Giải mã Đông y Dùng thuốc cần biết

Tương tác Tân dược và Đông dược - Một số vấn đề cần lưu ý

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 23/07/2013 01:51 SA

Hiện nay, chủng loại thuốc lưu hành trên thị trường hết sức đa dạng, thuốc hóa dược (Tân dược) và thuốc Bắc, thuốc Nam (Đông dược) đồng thời tồn tại. Trong tình hình đó, việc sử dụng đồng thời Tân dược và Đông dược ngày càng phổ biến. Có điều, không ít người còn chưa biết rằng, việc kết hợp Đông Tây dược một cách tùy tiện không được sự chỉ dẫn cẩn thận của thầy thuốc, trong một số trường hợp có thể dẫn đến những tác hại không nhỏ. Dưới đây là một số tác hại có thể xảy ra:

tân dược, đông dược, đông tây y kết hợp

1. Hoạt chất bị phá hoại, giảm hiệu lực hoặc mất tác dụng:

    Người bị bệnh nhiễm khuẩn, đang dùng các loại thuốc chống nhiễm khuẩn của Y học hiện đại, như các loại kháng sinh, các loại sulfonamide, ... có điều, khi uống các loại thuốc kháng khuẩn của Y học hiện đại, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, ... Để khắc phục tình trạng đó, một số bệnh nhân đã đến các phòng khám Đông y, xin các thầy lang kê đơn, cho uống thêm những loại thuốc bổ Tỳ (có tác dụng chống mệt mỏi, tăng cường tiêu hóa) mang về "uống kết hợp", để cho đỡ mệt, ...

    Tuy nhiên, một số loại thuốc bổ Tỳ của Đông y, ví dụ như "Bảo hòa hoàn", "Bảo xích tán", "Khúc truật hoàn", "Lục thần khúc tán", ... trong thành phần đều có chứa vị thuốc tên là "lục thần khúc". Hậu quả là, cả Tân dược và Đông dược đều bị mất hoặc giảm tác dụng. Lý do là, các loại men chứa trong "lục thần khúc" sẽ tác động, khiến cho tác dụng diệt khuẩn của thuốc kháng sinh và tác dụng ức chế vi khuẩn của thuốc sulfonamide bị giảm bớt hoặc mất tác dụng. Ngược lại, các loại men trong "lục thần khúc" cũng sẽ bị các hoạt chất trong thuốc kháng sinh hủy hoại, khiến cho các loại thuốc bổ Tỳ Đông dược (có lục thần khúc trong thành phần) bị mất hoặc giảm tác dụng.

    Hay như, một số người mắc bệnh dạ dày, bệnh thận, ho, ... đang chữa trị bằng Đông dược, đang sử dụng những loại thuốc có các vị thuốc "sơn tra", "sơn thù", hoặc là các phương thuốc kinh điển như "Bảo hòa hoàn", "Lục vị hoàn", "Thận khí hoàn", nếu sử dụng thêm các Tân dược như aluminum hydroxide, gastropine, sodium bicarbonate, aminophylline, ... thì cả thuốc Đông và thuốc Tây đều mất hết tác dụng. Lý do là, những loại thuốc Đông dược kể trên đều có tính acid, còn các loại thuốc Tân dược được sử dụng "kết hợp" lại có tính kiềm. Khi đồng thời sử dụng, sẽ sinh ra những "phản ứng trung hòa" khiến cho tất cả các thứ thuốc đều mất tác dụng.

    Một thí dụ khác, đó là trường hợp người cao huyết áp, đang điều trị bằng các loại Tân dược như verticil, verticilum, ... bỗng nhiên bị cảm mạo hoặc ho. Nếu họ sử dụng một số thuốc giải cảm hoặc chống ho của Đông y, như "Chỉ khái định suyễn cao" (cao chống ho suyễn), "Ma hạnh thạch cam thang" (loại thuốc chống ho kinh điển của Đông y), "Phòng phong thông thánh tán" (thuốc chữa ngoại cảm), ... thì không những tốn tiền vô ích mà còn dẫn đến phản tác dụng. Lý do là, trong thành phần của những thứ thuốc Đông y kể trên, đều có vị thuốc "ma hoàng" với hoạt chất chính là ephedrine - một chất có tác dụng làm co mạch máu và tăng huyết áp, khiến cho thuốc Tân dược bị mất tác dụng.

2. Làm tăng độc tính của thuốc:

    Nếu đang sử dụng thuốc "Xà đảm xuyên bối dịch" (chữa ho) của Đông y, lại dùng thêm các thứ Tân dược như morfine, codeine phosphate, là những thứ thuốc có tác dụng tương tự, thì độc tính của thuốc sẽ tăng lên gấp bội, có thể gây ức chế hô hấp, thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong.

    Đang sử dụng các phương thuốc Đông y như "Hương liên hoàn" (chữa tiêu chảy), "Tiểu hoạt lạc đan" (chữa đau nhức cơ xương), "Xuyên bối tỳ bà thang" (chữa ho, long đờm), mà lại dùng thêm atropine, caffeine, là những thứ thuốc có chứa những chất kiềm, thì độc tính sẽ tăng lên và có thể gây trúng độc.

    Đang sử dụng những thứ thuốc Đông y có chứa vị "bằng sa" (borax), ví dụ như "Bằng sa tán", "Sa khí hoàn", nếu uống cùng với các thứ Tân dược như gentamicin, streptomycin hoặc kanamycin, lâu ngày sẽ làm giảm khả năng bài tiết độc tố, khiến cho nồng độ thuốc tích lũy trong các tổ chức não tăng lên, có thể gây ra điếc tạm thời hoặc vĩnh viễn.

3. Gây ra những phản ứng dị thường:

    Khi sử dụng những thứ thuốc có tác dụng an thần, trấn kinh của Đông y, như "Xạ hương bảo tâm hoàn", "Cứu tâm đan", "Lục thần hoàn" cùng với thuốc propranolol (inderal), quinidine, có thể sẽ làm tim bỗng nhiên ngừng đập.

    Dùng "Hổ cốt mộc qua tửu" (chữa thấp khớp), "Nhân sâm tửu" (rượu bổ), "Thư cân hoạt lạc tửu" (chống đau nhức), cùng với các thuốc Tân dược như luminal phenobarbital, chloral hydrade sẽ dẫn đến tăng cường sự ức chế trung khu thần kinh và có thể nguy hiểm đến tính mệnh.

4. Gây thiếu máu hoặc di căn ung thư:

    Ví dụ, khi sử dụng một số thuốc dạng kết hợp nói trên, như thuốc "Tốc hiệu thương phong giao nang" (viên nang chữa thương phong rất nhanh), hay thuốc "Cảm mạo linh" (thuốc chữa cảm cúm) thì không được sử dụng những thứ thuốc Tây có chứa các thành phần hạ nhiệt và giảm đau. Nếu không, sẽ gây ra sự ức chế quá độ đối với tủy xương và dẫn đến bệnh thiếu máu ác tính tái sinh (hypoplastic anemia).

    Hay như sử dụng "Đan sâm phiến" (viên đan sâm) hoặc "Phức phương đan sâm phiến" (viên đan sâm phối hợp với những vị thuốc khác) cùng với cyclophosphamide hoặc bleomycin thì có thể kích thích sự di căn ở những người bị bệnh ung thư.

Ngoài ra, thời gian vùa qua, một số Xí nghiệp địa phương ở Trung Quốc đã sản xuất một số loại thuốc, tạm gọi là "Trung Tây kết hợp", thành phần bao gồm cả các vị thuốc Đông y truyền thống và cả những hoạt chất hoặc thuốc Tây y. Ví dụ như, "Ngân kiều tán vitamin C" là đơn thuốc thanh nhiệt giải độc của Đông y dạng bột, có trộn thêm vitamin C. Một số thuốc loại này, cũng đã lẻ tẻ xuất hiện tại một nơi ở Việt Nam. Khi sử dụng loại thuốc này, cần được sự chỉ dẫn tỉ mỉ của thầy thuốc, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được.


Lương y HUYÊN THẢO

(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]