Hỏi đáp

Cá chép chữa phụ nữ mang thai phù thũng?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 22/05/2012 07:58 SA

Hỏi:

Tôi nghe một số cụ cao tuổi nói, phụ nữ có thai bị phù có thể dùng cá chép để chữa. Rất mong "Thuốc vườn nhà" tư vấn cho biết có đúng không? Cách sử dụng cụ thể như thế  nào? Cá chép còn chữa được những bệnh gì khác?

Đoàn Thị Kim Loan, Hà Nội

Đáp:

cá chép

Các chép là loài cá nuôi phổ biến ở nước ta, sống được ở hầu hết các loại thủy vực, phổ biến nhất là ao, hồ, ruộng. Cá chép là loại thức ăn ngon, giầu dinh dưỡng và cũng là một vị thuốc quý. Do sống trong nhiều môi trường khác nhau, mà cá chép có một số đặc điểm biến dị, nhưng tác dụng làm thuốc gần như đồng nhất.

Thịt cá chép được sử dụng làm thuốc với tên "lý ngư". Các bộ phận khác như mắt cá chép (lý ngư mục), da cá chép (lý ngư bì), máu cá chép (lý ngư huyết), ruột cá chép (lý ngư tràng), mật cá chép (lý ngư đảm), vẩy cá đều (lý ngư lân), ... đều có thể sử dụng làm thuốc.

Tác dụng làm thuốc của thịt cá chép (lý ngư), đã được ghi chép trong y văn từ nhiều thế kỷ trước. Như ở nước ta, trong "Nam dược thần hiệu", Tuệ Tĩnh viết: "Lý ngư - cá chép vị ngọt, tính bình, không độc, hạ khí, trừ hoàng đản, trị máu cục trong bụng, an thai, tiêu thũng, trị ho đàm".

Còn ở Trung Quốc, sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân viết: "Cá chép, nấu ăn có tác dụng hạ thủy, lợi tiểu tiện; nướng lên nghiền mịn uống có tác dụng phát hãn (làm ra mồ hôi), định khí suyễn, khái thấu (ho), hạ nhũ chấp (thông sữa), tiêu thũng".

Hiện nay, trong các sách về ẩm thực liệu pháp, thịt cá chép (lý ngư), được xếp vào nhóm các thức ăn có tác dụng "lợi thủy tiêu thũng".

Theo Đông y: Thịt cá chép có vị ngọt, tính bình, không độc; vào 2 kinh Tỳ và Thận. Có tác dụng an thai, thông nhũ (thông sữa), trừ thấp, lợi thủy, tiêu thũng, hạ khí định suyễn, ... Thường dùng chữa cước khí, phúc trướng (bụng trướng), phụ nữ mang thai bị phù thũng, hoàng đản (vàng da), nhũ chấp bất thông (sữa không xuống, thiếu sữa), ...

Đối với phụ nữ trong thời kỳ thai sản, cá chép không những là một loại thức ăn bổ dưỡng, giàu đinh dưỡng, mà còn là vị thuốc quý; có tác dụng an thai, chữa phù thũng khi mang thai; chữa ác lộ (máu hôi) không ra hết, thiếu sữa sau khi sinh đẻ; hiệu quả rõ ràng và an toàn, không dẫn tới tác dụng phụ ngoài sự mong muốn.

Để tham khảo, xin giới thiệu một số bài thuốc cụ thể sử dụng cá chép:

• Món ăn - Bài thuốc dùng cho phụ nữ:

    (1) Phụ nữ có thai bị rong huyết: Thịt cá chép 500g; cá chép làm sạch, bỏ nội tạng, chỉ lấy thịt; hầm chín với rượu; chia ra ăn trong ngày.

    (2) Chữa phụ nữ có thai thủy thũng (phù nề):

        - Cá chép 1 con (khoảng 500g), xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hạt) 50g; cá chép làm sạch vây, bỏ nội tạng, cắt nhỏ; trước tiên hầm đậu đỏ cho chín, sau cho cá chép vào, nấu nhỏ lửa cho đến khi chín kỹ, thêm gia vị, ăn nóng trong ngày; liên tục 5-7 ngày. Hoặc:

        - Cá chép 1 con, xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hạt) 100g, trần bì 10g, tỏi 1 củ; hầm chín, ăn trong ngày, liên tục 5-7 ngày.

    (3) Chữa phụ nữ đẻ xong thiếu sữa: Dùng cá chép, nấu cháo với gạo tẻ ăn. Chú ý chỉ nên ăn nhạt, không nên thêm mắm muối.

    (4) Phụ nữ băng lậu (băng huyết, rong huyết): Dùng vây cá chép thiêu thành tro; mỗi lần uống 6g, ngày uống 3 lần.

• Món ăn - Bài thuốc dùng cho mọi người:

    (1) Chữa hoàng đản (vàng da): Cá chép 1 con, làm sạch vây, bỏ ruột, nướng chín, chia ra ăn trong ngày.

    (2) Chữa phù thũng do viêm thận:

        - Cá chép 1 con (khoảng 500g); bí đao, thông bạch (hành hoa) - lượng thích hợp; nấu canh ăn. Hoặc:

        - Cá chép 500g, làm sạch vây, bỏ nội tạng; giấm gạo 50ml; lá chè xanh 30g, nhồi vào bụng cá; thêm nước, hầm chín ăn hết 1 lần vào lúc đói.

    (3) Người già bí tiểu tiện: Các chép 1 con, sinh hoàng kỳ 20g; hầm chín ăn; bỏ bã thuốc, chỉ ăn cá và uống nước canh; liệu trình 7-10 ngày.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]