Hỏi:
Cây chi chi - cam thảo Nam có vị ngọt đượm, dân gian thường hãm với chè xanh để uống. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết tính chất và tác dụng của cây này đối với sức khỏe con người.
Nguyễn Huấn, Quỳnh Phụ, Thái Bình
Đáp:
"Dây chi chi" (một loại "cam thảo Nam") là loài dây leo, mọc hoang và được trồng ở khắp nơi. Cây còn có tên là "dây cườm", "tương tư đậu", "tương tư đằng", ... Tên khoa học là Abrus precatorius L., thuộc họ Cánh bướm (Fabaceae).
Trong rễ, lá và dây chi chi chứa một chất ngọt, tương tự như chất glyxyrizin có trong rễ cây "cam thảo Bắc", nên dân gian thường dùng dây và lá, đem hãm với nước chè uống cho có vị ngọt, hoặc sử dụng làm thuốc để thay thế cho cam thảo Bắc.
Theo Đông y: Dây và lá chi chi có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Thường sử dụng để chữa cảm nắng, sốt nóng, ho khan, viêm họng.
Liều dùng hàng ngày: 10-15g sắc uống. Để giải độc, có thể dùng tới 50-60g sắc uống, nếu hòa thêm bột đậu xanh (nghiền sống) vào cùng uống, tác dụng càng tốt.
Lưu ý: Trong hạt chi chi có một loại protit độc, gọi là abrin. Khi nhỏ vài giọt dung dịch abrin vào kết mạc mắt, kết mạc sẽ bị phù tấy và giác mạc sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.
Theo cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, một số dân tộc vùng Tây Ấn Độ còn sử dụng hạt để đầu độc: Ngâm hạt với nước, giã nát, thêm ít dầu vào, nặn thành những mũi nhọn. Khi những mũi nhọn này đâm vào da, sẽ gây loét tại chỗ, chất độc ngấm vào máu có thể gây chết người trong 48 giờ.
Vì vậy, khi sử dụng dây và lá để uống, cần đặc biệt chú ý tránh để lẫn hạt vào.
Lương y HƯ ĐAN
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcđộc tốt hay