Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cách dùng lá vông nem chữa bệnh ngoài da

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 01/06/2014 02:10 SA

Hỏi:

Lâu nay tôi chỉ biết sử dụng lá vông nem, sắc nước uống, để chữa mất ngủ. Gần đây, có lần đi công tác, tôi thấy người ta còn dùng lá vông nem để chữa một số bệnh lở ngứa ngoài da. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới thiệu rõ hơn về công dụng và cách sử dụng loại cây này.

Lê Thành Nhân, Yên Khánh, Ninh Bình

Đáp:

vông nem, thích đồng, hải đồng, Erythrina indica Lamk., họ Cánh bướm (Papilionaceae)

Vông nem

Vông có nhiều loài. Ngoài cây "vông nem" mà bạn quan tâm, còn có cây "vông vang", "vông đồng", "vông đỏ", ... Vì vậy, để tránh nhầm lẫn, trước hết cần nói rõ hơn về đặc điểm của loài cây này.

Cây "vông nem" còn có tên là "thích đồng", "hải đồng", ... tên khoa học là  Erythrina indica Lamk., thuộc họ Cánh bướm (Papilionaceae). Cây có tên là "vông nem" vì người ta thường dùng lá cây này để gói nem và để phân biệt với cây "vông đồng" và những cây vông khác.

Vông nem là loại cây gỗ lớn, cao từ 10-20m, thân có gai ngắn. Lá gồm 3 lá chét, lá chét ở giữa có chiều rộng lớn hơn chiều dài, 2 lá chét 2 bên chiều dài lớn hơn chiều rộng, hình 3 cạnh. Hoa màu đỏ tươi tụ họp từ 1-3 bông, thành chùm dầy. Quả giáp dài 15-30cm, đen, hơi hẹp lại ở giữa các hạt. Trong mỗi quả có 5-6 hạt hình thận màu đỏ hoặc nâu, hình trứng đen có vành trắng.

Cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi tại nước ta, để làm hàng rào, lấy lá ăn, hoặc dùng làm thuốc; hiện nay nhiều người còn thường trồng làm cảnh.

Để làm thuốc, thường dùng lá hoặc vỏ thân cây. "Lá vông nem" - "thích đồng diệp" (Folium Erythrinae) và "vỏ thân vông nem" - "thích đồng bì" (Cortex Erythrinae) đều có thể dùng tươi, hay phơi hoặc sấy khô.

Theo Đông y truyền thống:

    - Lá vông nem (thích đồng diệp): Có vị đắng, tính bình, vào 2 kinh Vị và Đại tràng. Có tác dụng chữa trẻ nhỏ cam tích và trừ giun đũa.

    - Vỏ thân cây vông nem (thích đồng bì): Có vị đắng, tính bình, vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng khứ phong thấp, thông kinh lạc, sát trùng. Dùng chữa lưng gối đau nhức, tê liệt, lở ngứa.

Dân gian thường dùng vỏ cây vông nem làm thuốc chữa sốt, sát trùng, thông tiểu, an thần và gây ngủ; còn dùng chữa các bệnh thổ tả, lỵ amip và trực trùng, nhuận tràng.

Liều dùng hàng ngày: Từ 6-12g dưới dạng thuốc sắc. Còn dùng ngoài làm thuốc xoa bóp, thuốc mỡ.

Kết quả nghiên cứu hiện đại về cây vông nem cho thấy:

    - Trong lá và thân cây vông nem đều chứa một ancaloit độc, có tác dụng làm giảm và có khi làm mất hẳn hoạt động thần kinh trung ương, tuy nhiên không ảnh hưởng tới độ kích thích vận động và sự co bóp của cơ. Một số nghiên cứu còn chiết được chất saponin gọi là migarin (migarhin) có tính chất làm giãn đồng tử.

    - Nghiên cứu tác dụng dược lý của lá vông, tiến hành tại phòng Dược lý Trường sĩ quan Quân y, đã đi tới một số  kết luận như sau:

        1. Lá vông có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương; trấn tĩnh, gây ngủ; hạ thân nhiệt và hạ huyết áp;

        2. Có tác dụng tăng co bóp của cơ;

        3. Lá vông ít độc: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột lang, chuột bạch, thỏ, mèo, chó, khỉ, ... đều không thấy hiện tượng ngộ độc nào.

Với các kết quả nghiên cứu trên, từ nhiều năm trước, các thầy thuốc ở nước ta đã tiến hành ứng dụng tác dụng an thần và sát trùng của lá vông trên lâm sàng đạt kết quả tốt; phương pháp sử dụng cụ thể như sau:

    (1) Thuốc an thần, gây ngủ: Đơn giản nhất là dùng lá vông nem, với liều 15-20g lá khô, hoặc 8-10g lá tươi, sắc hoặc hãm nước uống. Trong các bệnh viện và cơ sở y tế, còn thường sử dụng lá vông nem dưới dạng rượu hoặc xi-rô thuốc, cũng có tác dụng tốt. Hiện tại, để chữa mất ngủ, trong điều kiện gia đình, thường dùng 15-20g lá vông, sao vàng, hạ thổ; hoặc dùng 8-10g lá vông khô, sắc nước uống thay trà vào các buổi tối.

    (2) Tác dụng sát trùng, chữa bệnh ngoài da: Ngay từ năm 1960, Bệnh viện Quân đội 108 đã dùng lá vông nem, sau khi rửa sạch bằng thuốc tím, đem giã nhỏ với một ít cơm nguội, đắp lên các vết loét (đã chữa bằng nhiều phương pháp khác không khỏi) thấy vết loét chóng lành và chóng lên thịt non. Nếu đắp lâu quá thì thịt có thể lên cao quá mức cũ.

Như vậy, việc dân gian sử dụng lá vông để chữa bệnh ngoài da, như bạn phản ánh, là có cơ sở khoa học.

Ngoài ra, còn có thể sử dụng lá vông để chữa bệnh theo một số phương pháp như sau:

    (1) Chữa trẻ nhỏ khó ngủ, trằn trọc, mồ hôi trộm: Hái lá vông nem và lá dâu bánh tẻ - mỗi thứ 10-15g; nấu canh ăn vào các bữa cơm tối.

    (2) Chữa viêm đại tràng mạn tính: Dùng lá vông nem 15g, lá nhót 25g, sao vàng hạ thổ, sắc nước trong ngày.

    (3) Chữa đại tiện ra máu, lòi rom (sa trực tràng): Lá vông, lá sen - mỗi thứ 10-15g; sắc lên uống. Hoặc giã nát, vắt nước cốt uống còn bã hâm nóng đắp rịt vào chỗ lòi rom.

    (4) Chữa phong thấp, chân ty tê nhức: Vỏ cây vông nem, kê huyết đằng, ý dĩ, vỏ cây chân chim, phòng kỷ - mỗi vị 10-15g; sắc lên uống.

    (5) Chữa kinh nguyệt không đều, rong kinh: Dùng hoa cây vông nem 40g, sắc lên uống.

    (6) Chữa phụ nữ sau khi sinh đẻ máu xấu đưa lên gây choáng đầu, mờ mắt: Dùng vỏ cây vông già, lá mần tưới, cỏ mần trầu, ngưu tất - mỗi vị 10-15g; sắc nước uống (Bài thuốc của Tuệ Tĩnh trong "Nam dược thần hiệu").

    (7) Thuốc chữa một số bệnh ngoài da: Vỏ vông nem, vỏ cây dâm bụt, xà sàng tử, rễ chút chít - lượng thích hợp; tất cả tán nhỏ, pha thành rượu 1/5; dùng bôi ngoài chữa các bệnh ngoài da.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]