NÀNG NÀNG - 白毛紫珠
Còn gọi là trứng ếch, trứng ốc, bọt ếch, nổ trắng, co phá mặc lăm (Thái), pha tốp (Lai Châu), đốc pha nốc (Lào), srul kraham (Cămpuchia).
Tên khoa học Callicarpa cana L.
Thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
Nàng nàng - Callicarpa cana
A. MÔ TẢ CÂY
Cây nhỏ, cành vuông phủ đầy lông hình sao màu xám, hay trắng nhạt. Lá mọc đối, hình mác 2 đầu nhọn, mép có răng cưa, dài 7-20cm, rộng 2,5-11cm, 2 mặt đều có lông, mặt dưới nhiều hơn nên có màu trắng bạc. Hoa rất nhỏ màu hồng nhạt mọc thành xim ở kẽ lá, thành hình cầu. Quả hình cầu, nhẵn, màu tía, đường kính 2-3mm, mọc sát nhau. Mùa hoa quả tháng 5-9.
B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN
Cây mọc hoang dại ở khắp những vùng đồi núi miền Trung du nước ta, có khi ở ven rừng. Còn thấy mọc ở Philipin, ở các nước Nhiệt đới châu Á.
Người ta dùng thân, lá, rễ gần như quanh năm. Hái về phơi hay sấy khô, hoặc hái về (rễ) rửa sạch, thái mỏng phơi hay sấy khô.
C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Chưa có tài liệu nghiên cứu.
D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Nàng nàng là một vị thuốc được nhân dân dùng chữa phụ nữ sau khi đẻ kém ăn, da vàng, bệnh vàng da, và để bồi dưỡng.
Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
Có thể tán bột uống.
Dùng ngoài chữa mụn, lở loét: Lá sao cháy đen, tán bột rắc lên nơi lở loét.
Có thể dùng nấu nước rửa nơi lở loét, mụn nhọt.
Ở Philipin, nhân dân dùng lá nàng nàng giã nát để đánh bả cá.
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.