Hỏi:
Tôi
năm nay mới ngoài 40, sức khỏe nói chung tốt, chỉ có điều là cứ đi ra
ngoài gặp gió thổi là nước mắt chảy ra giàn giụa, nhất là trong các mùa
đông, xuân. Đầu mùa đông, tôi đã đi khám mắt, bác sĩ nói lệ đạo bình
thường và kê cho một số loại thuốc, nhưng uống liền 3 tháng mà bệnh tình
hầu như không giảm. Nay tôi rất mong được "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn
cho một số bài thuốc Nam để sử dụng thử.
Đình Minh, Hà Nội
Đáp:
Như chúng ta biết, nước mắt được sản xuất tại các tuyến đặc biệt, gọi
là "tuyến lệ" (nằm ở dưới lông mày, phía ngoài của hốc mắt). Từ tuyến
lệ, nước mắt theo hệ thống các "ống bài xuất", đổ vào kết mạc. Nhờ các
mi mắt, nước mắt được dàn mỏng đều trên kết mạc và giác mạc, để nuôi
dưỡng, duy trì độ trong suốt của giác mạc và tẩy rửa các chất bẩn bám
trên mặt nhãn cầu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nước mắt được tập trung
vào hệ thống "ống dẫn ra", gọi là "lệ đạo", đi xuống hốc mũi, hấp thụ
một phần và bốc hơi ở đó.
Hiện tượng nước mắt tiết ra quá nhiều, lưng tròng như đang khóc, trong y học chia thành 2 dạng:
1. Tuyến lệ tiết xuất bình thường, nhưng lệ đạo có chỗ bị hẹp hay bị
tắc, khiến mước mắt bị ứ đọng lại, gọi "tràn nước mắt" (lệ dật -
Epiphora).
2. Mặc dù lệ đạo thông suốt, nhưng tuyến lệ sản
xuất quá nhiều nước mắt, lệ đạo không kịp làm nhiệm vụ thoát nước,
khiến nước mắt tràn ngập trong mắt, gọi là "chảy nước mắt" (lưu lệ -
Lacrimation).
Bệnh tình của bạn, rõ ràng là thuộc dạng thứ hai.
Hiện
tượng ra gió nước mắt chảy giàn giụa như bạn đề cập, Đông y học gọi là
"Nghênh phong lưu lệ chứng", còn gọi là "Khắc phong lưu lệ chứng", hay
"phong lệ nhãn". Cách chữa bệnh này đã được đề cập trong một số y thư
cổ, như "Chứng trị chuẩn thằng. Tạp bệnh", "Cổ kim y thống đại toàn. Nhãn khoa", "Nhãn khoa tiệp kinh", ...
Theo Đông y:
Nguyên nhân dẫn tới chứng bệnh ra gió chảy nước mắt thường là do thể
chất hư nhược, khi bị gió bên ngoài xâm phạm, tạng phủ suy yếu không đủ
sức điều tiết dịch lệ, mà gây nên bệnh. Trên lâm sàng thường chia ra 2
loại hình là "lãnh lệ" (nước mắt lạnh) và "nhiệt lệ" (nước mắt nóng), để
tiến hành biện chứng luận trị:
1. Lãnh lệ: Loại hình này, thường do phong tà từ bên ngoài xâm phạm gây nên. Ngoài ra, cũng có thể do can kinh uất nhiệt, mà gây nên bệnh.
- Biểu hiện:
Mắt không đỏ không đau, nước mắt thường chảy ra, nhất là khi ra ngoài
gặp phải gió lạnh; nước mắt trong, lỏng, không dính quánh. Nếu để lâu
ngày không chữa trị, hai mắt sẽ bị mờ, khó phân biệt rõ được các vật.
- Phép chữa: Bình can, thanh nhiệt, khư phong.
- Bài thuốc thường dùng:
Dùng cam cúc hoa 6g, câu kỷ tử 6g; hãm trà uống thay trà hàng ngày. Nếu
bệnh tình nghiêm trọng, thêm: ba kích nhục, nhục thung dung - mỗi thứ
9g; cùng sắc uống, hiệu quả sẽ rõ ràng hơn.
2. Nhiệt lệ:
Nguyên nhân thường là do "can thận lưỡng hư" (hai tạng can và thận đều
suy yếu), lại bị ngoại tà mà xâm phạm, mà gây nên bệnh; phàm những người
tinh huyết suy bại hoặc bi thương khóc lóc quá lâu, dễ mắc nhiệt lệ
hơn.
- Biểu hiện: Hai mắt sưng thũng
đỏ, đau nhức, sợ ánh sáng, nước mắt tương đối đặc và dính, thường hay
xuất hiện đồng thời cùng với một số bệnh mắt khác.
- Phép chữa: Chủ yếu là bổ ích can thận.
- Bài thuốc thường dùng:
Cúc hoa 6g, sinh thạch cao 15g; sắc nước uống hàng ngày. Bệnh tình
tương đối nghiêm trọng, thêm: hoàng cầm, hoàng liên - mỗi thứ 6g; cùng
sắc uống, tác dụng sẽ tốt hơn.
3. Nghiệm phương:
Ngoài cách chữa trị theo phương pháp "Biện chứng luận trị" như trên,
còn có thể áp dụng một số bài thuốc kinh nghiệm, lưu truyền trong dân
gian sau đây:
- Bài thuốc 1: Gan lợn và rau khởi, nấu canh ăn. Bất luận là lãnh lệ hay nhiệt lệ, đều có thể mang lại hiệu quả nhất định.
- Bài thuốc 2: Câu kỷ tử 100g, rượu trắng 1000ml, ngâm 1 tháng là sử dụng được; ngày uống 2 lần, mỗi lần một chén con, uống sau bữa ăn.
- Bài thuốc 3: Vỏ táo tây (apple) 10g, đường trắng 15g; sắc nước uống ngày 2 lần; uống khi thuốc còn nóng.
- Bài thuốc 4:
Tang thầm tử (trái dâu tằm chím) 20g, cà chua 1 quả; giã hoặc dùng máy
xay sinh tố nghiền nhuyễn, ăn hết một lần; ngày ăn 1-2 lần.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.