Hỏi:
Tôi nghe nói, cây mua lùn (mọc sát mặt đất) chữa bệnh xuất huyết dạ dày
rất hay. Mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu thêm những thông tin về
loại cây này.
Dương Duy Ninh, Thái Nguyên
Đáp:
Ở nước ta có nhiều loài mua mọc hoang. Trong đó hai cây được sử dụng
làm thuốc nhiều nhất, đó là cây mua thường và cây mua lùn. Trong phạm vi
bài viết này, "Thuốc vườn nhà" xin chỉ nói về cây mua lùn.
Mua
lùn còn gọi là "mua thấp", "mua ông", "sơn địa nhẫm", "địa nhiếp", "địa
niếp", ... tên khoa học là Melastoma dodecandrum Lour., thuộc họ Mua
(Melastomaceae).
Mua lùn là loại cây nhỏ, mọc bò sát đất, sau
dựng đứng lên; phân nhiều nhánh, rễ bất định. Thân nhẵn, có màu xanh hay
tím đỏ, cành nhẵn hoặc có lông thưa. Lá nhỏ, mọc đối, phiến lá hình bầu
dục, gốc tù, đầu hơi nhọn, dài 1-3cm, rộng 0,8-2cm; hai mặt nhẵn, có
3-5 gân, mép nguyên, bờ mép phía dưới hơi có lông; cuống nhẵn; mặt trên
màu nâu đậm, mặt dưới nâu tươi. Hoa nhỏ, màu hồng sẫm, mọc thành cụm xim
2 ngả hay mang 1-3 hoa ở đầu ngọn cành. Quả thịt, hình cầu, khi chín
màu đỏ sẫm hay tím đen, ăn được.
Cây mua lùn mọc hoang khắp
nơi, thường thấy ở ven đồi núi đất; cũng mọc xen với cây sim như cây mua
thường. Hay gặp ở ven đường, bờ ruộng, những chỗ ẩm, mát.
Để làm thuốc, thường dùng toàn bộ cây, phần trên mặt đất - "địa nhiếp" hoặc sử dụng rễ - "địa nhiếp căn".
Theo Đông y:
Phần trên mặt đất của cây mua thấp (địa nhiếp) có vị ngọt, hơi chát,
tính hơi mát (vi lương); vào 3 kinh Tỳ, Can, Thận. Có công năng hoạt
huyết, chỉ huyết (cầm máu); thanh nhiệt giải độc. Chủ trị thống kinh
(hành kinh đau bụng), sản hậu phúc thống, huyết băng, đới hạ, tiện
huyết, lỵ tật, ung thũng, đinh sang. Phần rễ (địa nhiếp căn) có dược
tính và công dụng tương tự. Cách dùng và liều dùng: Uống trong dùng
9-15g (30-60g tươi) sắc lấy nước uống; dùng ngoài giã đắp, hoặc nấu nước
tắm, rửa.
Dùng cây mua lùn chữa các dạng xuất huyết đường
tiêu hóa là kinh nghiệm lưu truyền trong dân gian, được ghi lại đầu tiên
trong sách thuốc "Mân Đông bản thảo". Phương pháp cụ thể: Dùng
địa nhiếp (cành lá mua lùn) 30g, thêm lượng nước thích hợp, sắc kĩ,
chắt lấy nước; chia ra 4 phần, cách 4 giờ uống 1 lần.
Trên cơ sở kinh nghiệm dân gian này, theo "Trung dược đại từ điển",
đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng theo phương thức: Dùng mua lùn chế
thành cao lỏng, sử dụng điều trị 62 ca xuất huyết tiêu hóa, bao gồm xuất
huyết dạ dày, tá tràng và đường tiêu hóa trên. Kết quả thu được rất khả
quan, 50 ca khỏi hoàn toàn (hết các chứng trạng, phân không còn lẫn
máu), 10 ca chuyển biến tốt, 01 ca không có chuyển biến, 01 ca vô hiệu.
Như
vậy, trong điều kiện gia đình, để chữa các chứng xuất huyết đường tiêu
hóa, bạn có thể dùng cành lá mua lùn sắc nước uống, theo kinh nghiệm dân
gian giới thiệu ở trên.
Ngoài chữa xuất huyết tiêu hóa, còn có thể sử dụng mua lùn để chữa:
(1) Chữa rong kinh: Dùng mua lùn 15g, sim 15g; sắc nước uống.
(2) Chữa phụ nữ sau sinh đẻ phù nề: Dùng toàn cây mua lùn 50-100g tươi, nấu nước tắm.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.