Hỏi:
Chúng tôi gồm một số bà con ở vùng sâu muốn được "Thuốc vườn nhà" tư vấn về cây có tên là "kim giao" (dao). Theo như lời đồn, thời xưa cây được dùng làm đũa ăn cho vua chúa, nhằm phát hiện chất độc, để tránh ngộ độc thức ăn. Vậy xin hỏi có đúng không? Ngoài ra cây còn có tác dụng để chữa bệnh gì? Đặc điểm của cây ra sao? Mong "Thuốc vườn nhà" giúp đỡ, để chúng tôi phổ biến cho bà con trồng.
Hoàng Dung, Khu ATK Đạo Viện, Yên Sơn, Tuyên Quang
Đáp:
Cây kim giao
Cây kim giao có tên khoa học là Nageia fleyryi (Hick.) de Laubenf., thuộc họ Kim giao (Podocarcaceae).
Kim giao là loại cây gỗ lớn, cao tới 20 mét. Tán hình trụ, cành mọc ngang và rủ xuống. Vỏ bong thành mảng. Lá mọc đối, thon, to, dài 15-18 cm, rộng 4-5cm, cuống hẹp, ngắn. Hoa cái mọc ở nách lá, trên một cuống dài khoảng 2cm. Quả tròn, màu lam đậm.
Cây kim giao còn mọc ở cực Nam Trung Quốc và Camphuchia. Ở nước ta, kim giao thường mọc trong các khu rừng nhiệt đới quanh năm xanh tốt, mưa ẩm; còn mọc trên núi đá vôi và núi đất, ở độ cao 700-100m. Kim giao có mặt ở hầu hết các tỉnh, từ Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, qua Nghệ An, Hà Tĩnh, tới Khánh Hòa, Bình Thuận. Một số địa phương, như trên đảo Cát Bà (Hải Phòng), kim giao mọc thành rừng, trở thành điểm du lịch hẫm dẫn du khách.
Theo "Thuốc vườn nhà", kim giao có giá trị chủ yếu về mặt lâm sản. Vì gỗ kim giao nhẹ, thớ mịn, có nhiều vân đẹp, nên thường được dùng để khắc dấu, làm đồ gia dụng, làm đũa ăn, đồ mỹ nghệ, áo quan, ...
Về tác dụng chữa bệnh, theo những tài liệu "Thuốc vườn nhà" có trong tay, chỉ thấy nói đến sử dụng lá làm thuốc chữa viêm họng, ho, ho ra máu và giải độc; nhưng mới chỉ là những kinh nghiệm dân gian (chưa thấy có những ghi chép về tác dụng chữa bệnh của kim giao trong sách thuốc chính thống của Đông y).
Tương truyền, đũa làm từ gỗ kim giao có thể phát hiện ra chất độc lẫn trong thức ăn. Tuy nhiên, khi phát hiện chất độc, thức ăn hay đũa sẽ có biểu hiện cụ thể như thế nào, thì mỗi người lại nói một khác; chưa có những kết quả nghiên cứu kiểm định cụ thể.
Vì cây kim giao cũng mọc ở Tuyên Quang, nên bác có thể tự mình kiểm chứng kinh nghiệm này. Chẳng hạn, có thể nhúng đũa làm từ gỗ kim giao vào nước sắc một số loại cây độc, như lá ngón, hạt ba đậu, hạt mã tiền, ... hay thức ăn có lẫn thuốc chuột, thuốc trừ sâu, ... để xem có những biểu hiện gì khác thường hay không.
Sau khi thí nghiệm, kết quả ra sao, rất mong được bác hồi âm về cho "Thuốc vườn nhà", để chúng tôi phổ biến cho các Quý bạn đọc khác.
Lương y HƯ ĐAN
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọctôi có 1 mẩu gốc cây cổ thụ của cây kim giao đã bị xoái mòn hàng trăm năm.va chuyen sang màu nâu đỏ. khong nhiều chỉ bằng 2 đầu ngón tay.do một người thầy lang cho.tôi đã thử cắn một ít ăn thì ban đầu tôi kam thấy có vị hơi ngai ngái nhẹ khi đưa vào lưỡi.dần dần tôi thấy vị hơi cay cay nhẹ khi nuốt hết.thì thấy lưỡi mình hơi có vị tê tê cay cay nhẹ nhẹ.và sau đó tôi đã thử cắt ra 2 miếng bé.một miếg tôi thả vào cốc nc lọc thì thấy màu của miếg kim giao vẫn giữ nguyên.kon 1 miếg tôi thả vào cốc đựng xăng 92 thì ngay lập tức miếng kim giao chuyển sang màu đen xì.và hơi có lăn tăn bọt nổi len nhẹ.hiện giờ tôi vẫn kon 1 mẩu to bằng 2 ngón tay.bạn nào kan thi call