CẨM XÀ LẶC
Còn gọi là mỏ quạ, mỏ ó, găng cơm, găng vàng, găng sơn, găng cườm, thiết thỉ mễ (Trung Quốc).
Tên khoa học Canthium parvifolium Roxb.
Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Cẩm xà lặc - Canthium parvifolium
Cẩm xà lặc là tên vỏ cây này được xuất bán cho Trung Quốc. Tên này phổ biến ở tỉnh Quảng Bình là nơi được khai thác thu mua để xuất. Tại những nơi khác tên mỏ quạ, mỏ ó phổ biến hơn. Cũng có nơi gọi là cây găng. Tên mỏ quạ còn dùng để chỉ một cây khác (xem vị này) cần chú ý tránh nhầm.
A. MÔ TẢ CÂY
Cẩm xà lặc là một cây nhỏ có gai dài từ 0,3-5,0cm, hai đầu quặp lại gần giống như mỏ quạ, phía gốc gai có lông. Lá hình trứng thuôn dài mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông trên đường gân, phiến lá dai, cuống rất ngắn. Hoa màu vàng họp thành chùm ở kẽ lá từng 2-8 hoa. Cánh hoa 2-3mm. Quả hạch hình cầu đường kính 8-10mm khi chín có màu vàng nhạt trong có 2 ngăn mỗi ngăn chứa 1 hạt. Mùa hoa và quả vào tháng 10-12.
B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN
Mọc hoang ở khắp các tỉnh miền Bắc nước ta, đôi khi được trồng làm hàng rào vì rất nhiều gai nhọn. Còn thấy mọc ở Hoa Nam, Trung Quốc, các nước nhiệt đới châu Á.
Thường người ta đào rễ bóc lấy vỏ phơi khô để xuất. Trước đây thu hái cả cành. Quả dùng để giặt quần áo thay xà phòng.
C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu.
Sơ bộ thấy có ancaloit và saponozit.
D. TÁC DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Chưa rõ Trung Quốc mua vỏ rễ về để làm gì, số lượng mua cũng còn ít chưa đáng chú ý.
Trong nhân dân thường dùng quả thay xà phòng để giặt quần áo, tơ, lụa không chịu được kiềm của xà phòng.
Vỏ quả rất đắng muốn ăn thì phải loại bỏ vỏ.
Vỏ thân và vỏ cành dùng chữa lỵ. Dùng dưới dạng thuốc sắc. Mỗi ngày dùng 5-10g.
Lá cây này được dùng giã nát đắp lên vết thương, nhưng ít được dùng hơn lá cây mỏ quạ thuộc họ Dâu tằm (xem vị này).
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.