Hỏi:
Tôi nghe nói, cây quất sau khi dùng trang trí nhà cửa ngày Tết, có thể giữ lại để làm thuốc. Vậy, xin nhờ "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết, cây quất có thể sử dụng để chữa những bệnh gì?
Nguyễn Văn Ba, Đống Đa, Hà Nội
Đáp:
Quất là loại cây cảnh có dáng đẹp, tán lá xanh thẫm, quả màu vàng da cam sáng rực, ... nên được nhiều người ưa chuộng trong ngày Tết. Trái quất không những có thể ăn tươi, vắt nước ăn với phở, dùng làm mứt, nấu xi-rô, ... mà còn là một vị thuốc có nhiều công dụng.
Tác dụng chữa bệnh của cây quất đã được mô tả trong các sách thuốc của Đông y từ nhiều thế kỷ trước như "Bản thảo cương mục", "Tùy tức cư ẩm thực phổ", ...
• Trái quất: Có thể dùng tươi hoặc phơi khô cất đi dùng dần.
- Theo Đông y: Trái quất có vị chua ngọt, tính ấm, vào 2 kinh Tỳ và Vị. Có tác dụng kiện tỳ, khoan trung hóa đàm (xúc tiến chức năng tiêu hóa, chống đầy tức); dùng chữa các chứng ho do phong hàn, vùng thượng vị đầy tức, đau dạ dày, bụng trướng nổi hòn cục, nôn mửa, chán ăn, phụ nữ sau khi sinh nở bị đau bụng hoặc sa dạ con, ...
- Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân viết: Trái quất có tác dụng chữa hung cách đầy tức, chống khát, giải chất độc của rượu, chống say rượu, trừ mùi hôi. Một kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, tác dụng xúc tiến tiêu hóa của mứt quất mạnh hơn cả vị thuốc sa nhân.
• Lá quất: Có vị cay đắng, tính lạnh, vào các kinh Can, Tỳ và Phế. Có tác dụng thư can (điều hòa, cải thiện chức năng gan), khai vị khí (kích thích tiêu hóa), thông phế khí, chống nôn, nấc, tiêu hạch, ...
• Hạt quất: Có vị chua cay, tính bình, vào hai kinh Can và Phế. Dùng chữa một số chứng bệnh mắt, viêm họng, tinh hoàn sưng to sa xuống dưới, hạch và tràng nhạc mọc ở cổ, ...
• Rễ quất: Có vị chua cay, tính ấm. Có tác dụng tỉnh tỳ hành khí và tán kết, dùng chữa đau dạ dày nôn ra thức ăn, nấc, nghẹn, mụn nhọt và tràng nhạc.
Trong điều kiện gia đình, có thể dùng quất để chữa trị một số bệnh sau:
(1) Chữa cảm mạo, ho khan không đờn: Quất 5 trái, gừng tươi 3 lát, đường đỏ 15g; sắc nước uống.
(2) Rượu khai vị: Trái quất ngâm rượu; mỗi 100g quả cần ngâm với 500ml rượu trắng (loại rượu tốt, trên 40 độ), lượng quả nhiều hơn thì thêm rượu theo tỷ lệ như vậy; ngâm khoảng 2 tuần là có thể dùng được. Hàng ngày trước mỗi bữa ăn uống 15-20ml rất tốt; có tác dụng giúp ăn ngon miệng và chữa bụng trướng đầy, ấm ách khó tiêu.
(3) Đau dạ dày, thượng vị đầy tức, ợ hơi, chán ăn: Trái quất 500g thái lát, cùng với đường kính trắng 500g trộn đều, cho vào lọ nắp kín, ngâm 2 tuần. Mỗi ngày dùng 25g nước cốt hòa với nước âm ấm, chia nhiều lần uống, liên tục vài ngày. Còn có thể sử dụng chữa ho khan, ngứa cổ.
(4) Chữa đau họng, miệng khô, răng đau lưỡi tê hoặc dùng để giải rượu: Trái quất 500g, thái thành lát, phơi khô, cùng với 250g chè xanh cho vào một cái lọ nắp kín, để trong 1 tháng. Hàng ngày dùng 25g (khoảng 1 thìa canh) nước cốt hoà với nước âm ấm, chia 2-3 lần uống trong ngày.
(5) Chữa viêm loét dạ dày và tá tràng: Dùng rễ cây quất 30g (rửa sạch thái thành từng đoạn ngắn), dạ dày lợn 150g (thái miếng); hai thứ cho vào nồi, thêm nước (hoặc nửa nước nửa rượu) hầm chín, thêm gia vị cho hợp khẩu vị, ăn cả cái lẫn nước. Có tác dụng chữa viêm loét dạ dày và tá tràng thể "can khí phạm vị" với những triệu chứng: Thượng vị đau trướng lan ra hai bên mạng sườn, không thích xoa nắn, ấn vào thấy đau tăng, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, đầy hơi ăn khó tiêu, trung tiện được thì dễ chịu, đại tiện khó khăn, tinh thần uất ức, rêu lưỡi trắng dày, mạch huyền.
(6) Chữa đại tiện khó khăn, ngực bụng trướng đầy: Dùng trái quất 50g sắc nước uống trong ngày.
(7) Chữa tiểu tiện nhỏ giọt: Dùng rễ quất 30g, đường phèn 15g; sắc nước uống thay nước trong ngày.
(8) Chữa âm nang sưng đau: Rễ quất 60g, chỉ xác (có thể thay bằng vỏ quả chanh hoặc vỏ quít) 15g, hạt thìa là 30g; sắc với nước, thêm chút rượu vào uống ngày 3 lần.
(9) Chữa phụ nữ sa tử cung: Rễ quất 90g, hoàng tinh sống 30g, rễ cây thìa là 60g, dạ dày lợn 1 cái; hầm với nửa nước nửa rượu, chia thành 2 phần ăn trong ngày.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.