Hỏi đáp Mỹ phẩm từ thiên nhiên

Thuốc Nam chữa trị vẩy nến

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 10/06/2012 08:25 SA

Hỏi:

Tôi bị vẩy nến đã nhiều năm, đã thử dùng rất nhiều loại thuốc tân dược, tốn rất nhiều tiền mà bệnh hầu như không thuyên giảm. Tôi muốn chuyển sang điều trị bằng Đông y. Rất mong "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn cho tôi một số bài thuốc để sử dụng thử.

Nguyễn Đình Mẫn, Ninh Bình

Đáp:

huyền sâm

Vẩy nến (Psortasis vulgarig) là một bệnh ngoài da mạn tính, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới.

Về cơ chế bệnh: Hiện tượng trên da xuất hiện những vẩy nến là do các tế bào ở lớp thượng bì đổi mới quá nhanh, thay vì phải 21 ngày mới có được một lớp tế bào sừng hóa, thì ở những người bị vẩy nến chỉ 7-8 ngày đã có một lớp tế bào mới xuất hiện. Như vậy, những vẩy nến chính là những tế bào da còn non, chưa đến kỳ lão hóa đã bị những tế bào của một lớp da mới thay thế. Hậu quả là dẫn đến dày sừng, rối loạn biệt hóa tế bào sừng, tạo nên nhiều lớp vảy á sừng, bong ra liên tục; khi thay quần áo hoặc khi gãi, có những bụi trắng như nến bong ra, rơi xuống lả tả.

Đối với bệnh vẩy nến, Tây y hiện tại vẫn chưa tìm ra được phương pháp điều trị thật sự hữu hiệu, chưa có khả năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Bệnh nhân chủ yếu được điều trị bằng các loại thuốc bôi ngoài da, điều trị nội khoa chỉ mang tính hỗ trợ.

Trong Đông y: Bệnh vẩy nến có tên "Ngân tiết bệnh" ("ngân tiết" = mảnh vụn trắng như bạc). Trong y thư cổ, còn có tên là "bạch sang", "tùng bì tiên", "xà bì tiên", "ngưu bì tiên", ...

Theo Đông y: Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh là do là "huyết hư", "huyết nhiệt" và "huyết táo"; các loại "tà độc" như "phong", "hỏa", "thấp nhiệt", ... nhân cơ hội cơ thể suy yếu, xâm phạm vào mà gây nên bệnh. Trong Đông y, bệnh vẩy nến được điều trị bằng thuốc uống trong là chính; thuốc bôi, rửa, tắm ở bên ngoài chỉ có tính hỗ trợ.

Thực tế cho thấy, sử dụng thuốc Đông y điều trị bệnh vẩy nến đạt kết quả tương đối khả quan, mặt khác lại ít gây nên phản ứng phụ ngoài sự mong muốn.

Bạn có thể căn cứ vào chứng trạng cụ thể mà sử dụng phép trị, bài thuốc tương ứng, theo các phương án sau:

    (1) Huyết nhiệt phong táo:

        - Triệu chứng: Phần da bị tổn thương đỏ tươi, những nốt sẩn trên da xuất hiện liên tục, vùng da bị tổn thương lớn dần. Ngứa nhiều, gãi vào bong ra thứ "vẩy nến" mỏng, trắng hồng, trên da có những điểm xuất huyết; kèm theo các triệu chứng như bồn chồn, miệng khát, đại tiện phân khô, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền hoạt hoặc sác.

        - Phép chữa: Lương huyết, giải độc, trừ phong, nhuận táo.

        - Bài thuốc 1: Cỏ nhọ nồi 20g, sinh địa 20g, kim ngân 12g, thổ phục linh 20g, ké đầu ngựa (sao vàng) 12g, kinh giới 8g, cam thảo 4g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 600ml; chia 3 phần, uống vào buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều, lúc đói bụng.

        - Bài thuốc 2: Sinh địa 20g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g, thổ phục linh 20g, ké đầu ngựa (sao vàng) 12g, kinh giới 8g, cam thảo 4g; sắc và uống giống như bài thuốc 1.

    (2) Huyết hư phong táo:

        - Triệu chứng: Những chỗ da bị tổn thương sắc nhợt, lượng vẩy bong ra nhiều, kèm theo các triệu chứng khó ngủ, tim đập dồn loạn nhịp, đầu choáng váng, miệng khô, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi trắng. Dạng này thường thấy ở những người bị bệnh lâu ngày không khỏi.

        - Phép chữa: Dưỡng huyết, trừ phong, nhuận táo.

        - Bài thuốc 1: Sinh địa 20g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, hà thủ ô 12g, kim ngân 12g, vỏ đậu đen 8g, vừng đen 12g, cam thảo 4g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 450ml; chia 3 phần, uống vào buối sáng, buổi trưa và buổi chiều, lúc đói bụng.

        - Bài thuốc 2: Đương quy 10g, sinh địa 10g, bạch thược 10g, hà thủ ô chế 10g, mạch môn 15g, kim ngân 12g, liên nhục 12g, xác ve sầu 8g, kinh giới 8g, cam thảo 4g; sắc và uống giống như bài thuốc 1.

    (3) Huyết ứ thấp trệ:

        - Triệu chứng: Những chỗ da bị tổn thương dày cộm lên, đỏ thẫm, bệnh dai dẳng, chất lưỡi đỏ tía hoặc có điểm ứ huyết, mạch sáp hoặc tế hoãn.

        - Phép chữa: Hoạt huyết hóa ứ, trừ phong, chống ngứa.

        - Bài thuốc 1: Đương quy 12g, xuyên khung 6g, kê huyết đằng 12g, thổ phục linh 20g, ích mẫu thảo 12g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 8g, kinh giới 12g, bạch cương tàm 12g, cam thảo 4g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 400ml; chia 2 phần, uống vào buối sáng và buổi chiều, lúc đói bụng.

        - Bài thuốc 2: Sinh địa 12g, đương quy 10g, xuyên khung 6g, bạch thược 15g, xích thược 15g, kê huyết đằng 15g, đào nhân (nhân hạt đào) 6g, nghệ đen 6g, cam thảo 4g; sắc và uống giống như bài thuốc 1.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]