BÒN BỌT - 毛果算盤子 (毛果算盘子)
Còn gọi là toán bàn tử, chè bọt (Xuân Mai - Hà Tây).
Tên khoa học Glochidion eriocarpum Chaimp.
Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Bòn bọt - Glochidion eriocarpum
Tên bòn bọt có thể do cây được nhân dân dùng chữa bệnh trẻ em đi ỉa có bọt. Cũng có thể do cây lắc với nước cho nhiều bọt.
A. MÔ TẢ CÂY
Bòn bọt là một loại cây nhỏ, lá mọc so le, cành non có màu đỏ tím, rất nhiều lông ngắn, trắng, cành già có màu xanh nhạt. Phiến lá nguyên, hình trứng, thuôn, đáy lá tròn, đầu lá thuôn nhọn, dài 6-8cm, rộng 2-3cm, hai mặt phiến có nhiều lông ngắn, màu trắng, mặt dưới nhiều lông hơn, thoạt trông giống như lá mơ lông. Cuống lá ngắn 1-1,5mm, có 2 lá kèm nhỏ hình như 2 gai nhọn, mềm. Hoa rất nhỏ, đơn tính, mọc ở kẽ lá, thành cụm 3 hay 4 hoa một, 1 hoa đực, 2 hay 3 hoa cái. Hoa đực có cuống ngắn, màu trắng, dài 5mm, với 6 lá đài màu vàng nhạt. Đường kính của lá đài chỉ chừng 5mm, trên lá đài cũng có nhiều lông nhỏ màu trắng. Hoa cái không có cuống, nhỏ hơn. Quả hình bánh xe, khi chín có màu đỏ, 4 đến 5 lá noãn. Mùa hoa vào các tháng 3-4.
B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN
Mọc hoang ở khắp nơi, nhưng hiện nay mới thấy khai thác ở Bắc Giang (Hà Bắc). Hái cành và lá về phơi khô, để dành khi cần dùng đến. Không cần chế biến gì đặc biệt.
C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu.
Sơ bộ nghiên cứu, chúng tôi thấy có saponin, loại sterolic tanin. Những chất khác chưa rõ (tác giả Đỗ Tất Lợi, 4-1964).
Trong một loài bòn bọt Glochidion macrophyllum Benth., người ta chiết được friedelan 3-ol, glochidon C30H48O, glochidonol C30H48O2, glochidion C30H50O2, β sisosterol. Lá chứa 3 β friedelan, β sitosterol (J. Chem. Soc. (C), 1971, 1004 và Phytochemistry 1970, 9, 1099).
D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Có nơi dùng lá giã vắt lấy nước uống, bã đắp lên vết rắn độc cắn. Nếu chưa cứng hàm có thể nhai nuốt nước. Chỉ mới thấy dùng trong phạm vi nhân dân.
Mới đây, Bệnh viện Quân y 108 và Bệnh viện Bắc Giang dùng chữa một số trường hợp phù thận do thiếu dinh dưỡng và phù suy tim có kết quả. Tuy những trường hợp theo dõi chưa nhiều, nhưng cách dùng đơn giản, kết quả rất khả quan.
Cách dùng như sau: 100g lá bòn bọt khô, sắc với 900ml nước, cô còn lại 300ml. Ngày dùng trung bình 100ml nước sắc tương đương với hơn 30g lá khô.
Đã dùng điều trị 11 trường hợp phù thận kinh, khỏi phù 9 ca, còn 2 ca chết do phù toàn thân có cổ trướng bị phù đi, phù lại nhiều lần, lâu ngày urê huyết đã lên tới trên 1g/lít; chữa 8 ca phù suy tim khỏi 3, không khỏi 4, 1 ca chết do bệnh van tăng mạo vào viện đã nặng và chết sau 2 ngày vào viện; điều trị 3 ca do phù thiếu dinh dưỡng, khỏi cả 3.
Các tác giả đã đi tới kết luận rằng bòn bọt có tác dụng lợi tiểu rõ rệt, đặc biệt trên phù thận kinh và phù do thiếu dinh dưỡng, làm phù rút nhanh chóng (thường có tác dụng từ ngày thứ 2 thứ 3 trở đi); sau khi rút hết phù, số lượng nước tiểu có rút xuống, nhưng không phù trở lại; trên phù thận sau khi khỏi phù, trong nước tiểu vẫn còn những chất bất thường, tuy định lượng có giảm hơn so với lúc chưa điều trị. Phù suy tim cho kết quả thất thường, đối với trường hợp suy tim mới, còn bù trừ được thì có kết quả, còn trong phù do suy tim lâu do các bệnh van tim thì không thấy có kết quả. Thời gian rút phù trung bình là 15 ngày với những ca phù toàn thân, là 7 ngày với những ca phù nhẹ ở chân và mặt.
Các tác giả nhận xét không thấy biến chứng gì khác về lâm sàng trong khi sử dụng bòn bọt (Lê Quang Mỹ và Huệ Liên, Bệnh viện Bắc Giang, Y học thực hành 8-1963).
Cần chú ý nghiên cứu thêm.
Chú thích:
- Có tác giả xác định cây này là Glochidion volutinum Wight. Cần phải kiểm tra lại.
- Trung Quốc còn dùng cây Glochidion puberum (L.) Hutch, cùng họ, cùng công dụng.
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.