Hỏi:
Ở vùng quê tôi, mỗi khi có ngừơi bị đi lỵ, ỉa chảy, người ta thường nhổ cây cỏ sữa nhỏ lá về sắc uống, kết qủa rất tốt. Tuy nhiên, ở bờ ruộng, rìa đường, ... còn có một cây khác, cũng có tên là cây cỏ sữa, nhưng lá to hơn và thân mọc thẳng chứ không bò là là trên mặt đất như cây cỏ sữa nhỏ lá. Một số người bảo rằng, cỏ sữa lá to là loài cây độc, không dùng làm thuốc được. Nói như vậy có đúng hay không? Rất mong được "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết.
Nguyễn Đỗ Bách, Quốc Oai, Hà Nội
Đáp:
Ở nước ta thường thấy có 2 loài cỏ sữa: Loài nhỏ lá và loài lá lớn. Về mặt thực vật, hai cây cùng thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) và đều là những vị thuốc có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm, nhưng tính năng và công dụng có những điểm không giống như nhau.
Cỏ sữa nhỏ lá
Theo Đông y:
- Cỏ sữa nhỏ lá: Vị chua, chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng, giải độc, thu liễm, chống ngứa. Dùng chữa sốt rét, lỵ, ỉa chảy, viêm ruột, trĩ lở loét chảy máu, chàm (eczema), viêm da dị ứng, ngứa, ...
- Cỏ sữa lá lớn: Vị cay, chua, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông sữa, thẩm thấp, chống ngứa. Dùng chữa lỵ, ỉa chảy, viêm ruột, tiểu tiện nhỏ giọt, tiểu tiện ra máu, phế ung, nhũ ung, đinh sang, thũng độc, chàm, ngứa chân, ngứa da và phụ nữ sau khi đẻ thiếu sữa.
Như vậy, về tác dụng cả hai cây đều có thể dùng để chữa lỵ, viêm ruột và một số chứng bệnh ngoài da.
Cỏ sữa lá lớn
Về tính năng theo Đông y:
- Cỏ sữa nhỏ lá: Tính mát, khi sử dụng không tạo nên sự thiên lệch lớn về âm dương bên trong cơ thể.
- Cỏ sữa lá lớn: Tính lạnh, dễ gây mất cân bằng về mặt âm dương, sử dụng phải thận trọng hơn, và cũng vì vậy một số người cho rằng, cỏ sữa lá lớn là cây độc không nên dùng.
Thật ra, nếu sử dụng đúng người, đúng bệnh, đúng liều lượng, thì cỏ sữa lá lớn cũng phát huy tác dụng rất tốt. Theo những tài liệu mà chúng tôi có, ở những tỉnh phía Nam Trung Quốc, cây cỏ sữa lá lớn thậm chí còn được sử dụng trong dân gian và Trung y nhiều hơn là cỏ sữa nhỏ lá.
"Thuốc vườn nhà" xin cung một số đơn thuốc dùng cỏ sữa nhỏ lá và cỏ sữa lá lớn để bạn tham khảo:
• Đơn thuốc dùng cỏ sữa nhỏ lá:
(1) Chữa kiết lỵ cấp tính:
- Bệnh phát đột ngột, sốt cao hoặc nhẹ, ỉa nhiều lần, cấp bách, mót rặn, ngồi lâu, phân ít hoặc không có phân, trong phân có lẫn hoặc toàn là chất nhờn dính hay máu mủ.
- Có thể sử dụng bài thuốc Nam như sau để chữa: Cỏ sữa nhỏ lá 50g, rau sam 50g, cỏ nhọ nồi 50g; tất cả cho vào ấm, sắc với 500ml nước, sắc cạn còn 200ml; người lớn chia thành 2 lần uống trong ngày, trẻ nhỏ tùy tuổi chia thành 3-4 lần, uống lúc đói bụng.
(2) Chữa lỵ mạn tính (lúc khỏi lúc phát): Dùng cỏ sữa nhỏ lá 30g, lá chè già 15g; sắc lấy nước, pha thêm đường hoặc mật ong vào; chia 2-3 lần uống trong ngày (Lĩnh Nam thảo dược chí).
(3) Chữa trẻ nhỏ lên cơn kinh phong, mắt trợn ngược, chân tay co quắp: Dùng cỏ sữa nhỏ lá 60g, rửa sạch, giã nát, trộn đều với nước vo gạo, bỏ bã, đun sôi, pha thêm đường vào cho trẻ uống (Lĩnh Nam thảo dược chí).
(4) Chữa viêm da, chàm, trĩ lở loét xuất huyết: Dùng cỏ sữa nhỏ lá một lượng thích hợp; sắc lấy nước để rửa những nơi mắc bệnh (Lĩnh Nam thảo dược chí).
• Đơn thuốc dùng cỏ sữa lá lớn:
(1) Chữa xích bạch lỵ - đại tiện nhiều lần, mót rặn, bụng quặn đau, giang môn nóng rát, tiểu tiện sẻn đỏ, phân như óc cá, hôi tanh, mủ và máu lẫn lộn: Dùng cỏ sữa lá lớn 15-20g; sắc nước uống. Nếu phân không có máu thì pha với đường trắng, nếu phân có lẫn máu pha với đường đỏ uống (Phúc Kiến dân gian bản thảo).
(2) Chữa tiểu tiện không thông, tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu lẫn máu: Dùng cỏ sữa lá lớn 30-60g; sắc nước uống 2 lần trong ngày (Phúc Kiến dân gian bản thảo).
(3) Chữa tiểu tiện xuất huyết (niệu huyết): Dùng cỏ sữa lá lớn tươi 30g, cỏ bờm ngựa tươi 30g, ô quyết tươi (còn gọi là ô cửu, hành đen - Stenoloma chusana (L.) Ching) 15g; sắc lấy nước, pha đường đỏ vào uống trong ngày (Thanh thảo dược thái sắc đồ phổ).
(4) Chữa ngứa chân: Dùng cỏ sữa lá lớn 90g, rửa sạch, hong cho khô nước, ngâm trong 500ml cồn 75 độ, trong khoảng 5-7 ngày; lấy bông thấm cồn thuốc bôi vào những vùng da bị ngứa (Phúc Kiến dân gian bản thảo).
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.