Hỏi đáp

Cỏ lào phòng chống đỉa, vắt khi đi du lịch

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 10/04/2012 07:44 SA

Hỏi:

Tôi rất thích đi du lịch ở vùng rừng núi. Nhưng lội suối sợ bị đỉa cắn, còn vào rừng thì sợ vắt cắn. Tuy chúng cắn không đau, nhưng máu chảy rất khó cầm và tôi rất sợ. Là độc giả thường xuyên của thuocvuonnha.com, nay tôi mới mạnh dạn viết thư hỏi vấn đề này, mong được "Thuốc vườn nhà" quan tâm, chỉ cho vị thuốc Nam dễ kiếm và có thể phòng đỉa, vắt cắn khi đi du lịch.

Nguyễn Văn Lịch, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Đáp:

cỏ lào, cây lốp bốp, cây ba bớp, cây phân xanh, cỏ Nhật, cỏ tàu bay, hương trạch lan, dân quốc thảo, phi cơ thảo, nhã bả bổng, Eupatorium odoratum L.

Cỏ lào

Thiên nhiên quanh ta là kho thuốc hết sức phong phú và đa dạng, có thể giúp con người chữa trị rất nhiều loại bệnh, từ đơn giản cho đến nan y. Vấn đề chỉ là, chúng có quan tâm khai thác và sử dụng hợp lý hay không mà thôi.

Xin giới thiệu về một loại thảo có tác dụng phòng trị đỉa, vắt rất tốt, để bạn đọc, nhất là những người thích du lịch trên rừng núi, tham khảo và sử dụng mỗi khi cần thiết.

Trong sách thuốc, loài cây này thường được gọi tên là "cỏ lào", còn trên thực tế cây có rất nhiều tên khác nhau, như "cây lốp bốp", "cây ba bớp", "cây phân xanh", "cỏ Nhật", "cỏ tàu bay", "hương trạch lan", "dân quốc thảo", "phi cơ thảo", "nhã bả bổng", ... tên khoa học là Eupatorium odoratum L.

Cỏ lào là một loài thảo sống lâu năm, cao chừng 1-2 m, thân có rãnh, ít phân nhánh. Thường mọc thành bụi, phát triển rất nhanh và tái sinh rất mạnh. Thân và cành đều có lông nhung màu vàng. Cành lá vò có mùi thơm. Lá mọc đối, hình trứng nhọn, mép có răng cưa to không đều, dài 3-10cm, với 3 gân nổi rõ từ gốc, hai mặt đều có lông. Hoa tự, màu hồng hoặc màu trắng, mọc thành cụm hình ngù, có lá bắc. Quả bế hình thoi, 5 cạnh, có lông.

Cây mọc hoang dại ở khắp các bãi hoang, ven đường, ven rừng, ven suối, ... đi bất kỳ nơi nào cũng có thể gặp. Từ xưa nông dân thường dùng làm phân xanh. Toàn cây còn có thể sử dụng làm thuốc, chữa trị nhiều chứng bệnh.

Theo Đông y: Cỏ lào có vị hơi cay, tính ấm, có độc. Có tác dụng tán ứ, tiêu thũng, sát trùng, chỉ huyết (cầm máu). Dùng chữa phong tê thấp khớp xương đau nhức, đòn ngã sưng đau, kiết lỵ, ỉa chảy, mụn nhọt lở loét ngoài da, vết thương chảy máu.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Toàn cây có chứa tinh dầu, alcaloid, tanin. Nước sắc cỏ lào có tác dụng kháng khuẩn, ức chế đối với vi khuẩn gây mủ trên vết thương và trực trùng lỵ Shigella.

Liều dùng: 6-12g, sắc nước uống.

Chú ý: Cây có độc, uống quá liều có thể bị trúng độc, với những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Từ xưa, nông dân ở nhiều nơi đã có kinh nghiệm, hái lá và cành non cây cỏ lào, vò nát, xát vào da, từ đầu gối xuống khắp bàn chân, trước khi lội xuống ruộng. Làm như vậy, đỉa không dám cắn. Trường hợp bị đỉa cắn lấy lá cây vò nát dịt vào sẽ cầm máu ngay và đỡ ngứa, làm như vậy còn có thêm tác dụng chống viêm. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, vò nát lá cỏ lào xát lên da, cũng có tác dụng phòng vắt cắn, cầm máu, chống viêm rất tốt.

Như vậy, trước khi đi vào rừng hay lội qua suối, để phòng vắt và đỉa, bạn có thể hái nắm lá có lào, vò nát, xát lên da để phòng ngừa trước.

Ngoài ra, còn có thể dùng cỏ lào để phòng trị một số chứng bệnh khác như sau:

    (1) Chữa đau nhức xương: Dùng cỏ lào 8g tươi, dây đau xương 12g; sao vàng, sắc nước uống trong ngày.

    (2) Chữa lỵ trực trùng và ỉa chảy: Dùng 12g cỏ lào sắc lấy nước, pha thêm đường, chia 3 lần uống trong ngày. Trường hợp cấp bách, có thể hái vài cái lá non, nhai nuốt dần, tuy hơi khó nuốt, nhưng cũng có tác dụng.

    (3) Chữa đòn ngã sưng đau, chảy máu: Dùng lá cỏ lào tươi - lượng thích hợp, vò nát đắp hoặc giã nát đắp vào vết thương. Có tác dụng giảm đau, chống sưng, cầm máu, giúp vết thương chóng lành rất tốt. Trường hợp đi đường chẳng may bị tai nạn giao thông, lại ở xa bệnh viện, có thể áp dụng phương pháp chữa trị này. Vì cỏ lào thường mong hoang rất nhiều ở ngay bên đường.

    (4) Chống ngứa: Hái lá bánh tẻ, xát lên da, có tác dụng chống giảm ngứa nhanh chóng.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]