Hỏi:
Tôi thường xuyên bị ra mồ hôi ở lòng bàn chân và bàn tay, cả những ngày mát trời và mùa đông cũng vẫn không cầm. Rất khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và học tập. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, có thể dùng thuốc Nam chữa khỏi được không?
Nguyễn Văn Bé ,Từ Sơn, Bắc Ninh
Đáp:
Mồ hôi tiết xuất một cách dị thường, không phải do làm việc hay vận động nặng nhọc, hoặc do các nhân tố từ môi trường bên ngoài, là một trạng thái bệnh lý, trong Đông y học gọi là "hãn chứng".
Hãn chứng thường được chia ra 4 loại chính là:
1. Ra mồ hôi lúc nằm ngủ, thức dậy thì hết, gọi là "đạo hãn" (dân gian gọi là "mồ hôi trộm").
2. Ra mồ hôi lúc thức, không phải do lao động hoặc thời tiết gọi là "tự hãn" (tự ra mồ hôi).
3. Ra mồ hôi ở một khu vực nhất định như đầu, trán, ngực, nách, nửa người bên trái hoặc bên phải, ở chân tay... gọi là "cục bộ hãn".
4. Ngoài ra còn có loại mồ hôi dị thường; ví dụ như mồ hôi đặc quánh như dầu, mồ hôi màu vàng (hoàng hãn), màu đỏ (hồng hãn), mồ hôi có mùi khai hoặc xú uế khác thường, ...
Chứng mồ hôi của bạn thuộc loại "cục bộ hãn", có tên là "ngũ tâm hãn xuất", nghĩa là mồ hôi ở lòng bàn chân bàn tay và trước ngực; có thể do âm dương mất cân bằng, khí huyết không điều hòa hoặc tạng phủ bị rối loạn.
Cách chữa trị của Đông y là dùng thuốc hoặc châm cứu để lập lại cân bằng Âm Dương, điều hòa khí huyết và chức năng của các tạng phủ.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, phương pháp chữa trị theo cách tiếp cận tổng thể như vậy có kết quả tương đối tốt. Tuy nhiên, để thực hiện được việc đó, bạn cần đến bệnh viện hoặc phòng khám Đông y để được chẩn đoán cho chính xác, thì dùng thuốc mới có hiệu quả.
Trong thư bạn không nói đầy đủ về các chứng trạng toàn thân kèm theo, nên trước mắt chúng tôi chỉ có thể giới thiệu 2 bài thuốc có tính kinh nghiệm để bạn tham khảo:
(1) Thuốc đắp trên rốn: Ngũ bội tử loại bỏ tạp chất, cho vào cối giã thật nhỏ hoặc dùng máy xay cà phê nghiền thành bột mịn, sau đó cất vào lọ nút kín dùng dần; hàng ngày, lấy khoảng một thìa bột thuốc, trộn với nước trắng hoặc mật ong thành một thứ bột mềm, đắp kín rốn rồi dùng băng dính cố định lại; mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
"Ngũ bội tử" là vị thuốc khai thác từ "cây muối", rất phổ biến ở các miền đồi núi nước ta. "Cây muối" - còn có tên là "bầu bí", "măc piêt", "bơ pật" (Thái), "chu môi", "sơn bút", "ngũ bội", "diên phu mộc", tên khoa học là Rbus sinensis Mill.. Khoảng tháng 5-6, có một loài sâu đặc biệt, gọi là "sâu ngũ bội tử" thường đến cây muối, chích vào cành non và lá, rồi đẻ trứng. Có thể do những kích thích tố đặc biệt của trứng và sâu non, những tế bào của cây phát triển bất thường - sùi lên thành những bướu hình bầu dục hoặc hình đa giác. Những bướu sùi lên trên cây muối chính là vị thuốc "ngũ bội tử".
(2) Thuốc ngâm rửa: Dùng cát căn 20g, hoàng kỳ 10g, khô phàn 5g; nấu nước ngâm và rửa mỗi ngày 1-2 lần.
"Cát căn" là củ sắn dây đã thái nhỏ, phơi khô; "hoàng kỳ" là vị thuốc Bắc; "khô phàn" là phèn chua, còn gọi là "minh phàn", "bạch phàn". Tất cả những thứ trên đều tương đối rẻ và có thể mua ở hầu hết các cửa hàng Đông dược.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.