Hỏi:
Da tôi mùa Xuân và mùa Hạ bình thường; nhưng tới mùa Thu và mùa Đông, thì rất khô, hay bị nứt nẻ, bong vảy rất nhiều. Tôi đã sử dụng nhiều loại tân dược mà bệnh không chuyển biến. Vì vậy, mong được "Thuốc vườn nhà" tư vấn giúp về một số loại Đông dược thông dụng, có thể mua được ở hiệu thuốc, có tác dụng chống khô da trong mùa Thu Đông và hướng dẫn cho cách sử dụng.
N.B.M, Bắc Ninh
Đáp:
Cám
Như chúng ta biết, lớp sừng tuy được coi là lớp ngoài cùng của da, nhưng thực tế trên bề mặt của nó còn có một màng mỡ, tựa như một lớp sơn mỏng phủ trên mặt tường. Màng mỡ - "lớp sơn" đó, do các chất phân tiết từ tuyến mồ hôi và tuyến bã tạo thành, tuy rất mỏng, nhưng có tác dụng sinh lý rất lớn.
Một trong những chức năng quan trọng của màng mỡ, là làm giảm lượng nước bốc hơi, để duy trì độ ẩm cần thiết cho da. Trường hợp màng mỡ quá mỏng, sẽ xuất hiện tình trạng da khô; khiến lớp sừng tóp lại, nhăn nheo như vỏ quít, tạo nên những vết nứt, nếp nhăn trên da. Đối với người da khô, màng mỡ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu như khi tắm gội người da nhờn phải tẩy rửa cho sạch màng mỡ, thì người da khô lại cần phải giữ gìn như một "bảo bối".
Theo Đông y, hiện tượng da khô thường là do các tình trạng bệnh lý, mệnh danh là "huyết hư phong táo" và "khí trệ huyết ứ" gây nên. Để chữa trị, có thễ căn cứ vào những biểu hiện (triệu chứng) cụ thể để nhận biết, xác định chứng trạng (thể bệnh) và chọn dùng một số loại thảo dược như sau:
1. Thể "huyết hư phong táo":
- Ngoài hiện tượng da khô, còn kèm theo những biểu hiện khác như chóng mặt, váng đầu, hoa mắt, trống ngực, bồn chồn, mất ngủ, móng chân móng tay nhợt nhạt, miệng khô khát và uống nhiều nước, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn, ...
- Để chữa trị có thể sử dụng bài thuốc sau: Nhân sâm 8g, bạch truật 10g, phục linh 10g, cam thảo 4g, đương quy 12g, sinh địa hoàng 20g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g, hoàng kỳ 12g, quế chi 8g; sắc nước uống trong ngày.
- Bài thuốc trên có tác dụng dưỡng huyết trừ phong, phòng ngừa khô da do "huyết hư".
2. Thể "khí trệ huyết ứ":
- Ngoài hiện tượng da khô, còn kèm theo những biểu hiện khác như môi và móng tay chân tím tái, hay đau nhức, dễ cáu giận, miệng khô nhưng không muốn uống nước, hai mắt thâm quầng, chất lưỡi tối có điểm ứ huyết, ...
- Có thể sử dụng bài thuốc: Đào nhân 12g, hồng hoa 9g, đương quy 9g, sinh địa hoàng 9g, xuyên khung 5g, xích thược 6g, ngưu tất 9g, cát cánh 5g, sài hồ 3g, chỉ xác 6g, cam thảo 3g; sắc nước uống trong ngày.
- Bài thuốc trên có tác dụng hành khí hoạt huyết, phòng ngừa da khô do "khí trệ huyết ứ".
Ngoài dùng thuốc, để phòng khô da, nên tăng thêm những thức ăn giàu vitamin A như cà rốt, bơ, dầu cá, rau xanh và gan lợn. Tránh ăn nhiều các thứ kích thích cay nóng. Cần mặc áo quần cho đủ ấm, tránh để gió lạnh kích thích lên da. Không nên tắm quá kĩ, tắm xong có thể bôi thêm loại dầu dưỡng da giữ độ ẩm, ...
Đặc biệt, người da khô không nên tắm nước quá nóng (trên 30 độ C) và không nên dùng loại xà phòng có độ kiềm cao. Nước nóng và xà phòng sẽ tẩy hết màng mỡ bảo vệ trên mặt da, khiến da bị khô căng, giảm sức đề kháng và dễ bị ngứa. Tốt nhất nên sử dụng những loại xà phòng không có chất kiềm, hoặc dùng loại sữa tắm cho người da khô.
Nếu có điều kiện, bạn nên tự chế "nước tắm pha cám" theo cách như sau: Dùng khoảng 500g cám, cho vào một cái túi vải dày, buộc túm miệng túi lại, cho vào nồi, đổ thêm khoảng 10 lít nước, đun sôi trong khoảng 10-15 phút; vớt túi cám ra, pha thêm nước lạnh vào cho đỡ nóng rồi tắm.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.