Hỏi đáp

Bọ cạp - "Thần dược" của đấng mày râu?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 02/02/2012 09:04 CH

Hỏi:

Gần đây, ở chỗ chúng tôi, cánh mày râu hay rủ nhau tới quán đặc sản ăn món bọ cạp chiên. Họ nói, đó là một loại "thần dược" của đấng mày râu, "ông ăn vào bà vỗ tay khen", ... Rất mong được "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết về những tác dụng chữa bệnh của bọ cạp, bọ cạp có đúng là thuốc quý của đàn ông hay không?

Lê Đức Tuấn, Q. Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh

Đáp:

bọ cạp

Bọ cạp đã được sử dụng làm thuốc từ hàng ngàn năm trước. Tây y chủ yếu sử dụng nọc bọ cạp để làm thuốc kích thích thần kinh. Còn Đông y thường sử dụng bọ cạp để chữa trị một số chứng phong (co giật, đau nhức, hôn mê ...). Khi dùng toàn bộ con bọ cạp, Đông y gọi đó là "toàn yết" (nghĩa là toàn bộ con bọ cạp), còn khi chỉ dùng đuôi, gọi là "yết vĩ" (đuôi bọ cạp).

Ở nước ta có nhiều loài bọ cạp. Loài bọ cạp được sử dụng làm thuốc có tên khoa học là Buthus martensi Karsch. Đây là một loài có đốt, thường sống ở dưới những hòn đá hoặc khe vách. Đầu và ngực ngắn, bụng tương đối dài, phía dưới phần bụng thót lại và dài ra thành đuôi, cuối đuôi có ngòi mang nọc độc.

Trong bọ cạp có một chất rất độc, gọi là Katsutoxin, vì vậy chỉ nên sử dụng với liều lượng nhỏ. Nếu dùng toàn yết để sắc uống, ngày chỉ dùng từ 3-5g. Nếu dùng dưới dạng thuốc bột hay thuốc viên, chỉ dùng từ 2-3g, chia thành 2-3 lần uống trong ngày. Yết vĩ có tác dụng mạnh hơn toàn yết và cũng độc hơn, vì vậy nếu dùng đuôi (yết vĩ) thì chỉ dùng với liều bằng 1/3 khi dùng toàn yết.

Để làm giảm bớt độc tính của bọ cạp, thông thường sau khi bắt về, người ta cho bọ cạp vào chậu nước sôi cho chết, sau đó đem phơi khô, vị thuốc khi đó có tên là "đạm toàn yết". Hoặc cho bọ cạp vào nồi nước có pha muối ăn (mỗi kg bọ cạp cho thêm 300-500g muối ăn), đậy vung lại, đun từ 3-4 giờ cho đến khi cạn nước, lấy bọ cạp ra phơi khô trong bóng mát, vị thuốc khi đó có tên là "hàm toàn yết". Ngoài ra, còn chế biến bọ cạp theo cách bỏ chân, nướng nhỏ lửa cho chín, tán bột dùng dần.

Tuy nhiên, độc tính của bọ cạp thay đổi rất nhiều theo nơi sinh sống, cách nuôi dưỡng và cách chế biến. Bọ cạp trong thiên nhiên không còn nhiều, nên tại các quán đặc sản, chủ yếu sử dụng loại bọ cạp nuôi trong trang trại. Người ta bỏ bọ cạp vào chiếc ca có sẵn rượu trắng nồng độ cao. Bọ cạp gặp rượu cay, vật vã, nhả hết nọc độc. Sau khoảng mươi phút, nọc tiết ra hết, bọ cạp chết cứng. Vớt bọ cạp ra, chiên giòn nguyên con, bày lên đĩa cùng với rau sống và gia vị, vừa ăn vừa nhắm với rượu nọc bọ cạp. Mỗi lần thực khách thường ăn khoảng 5 con, lại uống cả rượu nọc bọ cạp, nhưng không thấy hiện tượng trúng độc, vì loại bọ cạp nuôi trong trang trại nhiều thịt và ít độc hơn so với loại bọ cạp sống hoang dã.

Theo Đông y:

    - Toàn yết có vị mặn, hơi cay, tính bình, có độc, vào kinh Can. Có tác dụng thông kinh hoạt lạc (thông các đường kinh lạc bị nghẽn tắc), trừ phong, trấn kinh (chống co giật), tán kết (làm tan khối u), chỉ thống (chống đau). Dùng chữa ngoại cảm mồm méo, mắt xếch, bán thân bất toại, phong thấp đau nhức, trẻ nhỏ kinh phong, ...

    - Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, toàn yết có tác dụng an thần, giảm đau, chống co giật, tăng lưu lượng máu qua động mạch vành tim và thúc đẩy tuần hoàn ngoại vi, kích thích chức năng hệ miễm dịch, chống ung thư.

Một số bài thuốc có sử dụng bọ cạp:

    (1) Chữa thiên đầu thống (đau nửa đầu) lâu ngày: Dùng độc vị toàn yết, nghiền mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g, chiêu thuốc bằng nước đã đun sôi.

    (2) Chữa u xơ tuyến vú: Dùng toàn yết 160g, qua lâu 25 trái; khoét một lỗ trên trái qua lâu, nhét toàn yết vào, thiêu tồn tính (bên ngoài cháy đen), nghiền thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g, chiêu bằng nước ấm, liên tục 1 tháng.

    (3) Thuốc chữa trẻ nhỏ kinh phong, người lớn bán thân bất toại: Toàn yết (bỏ đầu, chân) 3g, địa long (rửa sạch, sao vàng) 3g, cam thảo 2g, tất cả tán bột; chia làm 5-6 lần uống trong ngày, chiêu thuốc bằng nước nóng.

Như vậy, bọ cạp không phải là loại biệt dược có tác dụng tăng cường sinh lý ở nam giới. Nếu ở một số quý ông thấy có hiện tượng "ông ăn bà khen", thì đó cũng chỉ là hiệu ứng gián tiếp, thông qua những tác dụng điều tiết khác như an thần, thúc đẩy tuần hoàn, ...

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]