Hỏi đáp

Đậu miêu - Chống lạnh, xúc tiến tiêu hóa

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 22/12/2011 08:30 CH

Hỏi:

Từ khi lên Hà Giang sinh sống tới nay, tôi hay bị đầy bụng, ăn xong là buồn ngủ, đại tiện thường nhão và đặc biệt là rất sợ lạnh. Quanh năm cứ chiều tối là phải mặc thêm áo ấm, mùa đông thì mặc rất nhiều quần áo mà vẫn cảm thấy lạnh. Gần đây có một người dân tộc mang cho một thứ hạt, có mùi thơm hăng hắc, gọi là "đậu miêu", nói rằng hàng ngày đem hãm nước uống như uống trà sẽ đỡ sợ lạnh và ỉa chảy. Tôi rất mong được "Thuốc vườn nhà" chỉ cho biết: Đậu miêu có tác dụng chống lạnh hay không? Nếu dùng uống thường xuyên có gây ra tác hại gì không?

Nguyễn Đình Mánh, Hà Giang

Đáp:

IMG

Thứ hạt mà bạn hỏi là một vị thuốc Đông y có tên là "bổ cốt chi", còn gọi là "phá cố chỉ", "bà cố chi", "hắc cố tử", "hồ cố tử", "phá cốt tử", "cố tử", "hạt đậu miêu", tên khoa học là Psoralea coryliforlia L. họ Cánh bướm. Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, đã được trồng ở nước ta từ lâu, tác dụng làm thuốc được ghi chép đầu tiên trong sách "Dược tính bản thảo".

Trong các sách thuốc, bổ cốt chi được xếp vào nhóm các vị thuốc bổ dương.

Theo Đông y: Bổ cốt chi có vị đắng, cay, tính ấm, vào 2 kinh Tỳ và Thận. Có tác dụng bổ thận trợ dương, cố tinh, thúc niệu (kìm hãm bài tiết nước tiểu), ôn Tỳ chỉ tả (xúc tiến tiêu hóa, chống ỉa chảy). Thường sử dụng để chữa chứng ỉa chảy do Thận hư lãnh (Thận dương suy yếu), di tinh, hoạt tinh, tiểu tiện nhiều lần, dương nuy (rối loạn cương dương), lưng gối lạnh đau, suyễn thở, ...

Trong dân gian: Bổ cốt chi thường được dùng làm thuốc bổ cho người già yếu, đau lưng, con trai đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều, hoạt tinh; phụ nữ kinh nguyệt không điều hòa, khí hư. Hạt ngâm rượu, dùng  bôi ngoài da chữa bệnh bạch điến (da bị trắng từng chỗ). Tại Ấn Độ người ta dùng bổ cốt chi làm thuốc chữa hủi và một số chứng bệnh ngoài da.

Liều dùng: Ngày uống 6-15g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc thuốc viên.

Kiêng kỵ: Người "âm hư hỏa động" (có những biểu hiện như bốc hỏa, mặt đỏ bừng từng lúc, miệng khô khát, sốt cơn, lòng bàn chân bàn tay nóng, ...), đi tiểu ra huyết, đại tiện táo kết không nên dùng độc vị bổ cốt chi (cần phối hợp với các vị thuốc khác).

Theo những biểu hiện đã viết trong mail, nhiều khả năng bạn mắc chứng ăn uống khó tiêu và sợ lạnh do Tỳ dương và Thận dương bị suy yếu (theo cách phân loại chứng bệnh của Đông y).

Để chữa trị, có thể sử dụng khoảng 10g hạt đậu miêu pha trà hoặc sắc nước uống trong ngày. Nếu thêm vào 5-7g "nhục đậu khấu", gừng tươi 3 lát, cùng sắc uống, tác dụng càng tốt.

Đối với trường hợp của bạn, uống bổ cốt chi chắc rằng sẽ không có tác dụng phụ ngoài sự mong muốn. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên sử dụng theo từng liệu trình: Uống liên tục 10-15 ngày, nghỉ thuốc 3-5 ngày, lại uống tiếp một liệu trình khác, cứ như vậy đến khi khỏi bệnh.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]