Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

MÙ U - 海棠油

Còn gọi là đồng hồ, khung tung, khchyong (Cămpuchia).

Tên khoa học Calophyllum mophyllum L. (Balsamaria inophyllum Lour.).

Thuộc họ Măng cụt (Guttiferae).

海棠油, mù u, đồng hồ, khung tung, khchyong, Calophyllum mophyllum L., Balsamaria inophyllum Lour., họ Măng cụt, Guttiferae

Mù u - Calophyllum mophyllum

A. MÔ TẢ CÂY

Mù u là một cây cao chừng 10-15m, dáng đẹp. Lá mọc đối, mỏng, thon dài, phía cuống hơi thắt lại, đầu lá hơi tù, phiến lá dài 10-17cm, rộng 5-8cm, gân rất nhỏ, nhiều, chạy song song và nổi rỗ cả 2 mặt lá. Hoa khá to, thơm, màu trắng, mọc thành chùm xim ở kẽ lá hay đầu cành. Từ xa, người ta phân biệt được cây mù u với cây khác là nhờ màu trắng đặc biệt của hoa. Quả hạch, hình cầu, đường kính chừng 2,5cm khi chín có màu vàng nhạt, vỏ quả giữa mẫm, vỏ quả trong dày, cứng. Hạt có lá mầm chứa rất nhiều dầu. Mùa hoa tháng 2-6; mùa quả chín tháng 10-11-12.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Cây mù u mọc hoang và được trồng tại rất nhiều tỉnh miền Bắc và miền Nam nước ta: Quảng Ninh, Kiến An (cũ), từ Quảng Bình đến Phan Thiết, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Gia Định (cũ), Sông Bé, bà Rịa .v.v.

Còn mọc ở một số tỉnh miền Nam Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Cămpuchia.

Cây mù u mọc hoang thường mọc tại những vùng đất cát tại bờ bể. Nhân dân miền Trung thường trồng lấy hạt ép dầu thắp đèn.

Cây trồng bốn năm bắt đầu cho quả. Năm đầu một cây cho khoảng 4kg hạt, những năm sau từ 30-50kg hạt.

Ở các tỉnh phía Nam vụ thu hoạch chính tháng 11-12, vụ sau vào tháng 4-5 (trước mùa mưa).

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Hạt mù u chứa từ 41-51% dầu, nếu tính nhân không, tỷ lệ có thể tới 73%. Từ dầu thô đó có thể tách ra 71,5% dầu béo và 28,5% nhựa, có loại dầu chứa tới 90,3% dầu béo và 9,7% nhựa. Tỷ trọng 0,910-0,918. Chỉ số xà phòng 188-190. Độ chảy của axit béo 30-38o.

Dầu thô rất sánh, màu xanh lục sẫm, có mùi đặc biệt, vị đắng. Khi đã loại nhựa rồi, dầu sẽ lỏng hơn màu nâu vàng. Trong dầu mù u có panmitin, stearin, olein và arachidin. Chỉ số iôt của dầu là 90,4.

Những năm gần đây, dầu mù u dã được nghiên cứu kỹ hơn.

Dietrich P., Lederer E. và Polonsky đã chiết được từ hạt mù u axit calophylic và chất calophylotlit, từ các chất trên lại chiết ra được axit benzoic và axetonphenon.

Các tác giả trên còn chiết từ hạt một chất lacton. Chất lacton này xà phòng hóa cho axit calophylic (Bull. Soc. Chim. France 5, 1953, tr 546-549).

Nhựa mù u lấy được từ dầu thô có màu nâu sẫm, tan trong benzen, cacbon sunfua, ête dầu hoả, cồn và các dung môi hữu cơ nói chung. Độ chảy 30-35o, chỉ số iôt 125,2.

Thân cây mù u: Từ thân cây trích được một thứ nhựa màu lục nhạt, cùng dùng làm thuốc. Trong vỏ cây chứa11,9% tanin (Theo Gana, 1969, Philip. Sci. A, 11: 262).

Theo Kalaw và Sacay (1952, Philip. Agric. 14, 424) trong lá, vỏ và rễ có chứa axit xyanhydric và một chất saponin.

D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Phần lớn còn dùng trong phạm vi nhân dân.

Nhựa mù u được dùng dưới dạng bột rắc lên các vết lở loét, mụn nhọt, tai có mủ.

Dầu mù u dùng chữa ghẻ, bệnh ngoài da hay trộn đều với ít vôi đun lên rồi bôi vào.

Theo Pétard (1940 Rev. Bot. appliquée et d' Agronomic coloniale 26: 210-211) este etylic của dầu mù u dùng để điều trị có kết quả chứng viêm dây thần kinh do hủi. Liều dùng của este etylic dầu mù u là 5-10ml (tiêm bắp thịt sâu), 5-20ml (uống). Có thể dùng nhiều ngày liền vì uống không độc.

Năm 1947, Mauboussin còn dùng dầu mù u có iôt để điều trị bệnh tràng nhạc (luận án thi bác sĩ y khoa, Paris).

Dầu mù u còn dùng xoa bóp trị bệnh thấp khớp.

Năm 1951, A. Ormanegy và cộng sự đã chứng minh tác dụng lên sẹo và an thần của dầu mù u.

Từ năm 1983, tại bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Quang Long đã dùng dầu mù u điều trị các viết thương, viêm xương có kết quả rất tốt.

Nguyễn Tiến Hải dùng dầu mù u điều trị thành công lộ tuyến viêm cổ tử cung.

Ngoài công dụng làm thuốc, dầu mù u còn được nhân dân dùng thắp đèn, có thể dùng nấu xà phòng. Gỗ mù u dùng đóng thuyền và làm cột buồm.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

Tra cứu theo "Phân loại bệnh":

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]