Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Vị thuốc "Lộc giác giao" và "Khổ sâm lá"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 30/01/2012 07:34 CH

Hỏi:

Tôi xin hỏi "Thuốc vườn nhà" hai việc:

(1) Trong bài thuốc "Thần tiên tửu" có vị thuốc "Lộc giác giao". Vậy lộc giác giao là gì? Thành phần và cấu tạo ra sao? Có thể mua hoặc kiếm ở đâu?

(2) Tôi có người em bị đau dạ dày kinh niên. Có người mách dùng lá khổ sâm một nắm, nhai kỹ nuốt nước, kèm theo 1 thìa cà phê mật ong; mỗi ngày uống 1 lần, liệu trình 3 ngày. Vậy có đúng là cây khổ sâm còn gọi là "cây sâm đất", thân gỗ, cao từ 1,5-3m, lá mọc so le, mặt trên xanh đậm, mặt dưới trắng bạc hay không?

Nguyễn Đề, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Đáp:

nhung hươu, sừng hươu

(1) "Lộc giác giao" là thứ cao nấu từ sừng hươu ("lộc" = con hươu, "giác" = sừng, "giao" = cao). Tên "lộc giác giao" thường được sử dụng trong các đơn thuốc của Trung Quốc. Tại các hiệu thuốc Đông y ở nước ta, những người bán thuốc thường gọi là "cao ban long", vì hươu còn có tên là "ban long". Thời xưa, hươu được suy tôn là con vật thiêng liêng như rồng; "ban" = đốm, "long" = rồng, "ban long" = con rồng có đốm.

Thành phần chủ yếu của cao ban long là keratin, một chất cùng loại với chất gelatin. Trong cao còn có nhiều loại axit amin như axit glutamic, lysin, xystein, leuxin và tyrosin, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa các chức năng sinh lý và sự phát triển của cơ thể.

Trong Đông y: Lộc giác giao thường được sử dụng làm thuốc bổ, bồi dưỡng cơ thể sau khi ốm nặng, làm thuốc cầm máu - dùng trong các trường hợp thổ huyết, ho ra máu, dạ dày và ruột chảy máu, tử cung xuất huyết, kinh nguyệt quá nhiều; còn dùng chữa chứng đi tiểu nhiều lần, mồ hôi trộm, chân tay đau nhức.

Để chữa ho, ho khan, ho ra máu, thường cắt cao thành từng miếng nhỏ, nhai, ngậm cho tan dần trong miệng. Cũng có thể ăn với cháo hoặc hòa tan trong rượu, hâm nóng lên uống. Liều dùng hàng ngày: 5-10g, có thể dùng tới 20g. Từ 1kg sừng hươu loại tốt, nói chung chỉ nấu được khoảng 200-250g cao nguyên chất, mà trữ lượng sừng hươu hiện nay lại không còn nhiều. Do đó lộc giác giao đã trở thành vị thuốc quý hiếm, hay bị làm giả, ngay người có kinh nghiệm cũng khó có thể phân biệt chính xác cao giả và cao thật. Vì vậy, cần tìm mua ở những nơi thật đáng tin cậy.

khổ sâm dùng lá, khổ sâm Bắc Bộ, cù đèn, co chạy đón, khổ sâm, Croton tonkinensis Gagnep

(2) Khổ sâm có 2 loại: Khổ sâm dùng rễ và khổ sâm dùng lá. Vị thuốc chữa đau dạ dày mà bạn quan tâm là "khổ sâm dùng lá". Cây còn có tên là "khổ sâm Bắc Bộ", "cù đèn", "co chạy đón" (Thái). Trong các sách thuốc mà chúng tôi có trong tay, không thấy có tên là "sâm đất", nhưng theo mẫu lá bạn gửi kèm theo thư, đó chính là "khổ sâm dùng lá"; cây có tên khoa học là Croton tonkinensis Gagnep, thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Trong dân gian, trước kia lá khổ sâm thường được dùng để chữa đau bụng không rõ nguyên nhân: Hái mấy lá nhai với vài hạt muối; nếu kèm theo nôn và sôi bụng thì nhai với một lát gừng tươi; còn dùng chữa đau bụng lâm râm, sau khi ăn đau bụng, khó tiêu, kiết lỵ, mẩm ngứa, ...

Vài chục năm gần đây, cây được nhiều người chú ý do tác dụng chữa đau dạ dày. Ngoài cách sử dụng như bạn viết trong thư, còn có thể sử dụng theo một số phương pháp như sau:

    - Lá khổ sâm 24-40g (lá khô sao vàng), thêm 600ml nước (3 bát), sắc còn 1 bát (200ml), chia 2-3 lần uống trong ngày, uống 15-30 phút trước bữa ăn. Có tác dụng chữa đau dạ dày, giúp ăn ngon cơm, tăng cường tiêu hoá.

    - Phối hợp với lá khôi và bồ công anh: Dùng lá khổ sâm 12g khô, lá khôi (Ardisia sylvestris) 50g khô, lá bồ công anh (Lactuca indica) 20g khô; cho tất cả vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi, cô đặc còn chừng 200ml, chia làm 2-3 lần uống trong ngày; uống liên tục trong 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày lại uống tiếp. Cứ như vậy cho đến khi khỏi. Sau khi hết đau, uống thêm một tuần nữa để củng cố. Với những người hay đi ỉa lỏng, cần thêm vào đơn thuốc trên 3 lát gừng sống.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]