XOAN - 苦楝
Còn gọi là sầu đâu, xoan trắng, xuyên luyện, khổ luyện, đốc hiên, sđâu (Cămpuchia), lilas du Jappon, lilas des Indes, laurier grec, faux sycomore.
Tên khoa học Melia azedarach L.
Thuộc họ Xoan (Meliaceae).
Xoan - Melia azedarach
Ta dùng vỏ thân, vỏ cành to và vỏ rễ phơi khô hay sấy khô của cây xoan - Cortex Meliae. Vỏ rễ tốt hơn.
A. MÔ TẢ CÂY
Xoan là một cây to cao, có thể đạt tới 25-30m nhưng thông thường chỉ thấy 10-15m là người đã khai thác. Vỏ thân xù xì, nhiều chỗ lồi lõm, với nhiều vết khía dọc. Lá mọc cách 2-3 lần kép lông chim lẻ. Chiều dài toàn bộ lá có thể tới 60-100cm, chiều rộng toàn bộ lá 40-60cm. Lá chét dài 7-8cm, rộng 2-3cm. Cuống lá chét ngắn, mép khứa răng cưa nông, mặt dưới lá và cuống có lông hình khiên. Cụm hoa xim hai ngả, 4-5 lá đài, 4-5 cánh hoa màu tím nhạt, ống nhị màu tím. Bầu 4-5 lá noãn. Quả xoan kết quả vào tháng 3, chín vào tháng 12. Khi còn nhỏ non màu xanh, khi chín có màu vàng. Trong quả chứa 1 hạch màu nâu nhạt.
Ở các tỉnh vùng Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu, ...) cây xoan mọc phổ biến là loài Melia toosendan Sieb, et Zucc., có quả to hơn, quả hạch có 6-8 ô.
B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN
Xoan là một cây mọc hoang và được trồng nhiều nơi trong nước ta, miền núi cũng như miền xuôi.
Ở miền xuôi cây mọc khỏe hơn. Nhân dân ta hay trồng xoan vì dễ trồng, chóng lớn. Chỉ sau 6-7 năm là đã có thể khai thác lấy gỗ làm cột nhà, làm đồ dùng. Xoan thích hợp với nhiều loại đất như bãi cát, đồng bằng, đồi núi, nương rẫy. Thường trồng bằng hạt, vào khoảng tháng 12 hạt xoan đã chín, hái về ngâm nước, chà sạch lớp thịt bên ngoài, đem phơi khô cất nơi khô ráo. Hạt xoan có thể giữ từ 7-8 tháng. Khi trồng đào hốc sâu 25-30cm, rộng 30-40cm, hố này cách hố kia 1-1,5m mỗi hốc gieo 3-4 hạt.
Khi lấy vỏ làm thuốc nên chọn những cây đã đến tuổi khai thác gỗ (6-7 năm), chặt cả cây, cạo bỏ vỏ đen rồi bóc lấy lớp vỏ lụa trắng của vỏ thân, vỏ cành to, nếu cần đào cả rễ, bóc lấy lớp vỏ bỏ gỗ lại vần dùng làm củi được.
Như vậy, trước đây khi khai thác xoan ta thường cạo vỏ bỏ đi hay chỉ đào rễ xoan làm củi thì nay kết hợp lấy vỏ làm thuốc. Gỗ và rễ vẫn dùng như cũ. Ta còn có thể đào rễ ở những cây xoan còn sống, hay bóc lấy lớp vỏ ở thân những cây xoan còn đang phát triển. Nhưng chú ý để đủ vỏ cho cây sống.
Vỏ hái về phơi hay sấy khô. Khi dùng sao cho hơi vàng, hết mùi hăng là dùng được, không phải chế biến gì khác.
Vỏ thân và rễ được dùng làm thuốc nhưng vỏ rễ mạnh hơn, với tên khổ luyện căn bì.
Nhìn bề mặt ngoài rất khó phân biệt vỏ thân hay vỏ rễ, nhưng qua vi phẫu ta có thể phân biệt căn cứ vào mạch gỗ của vỏ thân hình chữ nhật, còn mạch gỗ của vỏ rễ hình tròn, lớp nhu mô của vỏ thân chứa diệp lục còn nhu mô vỏ rễ chỉ có tinh bột.
Cụ thể từ ngoài vào trong vỏ thân ta thấy: Lớp hóa bần thường bong ra ngoài, hai hàng tế bào biểu bì xếp đều đặn, đám sợi xếp rải rác trong phần nhu mô, nhu mô có có tế bào hình trứng xếp lộn xộn, chứa diệp lục, libe có tế bào nhỏ, vỏ mỏng, mạch gỗ hình chữ nhật, xếp thành hàng nằm trong nhu mô gỗ.
Trong vi phẫu vỏ rễ cũng có lớp hóa bần thường bong ra ngoài mầu nâu, hai hàng tế bào biểu bì xếp đều đặn, thỉnh thoảng có những bó sợi nằm trong nhu mô, nhu mô với tế bào hình trứng có chứa tinh bột, đám libe với những tế bào nhỏ mỏng, mạch gỗ hình tròn, nhu mô gỗ với tế bào nhiều mặt.
Ngoài vỏ thân và vỏ rễ, người ta còn dùng cả quả xoan làm thuốc với tên khổ luyện tử.
C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Vỏ thân và vỏ rễ chứa một ancaloit vị đắng, do Cornish lấy ra lần đầu tiên và được đặt tên là macgosin, có tác dụng diệt giun, ngoài ra còn 70% tanin. Nhưng có tác giả lại cho macgosin chỉ là một chất nhựa vô định hình.
Theo một tác giả Nhật Bản (Trung Lâm Lợi Bình Dược học tạp chí 1952, 72 (5): 717-718) thì thành phần diệt giun trong vỏ xoan là một chất có tinh thể hình kim không màu, có công thức thô là C9H8O4, độ chảy 154oC. Trong vỏ xoan Melia azedarach L., có chất kulinon độ chảy 138oC, (α)D-20o, kulacton độ chảy 163-164o5C, (α)D-58o và kulolacton (α)D-42o, tất cả đều là dẫn xuất của euphan:
Trong quả xoan có các thành phần thuộc loại tetraxyclotritecpen, trong khi đó trong vỏ có những thành phần hơi khác và thuộc loại kanziol (hay tirucallol) như melianol, độ chảy 194-5oC, (α)D-38o (trong clorofoc), melianon độ chảy 223-4oC (kết tinh trong axeton-pentan) hoặc độ chảy 232-3oC (nếu kết tinh trong clorofoc - pentan), melianodiol, độ chảy 230-2oC, (α)D-60o (trong clorofoc) và melianotriol độ chảy 176-8oC, (α)D-23o (trong clorofoc) (theo D. Levie và cộng sự J. Chem. Soc. Org. 1967, 1347 và Chem. Commun. 1967, 910).
Ngoài những chất thuộc loại tetraxyclotecpen đã nói ở trên, còn có những chất đắng (khổ vị tố) gọi chung là "luyện khổ vị tố" đều là những chất giáng hóc từ những thành phần thuộc loại tritecpen.
Ví dụ từ vỏ thân cây xoan Melia azedarach mọc ở Quảng Tây (Trung Quốc) đã chiết được hai loại tinh thể, một loại chủ yếu gọi là "khổ vị tố" có độ chảy 244-245oC, (phân hủy) công thức C30H38O11, αD29,5độ-13o1 (axeton), phổ hồng ngoại ν max cm-1 3472 (OH), 1712, 1656 (>C=O), 1742, 1242 (CH3COO-), 1932 (vòng oxy) và 1515, 833 (vòng furan). Phổ hấp thụ tử ngoại λetanolmax 213nm (logε 3,56) chứng minh rằng chất này cũng là một chất với toosendanin chiết từ vỏ cây xoan Tứ Xuyên Melia toosendan Sieb. et Zucc (xuyên luyện), và là hoạt chất chủ yếu có tác dụng trừ giun. Một chất "khổ vị tố" tinh thể nữa có công thức C31H40O12, độ chảy 264-5oC (phân hủy), αD30độ-17o, phổ hấp thụ tử ngoại λetanolmax 213 nm (logε 3,96) chứng tỏ có khả năng có công thức cấu tạo gần như toosendanin hoặc dẫn xuất của nó.
Cả hai loại tinh thể này đều có tác dụng trên giun nhưng tác dụng của toosendanin tốt hơn. Trong vỏ rễ của xuyên luyện (Melia toosendan) cũng có toosendanin, nhưng hàm lượng trong vỏ rễ cao hơn vỏ thân.
Trong quả xoan Tứ Xuyên (xuyên luyện) (Melia toosendan) còn có Ấn khổ luyện tử tố (Azadirachtin), chất này cũng thấy trong quả của cây xoan Ấn Độ (Melia azedarachta L.) và có công thức C29H39O16 độ chảy 155-8oC, (α)D-53o (trong clorofoc) cũng có tác dụng trừ giun. Phương pháp chiết hai loại tinh thể khổ vị tố trong vỏ xoan có thể trình bày ở sơ đồ trên.
Trong vỏ, lá, quả và gỗ của cây xoan Ấn Độ (Melia azedarach L. và Melia indica L.) cũng có nhiều chất khổ vị tố (chất đắng), hàm lượng trong vỏ và quả nhiều hơn so với các bộ phận khác.
Chủ yếu theo C. R. Narayanan và cộng sự (Tetrahedron Letters 1965, 4333 và 1967, 3563) có nimbin, độ chảy 204-5oC, (α)D24độ-+170o (trong cồn etylic). Hầu hết các bộ phận trong cây đều có nhưng trong vỏ chứa nhiều hơn. Đặc điểm cấu tạo của nó là vòng cacbon mở, dẫn xuất của vòng A mở của toosendanin.
Ngoài ra còn một lượng nhỏ nimbinin (theo J. D. Connolly và cộng sự Tetrahedron Letters 1968, 437) độ chảy 202-4oC, (α)D +45o (trong clorofoc).
D. E. U. Ekong (Chem. Commun. 1967, 808) còn chiết được từ lá xoan Ấn Độ chất nimbolide, độ chảy 245-7oC, (α)D +206oC. Năm 1969, D. E. U. Ekong (Chem. Commun. 1969, 1166) còn chiết từ gỗ xoan Ấn Độ các chất nimbolin A và B. Nimbolin A có độ chảy 180-3oC, (α)D-38o6, còn nimbolin B có độ chảy 243-5oC, (α)D-93o3.
Tại Việt nam, từ năm 1970, Đỗ Tất Lợi, Đặng Văn Trường và cộng sự đã chiết được từ vỏ xoan một hoạt chất có phản ứng nhựa và có tác dụng trên giun đất, giun lợn và giun người (Dược học 1, 1971, 4-7) đã tìm hiểu DL-50 và thăm dò liều dùng trên người của hoạt chất này thu được kết quả tốt. Ngoài ra còn chiết được từ vỏ xoan chất béo không có tác dụng, đường cũng không có tác dụng và một chất cho phản ứng ancaloit có tác dụng trên giun nhưng yếu hơn hoạt chất cho phản ứng nhựa, một chất có tinh thể màu trắng nhưng chưa xác định được tính chất và cấu trúc. Trung bình 100g vỏ xoan cho từ 0,5 đến 1g chất có phản ứng nhựa, 0,10g chất béo và 0,30g chất cho phản ứng ancaloit.
Quả chứa một ancaloit là araridin và một chất dầu (60%). Thành phần dầu có diêm sinh làm cho dầu có mùi tỏi.
Theo Hồ Sùng Gia, thành phần có hiệu lực của quả xoan là một thứ nhựa trung tính, tính chất của nhựa chưa được ổn định. Để dành một năm, hiệu lực bị giảm.
Lá chứa một ancaloit gọi là paraisin, một ít rutin (0,5% tính trên lá khô kiệt).
D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
1. Tác dụng chữa giun.
Năm 1948 Hồ Sùng Gia (Trung Hoa y học tạp chí, 34:443) đã chứng minh thành phần tác dụng trên giun lợn là một chất nhựa trung tính, nhưng tính chất không ổn định, bảo quản sau 1 tháng tác dụng bị giảm, dịch chiết vỏ xoan bằng rượu với liều 0,25% làm cho giun lợn bị say, nhựa trung tính chỉ cần nồng độ 0,1% cũng đã làm say giun lợn.
Năm 1967, Đỗ Văn Thủ (Luận văn tốt nghiệp dược sĩ chuyên khoa dược liệu) đã tiến hành một số thí nghiệm sau đây:
a) Chiết vỏ xoan bằng nước đun sôi theo lối sắc thuốc, sau cô thành cao mềm và chiết cao mềm bằng cồn etylic, thu hồi cồn được nhựa màu vàng nâu vị đắng, mùi hăng hăng, làm chết giun lợn trong 30 phút.
b) Chiết vỏ xoan bằng nước, sau đó cô dịch chiết tới cao mềm và chiết cao mềm bằng axeton. Bốc hơi axeton, được thứ nhựa màu vàng, nhựa này có tác dụng làm giun lợn chết 20 phút.
Tỷ lệ nhựa thu được bằng phương pháp cồn là 0,42%, bằng phương pháp axeton là 0,21%.
2. Trên lâm sàng, hầu như chưa được dùng và theo dõi cẩn thận ở nước ta. Nhưng tại nhiều nước, đặc biệt tại Trung Quốc, vỏ xoan là một loại dược liệu đặc biệt được chú ý sử dụng và theo dõi trên lâm sàng.
a) Năm 1952, Vương Đức Phấn và cộng sự (Nội khoa học báo, 6:406) đã báo cáo sử dụng nước sắc vỏ xoan 100% trị 35 ca giun đũa đạt kết quả 78%, liều dùng vỏ rễ là 4-5g trên 1kg thể trọng, uống vào hơi có tác dụng tẩy, một số có tác dụng phụ sinh mặt đỏ bừng, buồn ngủ, không cần uống tẩy.
b) Năm 1957, Trung y viện Trùng Khánh Trung Quốc (Trung Hoa y học tạp chí, 5:372-375 hoặc Trung y học tạp chí, 3:142-144) đã dùng thuốc viên chế từ vỏ xoan dưới hình thức viên 0,30 và 0,10 hoạt chất chữa 1327 trường hợp giun đũa kết quả đạt 72,2% với liều dùng sau đây:
- 1 tuổi uống từ 1 viên đến 1 viên rưỡi (hoạt chất thô chế 0,30g, hoạt chất tinh chế 0,10g);
- 2 đến 4 tuổi uống 2-3 viên;
- 5 đến 8 tuổi uống 4 viên;
- 9 đến 12 tuổi uống 5 viên;
- 13 đến 18 tuổi uống 6 viên;
- Trên 19 uống 7-8 đến 9 viên.
Liều dùng còn căn cứ vào thể trạng bệnh nhân mà thêm bớt. Chừng 40% bệnh nhân uống vào thấy có tác dụng phụ như hơi choáng váng, buồn ngủ, mặt đỏ, nhưng rất chóng hết.
c) Năm 1959, Sở nghiên cứu trung dược tỉnh Tứ Xuyên đã chế vỏ xoan thành thuốc viên áp dụng trên 4374 bệnh nhân, kết quả giun đũa ra đạt 73,79% so sánh với santonin không kém (Trung y tạp chí, 4:46-49).
d) Năm 1959 (Trung Hoa nội khoa tạp chí, 3:241-244) Luyện Mai Thanh và cộng sự đã báo cáo sử dụng thuốc viên chế từ vỏ xoan chữa 115 ca giun đũa, đạt kết quả 76,52%, trứng giun trong phân chuyển âm tính đạt 51,43%, sau khi uống thuốc có phản ứng không tốt chiếm 22,61% biểu thị đau bụng, đầu váng, buồn nôn, bụng đầy trướng, phát sốt, nhức đầu, là một trong những triệu chứng thường gặp nhất, thứ đến mắt hoa, không muốn ăn, mặt bừng đỏ, toàn thân yếu mệt, nói khó khăn, buồn ngủ, chân tay tê dại, .v.v.
Tại Việt Nam trong năm 1967, chúng tôi đã cùng Đỗ Văn Thủ phối hợp với trạm vệ sinh phòng dịch Ty Y tế Hòa Bình tiến hành tẩy giun bằng vỏ xoan và cách dùng sẽ giới thiệu ở phần công dụng và liều dùng nhưng không quá 1g vỏ trên 1kg thân thể thì thấy trên toàn bộ những người thí nghiệm và trên 117 trường hợp theo dõi cẩn thận hoàn toàn không có ai có phản ứng xấu. Toàn bộ những người uống đều ra giun kim, 86% ra giun đũa, có em bé ra tới 105 con giun và có người lớn đã uống nhiều thuốc giun khác như xi rô piperazin, santonin chưa bao giờ ra giun nay uống vỏ xoan đã ra giun (Luận văn tốt nghiệp của Đỗ Văn Thủ - Khoa dược liệu trường đại học Dược khoa Hà Nội 1968).
3. Tác dụng khác: Nước sắc vỏ xoan 4ml = 1g vỏ xoan có tác dụng ức chế một số vi trùng bệnh ngoài da (Trung Hoa bì phu khoa tạp chí 1957, 4:268-292).
Nước sắc vỏ xoan còn dùng chữa bệnh viêm âm đạo do tích trùng đạt kết quả rất tốt (Trung Hoa phụ sản khoa tạp chí 1959, 3:193).
Năm 1978, Phó Đức Thuần, Lê Đức Thọ và cộng sự (Tạp chí Đông y, 153, 23-30) đã nghiên cứu độc tính hoạt chất của vỏ nước xoan do Đỗ Tất Lợi và cộng sự đã chiết được và đi tới những kết luận sau đây:
a. Liều DL-50 của hoạt chất có phản ứng nhựa (đặt tên là melia 1) trên chuột nhắt sau 40 phút đầu tiên là 1,491g/kg, sau 24 giờ là 1,356g/kg và sau 48 giời là 1,277g/kg, của hoạt chất có phản ứng của ancaloit (đặt tên là melia 2) là 4,375g/kg (sau 24 giờ) và 4,077g/kg (sau 48 giờ). Nếu so với DL-50 của santonin trong cùng điều kiện thí nghiệm là 0,485g/kg (sau 24 giờ) và 0,444g/kg (sau 48 giờ) thì melia 1 độc hơn melia 2 từ 3 đến 5 lần, và ít độc hơn satonin từ 2 đến 8 lần. Nếu so sánh liều DL-50 trung bình sau 24 giờ của melia 1 với liều thường dùng trên người để tẩy giun (1g đối với người lớn 50kg tức là 0,02g/kg) thì ta thấy biên độ an toàn của thuốc rất lớn: 1,277/0,02: 63,85 (hơn 60 lần). Điều này thể hiện trong việc sử dụng thăm dò hoạt chất này trong 8 năm (từ 1970 đến 1978) chưa thấy gây ra tác dụng phụ nào đáng kể, trong khi qua tài liệu công bố của Trung y viện Trùng Khánh (Trung Quốc) có tới 40% bệnh nhân uống thuốc xoan thấy choáng váng, buồn ngủ, mặt đỏ nhưng chóng hết.
b. Trên súc vật chết sớm (sau 40 phút) mổ ngay thấy tình trạng xung huyết ở các phủ tạng. Gan thoái hóa mỡ nhẹ, có súc vật không thấy có biến đổi gì ngoài tình trạng xung huyết. Trên chuột mổ để xét nghiệm sống sau 72 giờ thấy có tổn thương ở gan, thận, ruột. Gan thoái hóa mỡ, ruột có đoạn quá sản, lớp liên bào trên mặt ranh giới.
c. Trên tim ếch cô lập từ nồng độ 1-5% melia làm giảm biên độ co bóp của tim có tần số không thay đổi. Nồng độ 5% làm ngừng co bóp tim.
d. Trên mạch ếch cô lập, melia 1 từ nồng độ 1%, làm giảm mạch rõ rệt, ở nồng độ 1% làm giãn mạch nhiều nhất.
e. Trên huyết áp hô hấp thỏ, ở nồng độ 1-7% chưa thấy biến đổi rõ hô hấp nhưng trên huyết áp các sóng có nhiều biến đổi rõ rệt, nhưng đến nồng độ 1-3% huyết áp có hạ nhưng không đáng kể và biểu hiện rõ rệt nhất là hô hấp giảm dần rồi ngừng. Nồng độ 1%, thỏ đã khó thở, có những cơn ngừng thở kéo dài, đến nồng độ 3%, thỏ ngừng thở rồi chết. Trên thí nghiệm huyết áp hô hấp đưa thuốc vào bằng đường uống, với liều 1g/kg mới xuất hiện các triệu chứng bệnh lý đã gặp ở thí nghiệm tiêm thuốc vào tĩnh mạch, nhưng ở thí nghiệm uống, triệu chứng ức chế hô hấp vẫn sớm hơn, mạnh hơn so với triệu chứng hạ huyết áp. Kết quả thực nghiệm trên súc vật đã phần nào giải thích cơ chế gây độc trên lâm sàng, mặt đỏ bừng, buồn ngủ, mệt xỉu, chân tay bủn rủn, ... và hiệu quả của phương pháp cấp cứu ngộ độc bằng cafein, niketamit và một số thuốc khác trong những công trình cấp cứu ngộ độc xoan ở trong và ngoài nước.
Tác dụng kích ứng niêm mạc ruột và tác dụng tích lũy làm ảnh hưởng xấu đến gan cần chú ý để tránh dùng kéo dài.
E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Vỏ rễ và vỏ thân xoan được nhân dân ta dùng chữa giun từ lâu đời nhưng vì có độc mà liều lượng dùng thường thiếu chính xác cho nên tuy có nhiều kết quả tốt nhưng cũng đã gây ra một số vụ ngộ độc.
Cho nên gần đây ở nước ta hầu như không thấy sử dụng chữa giun, nhưng tại Trung Quốc, Mỹ, nhân dân dùng vỏ xoan làm thuốc chữa giun kim và giun đũa.
Muốn phục hồi lại việc dùng vỏ xoan chữa giun cần chú ý tới liều lượng và cách chế biến sao cho tiện dùng. Tránh sử dụng bừa bãi tự động dễ gây những tai hại đáng tiếc.
Sau đây là những hình thức sử dụng vỏ xoan có kinh nghiệm:
1. Dùng dưới hình thức thuốc bột: Bóc lấy vỏ xoan, cạo bỏ lớp vỏ nâu bên ngoài, chỉ lấy lớp vỏ lụa. Sao cho hơi vàng đỡ mùi hăng rồi tán nhỏ. Chia thành từng gói 0,7-1g.
Liều dùng như sau:
- Trẻ từ 1 tuổi trở xuống: Ngày uống từ 0,15 đến 0,20g;
- Trẻ em 2 tuổi: Ngày uống từ 0,20 đến 0,25g;
- Trẻ từ 3 tuổi trở xuống: Ngày uống từ 0,25 đến 0,35g;
- Trẻ từ 4 tuổi trở xuống: Ngày uống từ 0,35 đến 0,50g;
- Trẻ từ 5 tuổi trở xuống: Ngày uống từ 0,70 đến 1g;
- Trẻ từ 10 tuổi trở xuống: Ngày uống từ 1g đến 1,5g;
- Trẻ từ 15 tuổi trở xuống: Ngày uống từ 1,50 đến 2g;
- Người lớn: Ngày uống từ 2,00 đến 3g bột.
Uống liền ba sáng vào sáng sớm lúc đói. Lấy chuối chấm bột cho dễ uống.
2. Dùng hình thức thuốc sắc: Vỏ lấy về cạo bỏ lớp vỏ nâu bên ngoài, thái nhỏ, phơi khô và sao cho bớt mùi hăng, sắc 4 nước, mỗi lần đun sôi và giữ sôi 1 giờ rưỡi đến 2 giờ. Cô các nước sắc lại cho có trọng lượng bằng vỏ ban đầu, ví dụ 1kg vỏ thì cô còn 1 lít. Sau đó thêm cùng 1 thể tích (1 lít) xirô đơn. Trộn đều.
Cho uống liều như sau:
- 1 đến 2 tuổi: Uống 20ml tương ứng với 10g vỏ khô;
- 3 đến 5 tuổi: Uống 30ml tương ứng với 15g vỏ khô;
- 6 đến 9 tuổi: Uống 40ml tương ứng với 20g vỏ khô;
- 16 đến 19 tuổi: Uống 65ml tương ứng với 32,5g vỏ khô;
- 19 tuổi trở lên: Uống 75 đến 80ml tương ứng với 37,5g đến 40g vỏ khô.
Uống vào lúc sáng sớm lúc đói. Nhịn ăn đến trưa thì ăn uống bình thường, chỉ uống một buổi sáng.
3. Từ 1973, Đỗ Tất Lợi và cộng sự đã chiết được hoạt chất của vỏ xoan và chế thành viên 0,10g đặt tên là viên Melia dùng với liều 1-3 viên 0,10g cho trẻ từ 1-4 tuổi, 4-6 viên cho trẻ từ 5-15 tuổi, trên 15 tuổi dùng với liều 7-10 viên.
Ngoài công dụng chữa giun, nhân dân còn dùng lá sắc diệt côn trùng: Lá cây 4kg, nước 10 lít. Phun lên những cây bị sâu bọ ăn hại. Còn để lá xoan vào chum đựng các loại hạt như hạt đậu để tránh mọt, hoặc nấu nước tắm cho súc vật (trâu, bò, ngựa), để chữa ghẻ. Vỏ xoan là thuốc dùng có hiệu lực nhưng có độc cho nên phải cẩn thận khi sử dụng.
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.