Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Thiên lý - Thuốc quý vườn nhà

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 29/10/2012 08:37 CH

Hỏi:

Tôi hay bị mất ngủ và nhiều khi phải sử dụng thuốc ngủ mới ngủ được. Tình cờ, một lần tôi ăn món hoa thiên lý xào thịt bò trong cơm chiều và tối ngủ rất ngon, sáng hôm sau tỉnh dậy cảm thấy rất tỉnh táo chứ không mệt như với thuốc ngủ. Tôi sử dụng thử các món ăn chế từ hoa thiên lý và thấy rằng đó là thứ thuốc ngủ rất tốt, sáng dậy không nhức đầu, không tác dụng phụ. Thật không ngờ lại hay như vậy. Nay tôi viết thư này, đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, ngoài tác dụng chữa mất ngủ, cây thiên lý còn có thể sử dụng để chữa trị những bệnh gì khác?

Lê Nguyễn Hồng Minh, Hải Phòng

Đáp:

cây thiên lý, thiên lý, Telosma cordata (Burm.f.) Merr., cây hoa lý, hoa thiên lý, dạ lai hương, dạ lài hương, dạ hương hoa, dạ lan hương, thiên lý hương

Cây thiên lý có tên khoa học là Telosma cordata (Burm.f.) Merr., thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae). Cây được trồng khắp nơi ở nước ta, nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc, để làm cảnh và lấy hoa, lá, nấu canh ăn. Cây còn mọc ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mailaixia, Thái  Lan, Inđônêxya, Philipin, ...

Tại một số địa phương ở nước ta, cây còn có tên là "cây hoa lý", "hoa thiên lý"; tại Trung Quốc, cây có tên chính thức là "dạ lai hương", khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, một số tài liệu đã viết là "dạ lài hương", lâu ngày thành quen.

Cũng như ở nước ta, tại Trung Quốc, tùy theo địa phương, cây "dạ lai hương" cũng có một số tên khác (dị danh) như "dạ hương hoa", "dạ lan hương", "thiên lý hương", ... Cần lưu ý thêm là, tại Trung Quốc, "dạ lai hương" còn dùng chỉ (là dị danh) của hai cây khác; thứ nhất là cây Cestrum nocturnum L., thuộc Họ Cà, cây này hay được trồng làm cảnh, tại nhiều nơi ở Việt Nam có tên là cây "dạ hương"; thứ hai là cây "nguyệt kiến thảo", hiến thấy ở Việt Nam. Chúng tôi nói thêm chi tiết này, để khi đọc các tài liệu dịch của Trung Quốc, bạn đọc đỡ bị nhầm lẫn.

Về mặt thực vật, thiên lý là một loại cây nhỏ, mọc leo, thân hơi có lông, nhiều nhất ở những bộ phận còn non. Lá mọc đối, hình tim, khía mép ở khoảng 5-8mm về phía cuống, đầu lá nhọn, có lông trên các gân lá; phiến lá dài 6-11cm, rộng 4-7,5cm; cuống cũng có lông, dài 12-20 mm. Hoa nhiều, màu vàng xanh lục nhạt, thành xim tán, có cuống to, hơi có lông, dài 10-22mm, mang nhiều tán mọc mau, liền với nhau. Hương hoa thơm ngát, nhất là về đêm, nên có tên là "dạ lai hương" ("dạ" = đêm, "lai" = đến, "hương" = mùi thơm). Quả là những đại dài 6,5-9,5cm, rộng 12-14mm.

Cây thiên lý còn ít được nói đến trong các sách thuốc, nhưng căn cứ vào kinh nghiệm dân gian và tác dụng đối với cơ thể, có thể xếp thiên lý vào loại thuốc an thần, tư bổ trong Đông y.

Theo Đông y: Hoa thiên lý có vị ngọt, tính bình; có tác dụng bình Can, minh mục, thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm mắt, tan màng mộng, kích thích lên da non (làm vết thương chóng lên da non). Còn có tác dụng an thần, giúp ngủ ngon và chữa giun kim. Liều dùng hàng ngày: 5-10g hoa khô hoặc 15-30g hoa tươi.

Từ xưa trong dân gian nước ta, hoa thiên lý thường được dùng chế các món ăn bổ mát trong mùa hè (xào hoặc nấu canh ăn). Trong bữa cơm chiều, có món ăn chế từ thiên lý, sẽ giúp dễ ngủ, đỡ trằn trọc, tỉnh giấc, bớt đái đêm hơn. Ngoài ra, thiên lý còn có tác dụng chống đau lưng, giảm mệt mỏi sau một ngày làm việc nặng nhọc, về đầu óc cũng như thể lực. Lá còn dùng để sát trùng, diệt khuẩn; thường dùng để đắp lên mụn nhọt, những vết loét; còn có tác dụng chữa trĩ ngoại (lòi rom) và chữa phụ nữ bị sa dạ con. Rễ có thể sử dụng chữa đái buốt, nước tiểu lẫn máu hoặc có cặn trắng.

Tại Trung Quốc, Thái Lan, ... cả hoa và lá cây thiên lý đều được dùng để chữa viêm kết mạc cấp tính và mạn tính, viêm kết mạc do lên sởi, viêm giác mạc, mắt mờ không nhìn rõ do lên màng mộng.

Để tham khảo, xin giới thiệu một số cách sử dụng thiên lý:

    (1) Chữa trĩ ngoại (lòi dom): Dùng lá thiên lý 100g, muối ăn 5g; hái lá thiên lý non và lá bánh tẻ, rửa sạch, giã nhỏ với muối, thêm chừng 30ml nước cất, lọc qua vải gạc; dùng nước này tẩm vào bông đắp lên chỗ dom đã rửa sạch bằng thuốc tím, băng lại như đóng khố; ngày làm 1-2 lần. Thông thường, sau 3-4 ngày đã thấy chuyển biến tốt.

    (2) Chữa sa dạ con: Cũng dùng như cách chữa trĩ ngoại ở trên. Với những trường hợp bệnh nhẹ, thông thường sau 3-4 ngày dùng thuốc, là thấy kết quả.

    (3) Chữa viêm kết mạc cấp và mạn tính, viêm giác mạc và viêm kết mạc do sởi: Dùng hoa thiên lý 50g, sắc với 200ml nước, chia ra uống trong ngày.

    (4) Cháo thiên lý: Dùng hoa thiên lý 15g khô (hoặc 30-50g tươi), gạo tẻ 60g, sinh thạch cao 40g; trước hết sắc thạch cao với 1500ml nước, đun cạn còn 1000ml, chắt lấy nước, bỏ bã; cho gạo vào nấu cháo, khi cháo chín thì cho hoa thiên lý vào, đun sôi lại là được. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thanh tâm trừ phiền, hạ mỡ máu, đặc biệt thích hợp với những người bị bệnh động mạch vành tim, viêm khớp do phong thấp, mỡ máu cao và hội chứng mãn kinh ở người cao tuổi.

    (5) Trà thiên lý: Dùng hoa thiên lý 25g khô, hãm nước sôi uống thay trà trong ngày; mỗi ngày có thể pha 2 ấm uống. Có tác dụng thanh tâm trừ phiền, đề thần tỉnh não, kiện tỳ hòa vị và cải thiện giấc ngủ. Đặc biệt thích hợp với người cao tuổi.

    Chú ý: Khi dùng thiên lý, không uống trà hãm bằng các loại lá cây khác, vì các chất hữu cơ trong lá trà có thể ảnh hưởng tới sự hấp thu các hoạt chất từ hoa thiên lý.

    (6) Gối thiên lý: Dùng 5kg lá thiên lý tươi, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi khô, nhồi vào áo gối bằng vải bông để sử dụng. Loại gối này có tác dụng sơ thông (cải thiện tuần hoàn) mạch máu ở vùng cổ, kích thích tăng tiết chất gây ngủ, rất thích hợp với thanh niên; cũng thích hợp với người cao tuổi máu có độ dính cao dẫn tới chóng mặt, đau đầu, khó ngủ và dễ tỉnh giấc (đã sử dụng thuốc an thần không có kết quả).

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]