Hỏi:
Gần đây tôi nghe nói, ngoài loài cam cúc, cúc vạn thọ cũng có thể sử dụng làm thuốc. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Cúc vạn thọ có những tác dụng gì và cách sử dụng cụ thể thế nào?
Đoàn Thanh An, Lạng Giang, Bắc Giang
Đáp:
Cúc vạn thọ
Cúc
vạn thọ còn có tên là "xú phù dung", "hồng cúc", "bá cúc", "lý khổ
ngải", "phong oa cúc", "kim hoa cúc", "kim kê cúc", ... tên khoa học là
Tagetes erecta L., thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Cúc vạn thọ là
loại cây thảo, mọc đứng, cao 0,6-1m, phân nhánh thành bụi, có cành nằm
trải ra. Lá xẻ sâu hình lông chim, các thùy hẹp, dài, nhọn, khía răng
cưa. Đầu hoa tỏa tròn, rộng 3-4cm hay hơn, mọc đơn độc hay tụ hợp thành
ngù; lá bắc của bao chung dính liền với nhau; hoa màu vàng hay vàng cam;
hoa ở phía ngoài hình lưỡi nhỏ xòe ra, hoa ở phía trong hình ống và
nhỏ. Quả bế.
Cúc vạn thọ vốn là loài cây có nguồn gốc ở Nam
Mỹ, nhưng hiện tại đã được thuần hóa và trồng khắp những nơi nóng, ẩm,
nhiều ánh sáng trên khắp thế giới. Có thể trồng bằng ngọn hay mầm nách,
hoặc là reo hạt.
Để sử dụng làm thuốc, chủ yếu dùng hoa. Lá, thân và rễ cũng có thể sử dụng làm thuốc, trong phạm vi bài viết này "Thuốc vườn nhà" xin phép không đề cập.
Theo Đông y:
Cúc vạn thọ có vị đắng, mùi thơm, tính mát. Có tác dụng bình can thanh
nhiệt, trừ phong, hóa đàm (tiêu đờm). Có thể dùng chữa trị váng đầu hoa
mắt, đau mắt do phong hỏa (viêm kết mạc), trẻ nhỏ động kinh, ho gió (ho
do cảm mạo), viêm khí quản, ho gà, viêm tuyết vú, viêm tuyến mang tai
(quai bị), mụn nhọt lở loét ngoài da.
Liều dùng: Uống trong, dùng 10g-15g sắc nước uống. Dùng ngoài, giã đắp hoặc nấu nước tắm, rửa.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy:
- Về thành phần hóa học: Đã phát
hiện trong hoa cúc vạn thọ các chất patuletin, quercetagetin, patulitrin,
quercetagitrin, α-terthienyl, Z-ocimenone, E-locimenone,
limonene, β-caryophyllene, tagetone, piperitone,
piperitenone, helenine, helenien, rubichrome, violaxanthin, allopauletin,
isoeuparin, ...
- Về phương diện tác dụng dược lý: Tinh
dầu trong hoa cúc vạn thọ có tác dụng an thần, kháng viêm, giãn phế
quản, chống co giật và giảm đau. Chất helenien trong hoa cúc vạn thọ có
tác dụng xúc tiến chức năng của võng mạc; chất lutein có tác dụng kiềm
chế quá trình lão hóa võng mạc ở người cao tuổi. Một số nghiên cứu gần
đây còn phát hiện, chất quercetin có tác dụng kháng ung thư tương đối
mạnh. Còn phát hiện, chất α-terthienyl trong hoa cúc vạn thọ có tác dụng
ức chế nhất định đối với virus HIV.
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc tương đối đơn giản có dùng cúc vạn thọ để bạn tham khảo:
(1) Chữa ho gà: Dùng cúc vạn thọ 15 bông; sắc lấy nước, hòa thêm đường đỏ vào uống.
(2) Chữa viêm khí quản: Dùng cúc vạn thọ 30g, cát cánh 6g; sắc lấy nước uống.
(3) Chữa viêm kết mạc, mắt đỏ đau: Dùng cúc vạn thọ 15g; sắc lấy nước uống.
(4) Chữa viêm tuyến mang tai (quai bị):
Dùng cúc vạn thọ, thất diệp nhất chi hoa (cây 7 lá 1 hoa), kim ngân hoa
- lượng bằng nhau; nghiền nát, hòa với giấm, đắp vào chỗ đau.
(5) Sa dạ con sau khi đẻ: Dùng cúc vạn thọ, nấu lấy nước, đổ vào chậu rộng miệng, xông hậu môn và cửa mình.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.