào gan và tế bào thận; tăng cường khả năng chống độc của cơ thể đối với các chất có hại.

Trở lại vấn đề dùng bí ngô giải độc thuốc phiện. Từ kết quả nghiên cứu hiện đại về tính năng giải độc của bí ngô, có thể thấy, kinh nghiệm sử dụng bí ngô như một loại thuốc giải độc của người xưa là có cơ sở.

Theo những tài liệu chúng tôi có trong tay, thì cách dùng bí ngô để giải độc nha phiến được ghi chép trong sách "Tùy tức cư ẩm thực phổ" ấn hành 1861, thời nhà Thanh, do danh y Vương Sĩ Hùng (1808-1868) biên soạn.

Cách sử dụng cụ thể như sau: Khi bị ngộ độc do sử dụng quá nhiều thuốc phiện, có thể dùng quả bí ngô tươi, cắt nhỏ, giã vắt lấy một bát nước cốt (khoảng 200ml), uống dần từng ít một.

Nhân đây "Thuốc vườn nhà" cũng xin giới thiệu thêm kinh nghiệm sử dụng bí ngô để giải độc phân hữu cơ:

    - Lấy thịt quả bí ngô và củ cải - 2 thứ lượng bằng nhau; giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống. Người bị trúng độc sẽ nôn ra và giải được độc.

    - Theo kinh nghiệm của huyện Sùng An, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc: Làm như vậy đã cấp cứu được 2 người bị trúng độc nặng, sắc mặt tím tái, chân tay lạnh ngắt.

Tuy nhiên, cách dùng bí ngô để giải độc giới thiệu ở trên, chỉ áp dụng trong trường hợp cấp bách. Sau khi đã cấp cứu tạm thời như trên, cần đưa gấp đến bệnh viện để giải độc triệt để.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]