MỘC TẶC - 木贼
Còn gọi là tiết cốt thảo, mộc tặc thảo, bút đầu thái, cỏ tháp bút.
Tên khoa học Equisetum arvense L.
Thuộc họ Mộc tặc (Equisetaceae).
Mộc tặc - Equisetum arvense
Mộc tặc (Herba Equiseti arvensis) là toàn cây mộc tặc phơi khô.
Vì cây có đốt lại ráp, dùng để đánh gỗ cho nhẵn, do đó có tên là mộc tặc ("mộc" là gỗ, "tặc" là giặc, giặc đối với gỗ).
A. MÔ TẢ CÂY
Mộc tặc là một loài cỏ sống lâu năm, thân rễ dài, có đốt, nằm sâu dưới đất (60-80cm), xuất hiện lên mặt đất hai thứ cành, cành bất thụ và cành hữu thụ.
Cành bất thụ xuất hiện sau và dài hơn cành hữu thụ, có thể dài đến 20-30cm, chia thành từng dóng, mang ở mỗi mấu 1 vòng lá nhỏ hình sợi đính liền vào nhau tại phía gốc thành 1 thứ bẹ ôm lấy cành. Cành có thể có nhiều nhánh con, những nhánh này cũng mọc vòng từ các mấu. Các dóng của cành đều rỗng, chỉ ở ngang mấu thì dày, phía ngoài có nhiều rãnh dọc mỗi rãnh ứng với một lỗ khuyết trong phần vỏ.
Cành hữu thụ (xuất hiện trước cành bất thụ vào đầu mùa Xuân) thường màu nâu không phân nhánh, mang nhiều vòng bào tử diệp xếp xít lại phía đầu cành thành một bông trông giống đầu nhọn bút lông.
Ngoài cây Equisetum arvense nói trên, ở vùng Sapa (Lào Cai) và một số vùng lạnh khác trong nước ta, tại những nơi ẩm ở ven bờ sông, còn gặp một loài mộc tặc nữa gọi là Equisetum debile Roxb, cùng họ.
B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN
Trong nước ta có mọc ở nhiều nơi, nhưng ít chú ý dùng làm thuốc. Hái toàn cây về, bó lại thành từng bó con phơi khô. Mùa thu hái vào tháng 9-10.
C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Trong mộc tặc có các axit silixic, chất béo, phytosterol, axit equisetic, chất saponin, gọi là equisetonin, các chất ancaloit equisetin và nicotin.
Ngoài ra còn có equisetrin (glucozit) C27H30O16 và isoquexitrin C21H20O12.
Trong mộc tặc Equisetum arvense L. có các hợp chất flavon, saponin, và một ít ancaloit:
1. Các hợp chất flavon có izoquexitrin, equisetrin, kaempferol 7-diglucozit, satragalin, populnin, kaempferol 3,7 diglucozit (Hegnauer R. Chemotaxonomie der Pflanzen (I) 1962, 247, 476 và Saleh N. A. M. et al. Phytochemistry 1972, II, 1095).
2. Các saponin: Equisetonin 1-5% thủy phân cho arabinoza, fructoza và equisetonigenin C27H48O6, ngoài ra còn có một chất phá huyết khác (Hegnauer R.).
3. Các ancaloit: 0,00004-0,002% nicotin, palustrin, equisetin C17H31O2N3, nhưng cũng có tác giả không xác nhận có palustrin.
Trong bào tử mộc tặc người ta chiết được articulatin C12H22O13 và một lượng nhỏ izoarticulatin. Thủy phân articulatin ta sẽ được glucoza và một genin có công thức C15H12O8. Ngoài ra trong bào tử còn một axit gọi là axit equisetolic (Bonnett R. et al. Phytochemistry 1972, II, 2801).
Trong mộc tặc Equisetum hiemale L. người ta cũng chiết được một lượng nhỏ nicotin, dimetylsulfon (CH3)2SO2, axit cafeic, độ tro18,2% (Hegnauer R. Chemotaxonomie der Pflanzen III, 1964, 251), một ít tanin và saponin (Trung Quốc kinh tế thực vật chí 1961, 1630). Ngoài ra còn 3 loại flavon là kaempferot 3,7 - diglucozit, kaempflerol 3 - glucozit, 7-diglucozit (Saleh N. A. M. et al. Phytochemistry 1972, II, 1095).
D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Tính chất theo tài liệu cổ: Vị ngọt hơi đắng tính bình, vào 3 kinh Phế, Can và Đảm. Có tác dụng giải cơ, cầm máu, tan màng mắt. Dùng chữa mắt đau chảy nước mắt, trĩ, huyết lỵ, băng trung.
Mộc tặc là một vị thuốc dùng trong nhân dân, có tác dụng lợi tiểu và cầm máu, dùng trong bệnh chảy máu ruột và bệnh trĩ, còn dùng chữa đau mắt, ho hen, lỵ ra máu.
Liều dùng mỗi ngày 5-15g dưới dạng thuốc sắc.
Đơn thuốc có mộc tặc: Mộc tặc 15g, phù bình 10g, xích đậu 100g, táo đen 6 quả, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày; chữa bệnh phù thũng viêm thận do bệnh ngoài da (Bài thuốc kinh nghiệm của Diệp Quyết Tuyền).
Chú thích: Ngoài vị mộc tặc nói trên, trong Đông y còn dùng cây Equisetum hiemale L. cùng một công dụng.
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.