Hỏi:
Vuờn nhà tôi có trồng nhiều tóc tiên làm cảnh. Có người nói, dùng củ tóc tiên chữa hôi miệng rất tốt, nhưng tôi chưa biết rõ phương pháp sử dụng cụ thể thế nào. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, tóc tiên có chữa được hôi miệng hay không? Cách sử dụng cụ thể thế nào? Cũng xin cho biết thêm về những tác dụng khác của củ tóc tiên.
Lê Thanh Hải, Đầm Hà, Quảng Ninh
Đáp:
Mạch môn
Tóc tiên mọc hoang và thường được trồng làm cảnh ven các lối đi trong sân hoặc trong vườn. Một số địa phương, như Phùng (Hà Tây cũ), Nghĩa Trai (Hưng Yên), ... còn trồng để lấy củ làm thuốc.
Cây tóc tiên (Liriope spicata Lour) là một loại cỏ sống lâu năm, quanh năm xanh tốt, lá hẹp dài, mọc từ gốc, dài chừng 30cm, rộng 4-7mm. Cọng mang hoa màu tím nhạt, hợp thành xim 3-5 hoa. Quả mọng, màu xanh tím.
Tháng 6-7, chọn những cây đã được 2-3 năm, đào lấy củ già, cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất, phơi khô để dùng làm thuốc. Đông y gọi củ tóc tiên là "mạch môn" hoặc "mạch môn đông".
Theo Đông y: Mạch môn có vị ngọt, hơi đắng, tính hơi lạnh; vào 3 kinh Tâm, Phế và Vị. Có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, dưỡng vị sinh tân, hóa đờm, chống ho. Dùng chữa hư lao, thổ huyết, ho ra máu, miệng khô khát, bệnh nhiệt gây thương tổn tân dịch.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy: Nước sắc mạch môn có tác dụng tăng lưu lượng huyết trong động mạch vành tim, có khả năng phòng ngừa thiếu máu cơ tim; tăng sức co bóp của tim và chống rối loạn nhịp tim; có tác dụng ức chế mạnh đối với tụ cầu trắng (Staphylococcus); trực khuẩn đại tràng (Bacillus coli) và trực khuẩn thương hàn (Salmonella typhosa). Trên thực nghiệm còn phát hiện có tác dụng an thần.
Đúng như có người đã mách bạn. Có thể sử dụng củ tóc tiên để chữa hôi miệng.
Phương pháp cụ thể như sau: Dùng củ tóc tiên 30g, gạo tẻ 40-60g, đường phèn 30g; sắc củ tóc tiên với nước khoảng 30-40 phút, chắt lấy nước, bỏ bã, đem nấu cháo cùng gạo đã vo sạch; cháo chín cho đường vào trộn đều, chia ra 2 lần ăn trong ngày.
Lưu ý: Bài thuốc này chỉ có tác dụng tốt, đối với trường hợp hôi miệng thuộc thể bệnh "vị hỏa hun đốt", biểu hiện bởi các triệu chứng như miệng nóng hôi, chất lưỡi đỏ hoặc lở loét, hoặc chân răng sưng thũng, kèm theo khát nước, thích uống lạnh, đại tiện táo, nước tiểu vàng. Trường hợp hôi miệng kèm theo những chứng trạng khác (thể bệnh khác), cần tìm đến phòng khám Đông y, để được thầy thuốc chẩn bệnh và hướng dẫn dùng thuốc cụ thể.
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc khác có sử dụng mạch môn:
(1) Mạch môn đông thang: Mạch môn 20g, bán hạ chế 6g, đảng sâm 12g, cam thảo 4g, cánh mễ 20g, đại táo 4 trái; sắc uống. Có tác dụng hỗ trợ chữa trị lao phổi, viêm phế quản mạn tính, viêm họng mạn tính, ho khan kéo dài do "phế âm hư".
(2) Sinh mạch ẩm: Mạch môn 16g, nhân sâm 8g (hoặc đảng sâm 16g), ngũ vị tử 6g; sắc uống. Có tác dụng chữa suy tim, với chứng trạng mồ hôi ra nhiều, mạch nhanh, huyết áp hạ.
(3) Tăng dịch thang: Mạch môn đông 20g, sinh địa 20g, huyền sâm 12g; sắc uống. Dùng chữa táo bón do âm hư.
(4) Chữa ho ra máu: Dùng mạch môn, tang diệp (lá dâu tằm) - mỗi vị 10-15g; sắc nước uống. Có tác dụng chữa ho ra máu do táo nhiệt thương phế.
(5) Chữa ho khan, họng ngứa: Dùng mạch môn, huyền sâm - mỗi vị 10-15g; sắc nước uống. Có tác dung chữa ho khan không đờm, ngứa họng, họng khô miệng khát do phế âm bất túc.
(6) Chữa mụn trứng cá: Dùng mạch môn (bỏ lõi) 15g, sinh địa 15g, bạch hoa xà thiệt thảo 12g, huyền sâm 10g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
(7) Chữa chân răng chảy máu: Dùng củ mạch môn nấu lấy nước, súc miệng nhiều lần trong ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.