Hỏi:
Tôi năm nay 75 tuổi. Hiện tôi bị đau khớp gối và cột sống thắt lưng từ mấy năm nay, lại còn bị cao H/A nữa. Vừa qua tôi được một người bạn đi Lạng Sơn về cho 1kg đỗ trọng và bảo rằng dùng uống có thể trị được chứng đau lưng, đau khớp và cả cao H/A nữa. Ông bạn tôi còn ghi cho một bài thuốc gọi là "Đỗ trọng trừ yêu thang" gồm: Đỗ trọng 30g, ngưu tất 20g, gừng tươi 5g và thận lợn 1 đôi; nấu thành canh ăn trị khỏi đau lưng, đau khớp. Vậy tôi viết thư này đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết: Có đúng là vị thuốc đỗ trọng có thể chữa được đau lưng đau khớp? Cách chế biến và sắc thuốc để uống như thế nào? Bài thuốc "Đỗ trọng trừ yêu thang" có tác dụng gì? Liệu trình bao lâu thì có kết quả?
Phạm Hoàng Yên, Phúc Yên, Vĩnh Phúc
Đáp:
Đỗ trọng
Đỗ trọng là vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt kinh điển. Tác dụng chữa bệnh của đỗ trọng được ghi lại sớm nhất trong "Thần Nông bản thảo kinh" - bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y học, thành thư cách nay đã hơn 2000 năm. Về tác dụng "cường cân tráng cốt" (mạnh gân cốt) của đỗ trọng, sách "Bản thảo cương mục" - bộ sách thuốc hoàn chỉnh nhất của Đông y truyền thống, tác giả là nhà dược học nổi tiếng Lý Thời Trân (1518-1593), có chép: "Bàng Nguyên Anh kể lại: Xưa có một thiếu niên mới lấy vợ, bị bệnh yếu chân không đi được, uống các thuốc không khỏi. Sau được lương y Tôn Lãm bắt mạch, đoán rằng bệnh đó là do thận hư, cho uống đỗ trọng, chỉ trong 10 ngày là khỏi".
Như vậy, đúng là vị thuốc đỗ trọng có thể chữa được đau lưng đau khớp.
Theo Đông y: Đỗ trọng có vị ngọt hơi cay, tính ấm; vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng bổ can thận (bổ tạng can và tạng thận trong Đông y); cường cân cốt (mạnh gân cốt); cố kinh an thai (chữa động thai). Trong Đông y truyền thống thường dùng đỗ trọng chữa đau lưng do thận hư, cũng như đau lưng do nguyên nhân khác. Còn dùng chữa dương nuy (liệt dương), di tinh, mộng tinh; phụ nữ động thai rong huyết, hay sảy thai, ...
Kết quả nghiên cứu hiện đại phát hiện thấy: Đỗ trọng là loại thuốc hạ huyết áp tự nhiên an toàn. Nước sắc và rượu thuốc đỗ trọng đều có tác dụng hạ huyết áp, nhưng nước sắc có tác dụng mạnh hơn rượu thuốc. Đặc biệt, nước sắc đỗ trọng sao (sao nhỏ lửa cho đứt các sợi nhựa) có tác dụng hạ huyết áp tốt hơn đỗ trọng sống (chưa sao chế). Vì vậy, nếu dùng để chữa cao huyết áp, ta nên sử dụng đỗ trọng đã sao chế. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, đỗ trọng có tác dụng giảm hàm lượng cholesterol trong huyết thanh, làm giãn mạch, tăng lưu lượng máu trong động mạch vành tim; còn có tác dụng trấn tĩnh, an thần, kháng khuẩn, kháng viêm, ...
Cách chế rượu đỗ trọng, sắc uống:
Để chế rượu thuốc, có thể dùng riêng một vị đỗ trọng (độc vị) hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
(1) Dùng độc vị đỗ trọng: Đỗ trọng 100g, tán thô, ngâm trong 1200ml rượu trắng, thỉnh thoảng lắc bình; ngâm khoảng 1 tháng là có thể chiết rượu thuốc ra dùng; mỗi ngày có thể uống 2-3 lần, mỗi lần 15-20ml. Rượu này có tác dụng bổ thận dương, mạnh gân cốt và điều hòa huyết áp ở mức độ nhất định.
(2) Phối hợp với các vị thuốc khác: Dùng đỗ
trọng 240g, can địa hoàng (củ sinh địa khô) 120g, đương quy 60g, xuyên
khung 60g, nhục quế 60g, ngâm với 2500ml rượu trắng; sau 1 tháng có thể
sử dụng, nhưng tốt nhất sau 100 ngày. Ngoài tác dụng bổ can thận, chữa
đau lưng do thận hư, còn có tác dụng bổ khí huyết và phòng ngừa phong
hàn.
Sắc, uống như thế nào?
Đỗ trọng là vị
thuốc an toàn, độ độc rất thấp. Nói chung, hàng ngày có thể sử dụng từ
3g-15g, sắc lấy nước uống hoặc tán bột uống. Ngoài ra còn được dùng để
chế thành các món ăn có tác dụng điều dưỡng hoặc chữa bệnh (dược thiện).
Tuy nhiên, y thư Đông y cũng cảnh báo, đỗ trọng là vị thuốc ôn bổ, nên người "Âm hư hỏa vượng" sử dụng cần thận trọng. Người "Âm hư hỏa vượng"
thường có những biểu hiện như họng khô, miệng háo, khát nước, sốt cơn
về buổi chiều, gò má đỏ ửng, lòng bàn chân bàn tay nóng, phiền táo, mất
ngủ, mồ hôi trộm, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi
ít; mạch tế sác (nhỏ nhanh).
"Đỗ trọng trư yêu thang" có tác dụng gì?
"Đỗ trọng trừ yêu thang", như bác viết, thành phần gồm có: Đỗ trọng 30g, ngưu tất 20g, gừng tươi 5g, thận lợn 1 đôi; nấu thành canh ăn.
Trước hết, bài thuốc gọi là "Đỗ trọng trư yêu thang" ("trư" - không có dấu huyền) có lẽ đúng hơn. "Trư yêu" là bầu dục (thận) lợn. "Trư" là con lợn, "yêu" là vùng thắt lưng, theo Đông y "yêu" là “phủ” của thận, nên "yêu" thường dùng để chỉ "thận". "Thang" là canh, nước sắc. Như vậy, "Đỗ trọng trư yêu thang" là món canh có thành phần chính là đỗ trọng và bầu dục lợn.
Thành phần của "Món ăn - Bài thuốc" này bao gồm những vị thuốc có tác
dụng bổ thận, hạ huyết áp và tiêu trừ phong thấp, cụ thể:
- Đỗ trọng: Có tác dụng bổ thận, mạnh gân cốt như đã nói ở trên.
- Ngưu tất:
Cũng là vị thuốc có tác dụng bổ can thận, cường cân cốt. Thường dùng
chữa lưng gối đau mỏi, hạ chi nuy nhuyễn (chân yếu mềm). Ngưu tất còn có
tính năng đặc biệt, mà Đông y gọi là "Dẫn hỏa hạ hành", dùng chữa chứng "Hỏa nhiệt thượng viêm"
(hỏa bốc), dẫn tới đau đầu, chóng mặt, tai ù, ... những triệu chứng hay
gặp ở người tăng huyết áp. Do đó, ngoài phối hợp với đỗ trọng chữa đau
lưng, ngưu tất còn có tác dụng chữa đau đầu gối và giải trừ những triệu
chứng khó chịu thường gặp ở người cao huyết áp. Ngoài ra, ngưu tất còn
là vị thuốc dẫn, dẫn thuốc xuống phía dưới, tập trung tác dụng của thuốc
vào các vị trí thuộc phần dưới cơ thể (lưng, đầu gối, chân).
- Gừng tươi:
Mở rộng phạm vi tác dụng (phổ tác dụng) của bài thuốc, nhờ có các tính
năng giải biểu, trừ phong hàn, ôn trung chỉ ẩu (chữa nôn mửa do lạnh
bụng), giải độc, ... còn đóng vài trò của một thứ gia vị trong món ăn
này.
- Thận lợn (bầu dục lợn): Còn gọi là
"trư yêu tử", vị mặn, tính bình; có tác dụng bổ thận tư âm, thông lợi
bàng quang. Chủ trị đau lưng do thận hư, mặt và toàn thân phù thũng, di
tinh, đạo hãn (mồ hôi trộm); người cao tuổi tai ù và phụ nữ sau khi sinh
đẻ vã mồ hôi trộm. Còn dùng để dẫn thuốc vào tạng thận trong các bài
thuốc chữa bệnh thận.
"Đỗ trọng trư yêu thang",
theo chúng tôi nghĩ, là một "Món ăn - Bài thuốc" hay, nhờ tác dụng hiệp
đồng của các vị thuốc. Bài thuốc có dược tính tương đối ôn hòa, không
nóng quá cũng không lạnh quá; vừa có tác dụng bồi dưỡng sức khỏe, vừa có
tác dụng chữa đau lưng gối. Rất thích hợp với người cao tuổi. Nên sử
dụng theo từng đợt (liệu trình) 10 ngày; nghỉ thuốc 3-5 ngày lại tiếp
tục đợt khác; sau khi khỏi bệnh, dùng thêm 1-2 đợt để củng cố hiệu quả.
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcCho cháu hỏi cây đỗ trọng dùng loại nào ạ!