Hỏi:
Trên tường rào nhà tôi có mấy cây thồm lồm bò lên, nay đã thành một bụi lớn. Nghe các cụ nói, cây này thời trước hay dùng để chữa bệnh "thồm lồm ăn tai". Đề nghị "Thuốc vườn nhà" chỉ dẫn cho biết, cây này có thể sử dụng để chữa những bệnh gì, và bệnh "thồm lồm ăn tai" là bệnh gì?
Trần Đình Văn, Thái Nguyên
Đáp:
Thồm lồm còn gọi là "đuôi tôm", "mía giò", "bẻm", "mía bẻm", "mía nung", "cây lôm", "chuồng chuồng", "hỏa khôi mẫu", "săm koy" (Luang Prabang), ... tên khoa học là Polygonum sinense L., thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).
Thồm lồm là loài cây thảo, sống dai, thân đứng, nhẵn, có rãnh dọc, nhiều khi mọc rất dài và leo lên cao. Lá hình bầu dục hay hơi thuôn, phía cuống lá hơi tròn, ngọn lá hẹp nhọn. Lá phía trên nhỏ hơn và gần như không cuống, ôm vào thân. Lá ở phía dưới có hai tai nhỏ tròn, bẹ chìa mỏng và ngắn hơn các dóng của thân. Cụm hoa thành đầu, họp thành xim ngù tận cùng, có cuống phủ rất nhiều lông có hạch tiết. Quả ba cạnh, thuôn dài. Cây mọc hoang ở khắp nơi. Trâu bò thích ăn loại cây này, vì thân cây có vị ngọt.
Theo Đông y: Thồm lồm có vị chua, ngọt, tính bình;
vào 3 kinh Can, Tỳ và Đại trường. Có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp,
lương huyết (mát máu), giải độc. Dùng chữa kiết lỵ, ỉa chảy, vàng da,
viêm họng, đới hạ, kinh phong, chấn thương, ung nhọt, sưng lở. Liều
dùng: Uống trong, ngày dùng 12-20g sắc uống; dùng ngoài, liều lượng tùy
theo trường hợp.
Thời trước, tại một số nơi, người ta dùng lá tươi, giã hay nhai nhỏ đắp lên nơi tai bị loét - gọi là bệnh "thồm lồm ăn tai".
Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi:
- Năm 1968, Khoa da liễu Quân y viện 108 căn cứ vào kinh nghiệm nhân
dân, dùng thồm lồm chữa thồm lồm ăn tai - mà thực chất là một loét kẽ
tai - do nhiễm liên cầu khuẩn, đã thử áp dụng chữa những bệnh ngoài da
nhiễm liên cầu khuẩn khác, như chốc đầu, chốc mép, chốc da thường,
eczema nhiễm khuẩn, ... Kết quả trong 18 tháng đã chữa 11 trường hợp
chốc đầu khỏi 9 (từ 4-8 ngày), loét kẽ tai chữa 5 khỏi 4 (sau 5-10
ngày), chốc mép chữa 1 khỏi 1 (sau 15 ngày), viêm da nhiễm khuẩn chữa 4
khỏi 4 (sau 4-7 ngày). Đặc biệt, đã chữa một em bé bị chảy dãi nặng, da
cằm bị viêm đỏ trợt, tanh hôi đã dùng nhiều thứ thuốc không khỏi, khi
dùng dung dịch lá thồm lồm chấm mỗi ngày 2-3 lần chỉ sau 5 ngày cằm hết
viêm đỏ. Gia đình tự động cho em bé uống mỗi ngày từ 2-3 thìa con dung
dịch lá thồm lồm (việc sử dụng này ngoài chỉ định của thầy thuốc) thì
cùng với bệnh viêm da cằm, bệnh chảy dãi cũng khỏi dần, sau hơn một năm
không thấy tái phát.
- Cách và liều sử dụng của bệnh viện
108: Lấy lá tươi, rửa sạch, giã nhỏ, cho thêm nước lã đun sôi để ấm, lọc
qua gạc thành một dung dịch đặc. Hoặc lấy 5kg lá tươi, cho vào 10 lít
nước, đun cạn còn 2 lít, lọc và cô thành cao. Dùng dung dịch lá tươi
hoặc cao bôi lên nơi có tổn thương ngày 2-3 lần. Trước khi bôi thuốc có
thể kết hợp rửa, ngâm, tắm bằng nước lã đun sôi để ấm pha thêm muối,
thuốc tím loãng hoặc nước có vò lá thồm lồm tươi. Cần chú ý tránh kỳ cọ,
vò xát mạnh làm bật máu trợt da thêm.
- Đối với Eczema:
Đã chữa 14 bệnh nhân, khỏi hẳn 1 người, 9 bệnh nhân đỡ chảy nước, 2
không chuyển biến, 2 nặng thêm. Cho nên kết luận: Đối với eczema thuốc
chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng cấp tính.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.