Hỏi đáp

Ý dĩ nhân - Thuốc Nam hay thuốc Bắc?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 28/03/2012 10:00 SA

Hỏi:

Tôi là người công tác trong ngành văn hóa, nhưng rất thích tìm hiểu về các vị thuốc Nam trong lúc rảnh rỗi. Tôi nghĩ, ngoài tác dụng chữa bệnh, các thứ thuốc vườn nhà còn là những di sản văn hóa vô cùng quý giá. Có một vấn đề cụ thể, mong được "Thuốc vườn nhà" cung cấp thông tin, đó là: "Ý dĩ nhân" là thuốc Nam hay thuốc Bắc? Vì tôi thấy vị thuốc này thường được sử dụng trong các đơn thuốc Bắc, nhưng một số người lại nói, đó là thuốc Nam. Ngoài ra, nếu có thể được xin "Thuốc vườn nhà" giới thiệu thêm về những tác dụng chữa bệnh của vị thuốc này.

Tô Thị Minh Nguyệt, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

Đáp:

ý dĩ, bồ đề chu, giao niệm chu, ý chu tử, thảo chu nhi, lão nhã chu, chân chu mễ, hạt cườm, bo bo, cườm gạo, co đuôi

Ý dĩ vốn mọc hoang ở khắp các miền rừng núi nước ta, thường thấy ở những nơi ẩm ướt như bờ suối, bờ khe, bãi bồi ven sông, ... Hiện nay, do nhu cầu trong và ngoài nước tăng nhiều, thu hoạch cây mọc hoang không đủ và tốn nhiều công sức, nên đã được trồng ở nhiều nơi.

"Ý dĩ nhân" tức "hạt ý dĩ", là vị thuốc rất thông dụng trong Đông y học. Khi đề cập tới vị thuốc này, nhiều người thường nghĩ rằng, đó là "vị thuốc Bắc", nghĩa là bắt nguồn từ Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, đó là một vị thuốc được phát hiện, từ kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian của người Việt Nam ta thời xưa.

Như "Hậu Hán thư. Mã Viện liệt truyện" có ghi lại sự việc: Vào thời Đông Hán, danh tướng Mã Viện, hiệu là Phục Ba tướng quân, từng phụng mệnh vua Quang Vũ Đế Lưu Tú nhà Hán, thống lĩnh quân đội đi viễn chinh Giao Chỉ (tức miền Bắc Việt Nam ngày nay). Khi đó đang là mùa trưởng hạ (cuối Hè), thời tiết ở Giao Chỉ vô cùng nóng bức và ẩm thấp.

Do không quen thủy thổ, quân sĩ bị mắc một thứ "bệnh chướng khí" cực kỳ quái lạ, đầu tiên chân tay bị tê, đau, trong đó có rất nhiều trường hợp hai chân bị phù. Sau đó toàn thân bị phù nề, kèm theo khó thở, nôn mửa, ỉa chảy, ... Thậm chí, rất nhiều binh sĩ bị suy kiệt và chết, ... Mã Viện bèn phái người đi tìm hiểu kinh nghiệm chữa bệnh của dân ở địa phương.

Cuối cùng đã tìm được một phương thuốc dân gian đơn giản, mà rất hiệu nghiệm: Chỉ cần dùng một thứ hạt sẵn có ở địa phương, đem nấu cháo hoặc nấu cơm ăn, là có thể chữa khỏi căn bệnh chướng khí quái lạ. Để phòng bệnh tái phát, sau đó Mã Viện lại hạ lệnh, tiếp tục sử dụng ý dĩ làm lương thực. Vì cho rằng, thứ hạt này còn có thể phòng ngừa được bệnh.

Khi trở về nước, Mã Viện đã chở theo một xe đầy, toàn hạt ý dĩ, để về nước trồng. Một số gian thần trong triều khi đó đã đố kỵ, bịa chuyện vu khống, tâu lên Quang Vũ Đế, rằng Mã Viện đã mang về làm của riêng cả một xe đầy "minh chu văn tê" (tức ngọc quý và sừng tê giác), gọi là "minh chu" vì hạt ý dĩ cũng trắng tròn giống như viên ngọc; còn "văn tê" là thứ sừng tê giác có vân, thuộc loại tốt nhất. Giao Chỉ thời đó, là nguồn cung cấp trân châu và sừng tê giác chủ yếu cho nhà Hán. Để minh oan, Mã Viện bèn đổ cả xe ý dĩ xuống sông Ly Giang ở Quế Lâm. Về sau, dân quanh vùng gọi trái núi ở bên khúc sông đó, là núi Phục Ba (Phục Ba sơn). Ngày nay, trái núi Phục Ba đã trở thành một điểm du lịch, thắng cảnh nổi tiếng ở Quế Lâm.

Căn bệnh "chướng khí" mà quân sĩ Mã Viện bị nhiễm thời đó, được Đông y gọi là "cước khí", vì thường bắt đầu phát từ dưới chân ("cước" = chân, "khí" = bệnh chướng khí, không hợp thủy thổ).

Còn ở Châu Âu, năm 1897, Eijkman (người Hà Lan), đã phát hiện có thể sử dụng cám để chữa cước khí. Về sau Eijkman đã chiết xuất được vitamin B1từ cám, có tác dụng đặc trị cước khí. Nhờ phát minh này, về sau Eijkman đã được trao giải Nô-ben Y học. Sau khi phát minh ra vitamin B1, Tây y bắt đầu gọi "cước khí" là "bệnh thiếu vitamin B1" (beriberi); còn trường hợp "cước khí xung tâm", nghĩa là suy tim do cước khí, thì gọi là "bệnh tim do cước khí" (beriberi cardiopathy).

Ý dĩ có tác dụng chữa trị và phòng ngừa cước khí, là vì hàm lượng vitamin B1 trong ý dĩ rất cao (mỗi 100g ý dĩ có chứa tới 33mg vitamin B1). Ý dĩ còn là loại lương thực có giá trị dinh dưỡng rất cao, thường được sử dụng để bồi dưỡng cho người cao tuổi, trẻ nhỏ bị suy nhược và phụ nữ sau khi sinh đẻ. Hàm lượng chất đạm (protein) trong ý dĩ (13-14%) lớn gấp 2 lần gạo tẻ (6-7%), trong đó có các acid amin như lencine, lysine, arginine, tyrosine, ...

Ngoài ra ý dĩ còn chứa nhiều nguyên tố vi lượng và hoạt chất sinh học có giá trị khác như coixol (ý dĩ tố), coixenolide, ... Chính vì vậy, ý dĩ đã được giới khoa học tôn vinh là "vị hoàng đế trong thế giới các cây họ lúa".

Do được sử dụng suốt từ xưa tới nay, nên ý dĩ có rất nhiều tên gọi khác nhau như "bồ đề chu", "giao niệm chu", "ý chu tử", "thảo chu nhi", "lão nhã chu", "chân chu mễ". Ở nước ta, tại miềm Bắc ý dĩ thường được gọi là "hạt cườm", "bo bo", miền Nam thường gọi là "cườm gạo", dân tộc Thái gọi là "co đuôi", ...

Theo Đông y: Ý dĩ có vị ngọt nhạt (cam, đạm), tính mát (lương); vào 3 kinh Tỳ, Phế và Thận. Một số y gia cho rằng, vào 3 kinh Tỳ, Vị và Phế. Có tác dụng kiện tỳ (xúc tiến chức năng tiêu hóa), bổ phế (bổ tạng phế), thanh nhiệt, lợi thấp. Dùng trị thủy thũng, cước khí, tỳ hư tiết tả, thấp tý, gân mạch co quắp, co duỗi khó khăn, phế nuy (teo phế nang), phế ung (ápxe phổi), tràng ung (ápxe đường ruột), lâm trọc (tiểu tiện đục, nước tiểu nhỏ giọt), bạch đới (phụ nữ khí hư ra nhiều), ...

Để chữa trị "tỳ hư tiết tả" (tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa) thường sử dụng hạt ý dĩ sao, phối hợp với bạch truật, phục linh, sơn dược, bạch biển đậu và khiếm thực, để tăng cường tác dụng "kiện tỳ trừ thấp".

Để chữa trị thủy thũng, tiểu tiện khó khăn, thường dùng ý dĩ sống, phối hợp vơi xa tiền tử, trư linh, phục linh, trạch tả, để tăng thêm tác dụng "lợi thủy trừ thấp".

Để chữa trị thấp cước khí, cẳng chân sưng thũng đau nhức, thường phối hợp thêm với mộc qua, ngưu tất và tân lang.

Một số bài thuốc có sử dụng ý dĩ:

    (1) Thuốc bổ chữa lao lực: Hạt ý dĩ 5g, mạch môn đông 3g, tang bạch bì (vỏ trắng rễ cây dâu tằm) 3g, bách bộ 3g, thiên môn đông 3g; nước 600ml sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

    (2) Thuốc bổ tỳ, chữa tiêu chảy: Hạt ý dĩ 30g, hạt mã đề 16g, sắc nước uống trong ngày. Chuyên trị tỳ hư (chức năng tiêu hóa yếu), bụng trướng đầy, ỉa chảy (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).

    (3) Chữa bệnh phổi, nôn ra máu: Hạt ý dĩ 40g, nước 400ml (2 bát) sắc còn 1 bát (200ml); thêm ít rượu vào uống làm 2 lần trong ngày; uống liền 10 ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

    (4) Thiên kim vĩ kinh thang: Hạt ý dĩ 60g, lô căn (rễ cây lau) 30g, đông qua nhân (hạt bí đao) 20g, đào nhân (nhân hạt đào) 7g; sắc nước uống trong ngày. Chuyên trị chứng phế ung, hoại thư phổi, ho thổ ra mủ hôi tanh (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).

    (5) Chữa tiểu tiện ra sỏi: Hạt ý dĩ 20g, nước 600ml, sắc còn 200ml; uống liên tục đến khi thấy tiểu tiện bình thường là được (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

    (6) Chữa viêm bàng quang, viêm niệu đạo, sỏi tiết niệu - đái rắt, niệu đạo đau buốt, nóng rát: Dùng toàn bộ cây ý dĩ tươi (thân, lá và rễ) 250g; sắc với nước, chia thành 2-3 phần uống trong ngày (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).

    (7) Chữa tê thấp: Hạt ý dĩ 40g, phổ thục linh 20g; nước 600ml sắc còn 200ml; chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống liền 10 ngày nếu thấy tiểu tiện nhiều là bệnh giảm (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

    (8) Ma hoàng hạnh nhân ý dĩ cam thảo thang: Ma hoàng 9g, hạnh nhân 9g, hạt ý dĩ 16g, cam thảo 8g; sắc nước uống trong ngày. Chuyên trị phong thấp, toàn thân đau nhức, về chiều bệnh nặng thêm (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).

    (9) Chữa phụ nữ khí hư (đới hạ) quá nhiều: Dùng rễ cây ý dĩ 30g, hồng táo (táo tầu) 12g; sắc với nước, chia thành 2-3 phần uống trong ngày (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).

    (10) Chữa phụ nữ kinh nguyệt không thông (loại trừ trường hợp có thai): Dùng rễ cây ý dĩ 30g tươi (hoặc 12g khô); sắc nước uống trong ngày; trước mỗi chu kỳ uống 3-5 thang (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
Tran quoc lo (20/09/2016 03:15 SA)

Cho em hoi muon trong cay y .nhung khobg biet mua o dau. Em trong de lam thuoc tu thien. Vay cho muon mua thi mua o dau

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]