Hỏi:
Tôi là độc giả thường xuyên của thuocvuonnha.com. Trên "Thuốc vườn nhà" có phổ biến cách dùng thuốc Nam chữa cảm cúm khi mang thai ("Thuốc chữa cảm cúm khi mang thai"). Tôi đã áp dụng chữa cho các cháu trong nhà khi bị cảm và không cần dùng đến kháng sinh. Nay tôi muốn hỏi thêm: Trường hợp mùa hè phụ nữ có thai bị cảm nắng, có sử dụng thuốc Nam để chữa hay không?
T.V, Mỹ Lộc, Nam Định
Đáp:
Theo Đông y: Khi mang thai, âm huyết trong cơ thể người mẹ phải tập trung vào bào thai để nuôi thai nhi. Do đó, cơ thể người mẹ dễ lâm vào tình trạng "âm huyết bất túc" (âm huyết không đầy đủ). Mùa Hè "thử khí" chủ sự. "Thử" (nắng nóng) là đặc điểm khí hậu của mùa Hè, bình thường không gây bệnh, nhưng khi thử khí cang thịnh quá mức (nắng nóng quá độ), có thể gây nên bệnh, thì khi đó gọi là "thử tà".
Phụ nữ mang thai âm huyết thường bất túc, âm dịch trong cơ thể không đủ sức đối kháng với "dương khí", để duy trì trạng thái cân bằng âm dương. Dễ dẫn tới tình trạng âm dương thiên lệch, mất cân bằng nên dễ bị cảm nắng, thậm chí say nắng. Vì "thử là" là loại "dương tà". Do đó, phụ nữ đang mang thai, trong ngày Hè, cần chú ý đặc biệt giữ gìn.
Phụ nữ mang thai, ra ngoài nắng, đột nhiên ngã ngất, mê man bất tỉnh, sốt cao, mặt trắng bệch hoặc xám ngắt, thở khò khè như suyễn, da nóng bỏng hoặc ẩm lạnh, ... Đông y gọi đó là "nhẫm thân trúng thử", có nghĩa là "phụ nữ mang thai bị say nắng".
Kinh nghiệm thực tế của Đông y cho thấy: Cảm nắng, say nắng, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí động thai. Tuy nhiên, sau khi cảm nắng, say nắng được giải trừ, thì thai nguyên cũng sẽ tự yên. Do đó khi bị cảm nắng, say nắng, việc đầu tiên là cần tập trung chữa trị cảm nắng, say nắng, như đối với những người bình thường.
Thử tà dễ gây thương tổn âm dịch và nguyên khí. Cho nên chữa trị cần dùng những loại thuốc có tác dụng thanh thử và bổ ích nguyên khí.
Trường hợp thai phụ bị say nắng, bất tỉnh nhân sự, cũng cần tiến hành cấp cứu như người bình thường bị say nắng: Đưa ngay bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, làm hô hấp nhân tạo hoặc dùng đầu ngón tay ấn mạnh vào huyệt "nhân trung" cho tỉnh lại, ...
Sau khi đã qua giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân đã tỉnh lại, nhưng còn mệt mỏi, có thể chọn dùng 1 trong số 2 bài thuốc có tác dụng bổ âm ích khí sau:
- Bài thuốc 1: Sinh thạch cao (thạch cao sống) 15g, mạch môn (củ tóc tiên) 15g, thạch hộc 10g, sa sâm 15g, hà diệp (lá sen) 10g, đậu xanh cả vỏ 20-30g, cam thảo 5g; sắc uống trong ngày. Cũng có thể sắc các vị thuốc, chắt lấy nước, nấu với đậu xanh ăn.
- Bài thuốc 2: Nhân sâm 6g, mạch môn 15g, ngũ vị tử 10g, hoàng cầm 10g, sa nhân 6g, sơn dược (củ mài) 15g, cam thảo 6g; sắc uống trong ngày.
Phụ nữ mang thai say nắng, có thể có diễn biến phức tạp. Vì vậy, chỉ nên chữa trị tại cơ sở y tế. Thông tin ở trên chỉ có tính tham khảo.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.