Hỏi:
Khoảng một năm nay, cứ tảng sáng là bố tôi lại thấy bụng đau, sôi ùng ục và ngay sau đó là ỉa chảy, có khi không kịp vào tới nhà vệ sinh đã vãi ra quần. Tôi đã đưa bố tôi đi bệnh viện khám, uống nhiều thứ thuốc tân dược nhưng chỉ đỡ vài ngày sau lại tái phát. Vì vậy tôi rất mong được "Thuốc vườn nhà" mách giúp cho một bài thuốc Nam, có thể chữa khỏi được bệnh này. Bố tôi đã ngoài 70 tuổi và đang ngày càng suy yếu.
Phan Thị Tuyến, Diễn Châu, Nghệ An
Đáp:
Chứng bệnh cụ nhà mắc phải, trong Đông y gọi là "Ngũ canh tả" hoặc là "Thận tiết". Do cứ tang tảng sáng (lúc canh năm - ngũ canh) là bụng sôi và ỉa chảy nên gọi là "Ngũ canh tả". Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh là do "thận dương hư" (phần dương của tạng thận đã suy yếu), không đủ sức ôn dưỡng tỳ vị, nên còn có tên là "Thận tiết".
Bệnh này có đặc điểm là, sau khi đại tiện thì bụng hết sôi và đỡ đau. Tuy nhiên nếu không chữa trị kịp thời, cơ thể sẽ ngày càng suy yếu, thường có những biểu hiện như tinh thần mệt mỏi, chán ăn, lưng gối đau mỏi, chân tay lạnh, ...
Kinh nghiệm thực tiễn lâu dài của Đông y cho thấy: Dùng bài thuốc "Tứ thần hoàn" để chữa chứng bệnh "Ngũ canh tả", nói chung đều mang lại kết quả mỹ mãn.
Chị có thể tới hiệu thuốc Đông Nam dược mua các vị thuốc theo liều lượng như sau:
(1) Thuốc thang: Trong 10 ngày đầu, hàng ngày dùng Bổ cốt chi (hạt đậu miêu) 12g, Nhục đậu khấu 6g, Ngũ vị tử 6g, Ngô thù du 3g, Táo tầu 3 quả, Gừng tươi 3 lát; sắc với nước 3 lần, hợp 3 nước lại, chia ra nhiều lần uống trong ngày.
Sau đó tiếp tục uống thuốc tán theo cách dưới đây:
(2) Thuốc tán: Bổ cốt chi 200g, Nhục đậu khấu 100g, Ngũ vị tử 100g, Ngô thù du 50g; tất cả đem tán bột, trộn đều; ngày uống 3 lần, mỗi lần 5-6g, chiêu thuốc bằng nước ấm; uống liên tục 2-3 tháng liền.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.