Hỏi:
Quê tôi cỏ thanh ngâm mọc hoang rất nhiều. Nghe nói, đó cũng là vị thuốc vườn nhà chữa chứng đái ra máu rất hay. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết cây thanh ngâm có độc không? Có thể sử dụng chữa đái ra máu? Còn chữa được những loại bệnh gì?
Lê Thị Hồng, Yên Bái
Đáp:
Thanh ngâm là loài cây mọc hoang dại ở những nơi ẩm mát, ở khắp các miền rừng núi nước ta. Cây này cũng thấy mọc ở Ấn Độ, Malaixia, Inđônêxya, Philipin và các tỉnh miền Nam Trung Quốc (Quý Châu, Quảng Tây, Vân Nam, ...).
Thanh ngâm là tên ghi trong sách "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh. Cây còn có rất nhiều tên gọi khác, như "cây mật đất", "cây mật cá", "sản đắng", "thằm ngăm đất", "co kham đin" (Thái); Đông y Trung Quốc (Trung Y) gọi cây này là "khổ huyền sâm", còn gọi là "ngư đảm thảo" (có nghĩa là "cỏ mật cá"), "tứ hoàn tố thảo" (có nghĩa là "cỏ tetracycline"), "xà tổng quản", "lạc địa tiểu kim tiền", ... tên khoa học là Picria terrae Lour., thuộc họ hoa Mõm sói (Scrophulariaeae).
Thanh ngâm là loài cây thân cỏ, sống hằng năm, cao 20cm, phân rất nhiều nhánh, thân có màu xanh hay đỏ tím. Lá mọc đối, dài 35-45mm, rộng 25-30mm, khía răng, cuống dài 1-2cm, có rìa cánh. Hoa mọc thành chùm 4-5 hoa ở kẽ lá. Quả nang dẹt, nằm trong đài còn lại, trông giống con hến. Hạt hình trụ, màu vàng, hơi thắt ở giữa. Toàn cây có vị rất đắng, do đó có tên là "mật đất" hay "mật cá". Mùa hoa quả vào tháng 9-11.
Để dùng làm thuốc, có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là mùa hạ; hái toàn cây về phơi hay sấy khô, bảo quản nơi khô mát để sử dụng dần.
Theo Đông y: Thanh ngâm có vị đắng, tính mát; vào 4 kinh Tâm, Can, Vị và Đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng chỉ thống (tiêu sưng giảm đau), khai vị tiêu thực. Dùng chữa cảm mạo phong nhiệt (cảm nóng), yết hầu sưng đau, đau dạ dày (vị thống), tiêu hóa kém, kiết lỵ, rắn cắn, đòn ngã tổn thương, ...
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy: Hầu hết những vị thuốc "thanh nhiệt giải độc" của Đông y đều có tác dụng tiêu viêm, ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn (và cả một số loại virut) gây bệnh, do đó dân gian thời nay thường gọi đó là những cây "kháng sinh thực vật". Đối với cây thanh ngâm, cách gọi tên như vậy cũng rất phù hợp, vì cây có khả năng tiêu diệt rất nhiều loại vi khuẩn, lại có vị rất đắng giống như thuốc tetracycline (có thể vì vậy dân gian Trung Quốc gọi đó là "cỏ tetracycline").
Từ thời xa xưa, dân gian thường dùng thanh ngâm trong những trường hợp kém ăn, khó tiêu để kích thích tiêu hóa; còn dùng làm thuốc lợi tiểu, cho ra mồi hôi, điều kinh, chữa đau bụng, đau ngang lưng, mệt nhọc. Dùng ngoài đắp nơi rắn cắn, vết thương, vết loét, để giải độc và giúp vết thương chóng lành.
Tại Trung Quốc, ở đảo Hải Nam, thanh ngâm được dùng chữa cam tích, phát ban, đau họng, rắn cắn và lao hạch; ở Vân Nam, toàn cây dùng chữa cảm mạo phong nhiệt (cảm nóng), hầu họng sưng đau, đau dạ dày, tiêu hóa không bình thường, bệnh lỵ, rắn độc cắn, đòn ngã tổn thương, viêm hạch, đinh nhọt; ở Quảng Tây, dùng chữa viêm phổi, bạch hầu, dùng ngoài chữa gãy xương.
Thường dùng dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu. Liều dùng hàng ngày: Sắc uống từ 6-12g; dùng ngoài không kể liều lượng.
Đúng như bạn nghe một số người nói, dân gian từ lâu đã lưu truyền kinh nghiệm sử dụng thanh ngâm chữa tiểu tiện ra máu. Cách sử dụng rất đơn giản: Có thể chỉ dùng độc vị (một vị) cỏ thanh ngâm tươi, chừng 1 nắm (khoảng 20-30g), sắc nước uống trong ngày. Điều này đã được ghi lại trong sách "Hành giản trân nhu" của Hải Thượng Lãn Ông.
Ngoài ra, còn có thể sử dụng để chữa một số loại bệnh khác:
(1) Tăng cường tiêu hóa: Cỏ thanh ngâm sao cho thơm 100g, rượu trắng 1 lít, đường hay mật ong 300g; ngâm trong 15 ngày trở lên; ngày uống 20-30ml trước bữa ăn cơm, làm thuốc khai vị, chữa ăn uống khó tiêu.
(2) Chữa thiếu máu, mệt mỏi, kém ăn ở phụ nữ mới đẻ: Dùng bài thuốc bổ lưu truyền trong dân gian của đồng bào Thái ở Sơn La. Thành phần: Dùng thanh ngâm 10g, sâm đại hành 10g, nghệ vàng 20g. Cách chế: Thanh ngâm nấu lấy nước đặc; sâm đại hành và nghệ vàng thái nhỏ, sấy khô, tán bột, uống làm một lần trong ngày, cùng với nước sắc thanh ngâm; dùng liên tục 7-10 ngày.
(3) Bụng đau nhói, miệng ứa nước rãi trong, do giun quấy: Hái một nắm cỏ thanh ngâm, bỏ gốc, sắc lấy 1 chén nước đặc, uống lúc đói bụng (Nam dược thần hiệu).
(4) Chữa bỗng nhiên đau thượng vị dữ dội: Cỏ thanh ngâm một nắm to, nước một bát, sắc còn một nửa, chế thêm một chén rượu vào uống (Nam dược thần hiệu).
(5) Chữa bồn chồn, hoảng hốt, kém ăn, mất ngủ: Cỏ thanh ngâm, bá tử nhân (quả trắc bách diệp), hạt táo chua (lấy nhân sao già), hoài sơn, hạt sen, mạch môn - mỗi thứ 10g; sắc nước uống trong ngày (Kinh nghiệm dân gian).
(6) Chữa rắn cắn, vết thương lở loét: Dùng cỏ thanh ngâm giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp vào chỗ vết thương.
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcGia đình mình đã sử dụng cây thanh ngâm này nhiêu năm,và cung cấp cây thanh ngâm cho thầy thuần nghiên cuu, cây nay chưa đk rất nhiêu bênh, minh thấy bài viết con ít thông tin,vê tác dung, cách dùng, và những bệnh mà thanh ngâm có thê chữa hiêu quả nhanh, vd như tiêu thực giảm béo, hạ huyết áp nhanh, bệnh đường tiêu hoá,bệnh trĩ nội....