Giải mã Đông y Dùng thuốc cần biết

Lộc nhung, cách đánh giá chất lượng và cách sử dụng (Kỳ cuối)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 07/01/2013 11:52 CH

>> Lộc nhung, cách đánh giá chất lượng và cách sử dụng (Kỳ 1)

nhung hươu

PHÂN BIỆT CHẤT LƯỢNG NHUNG THEO TUỔI SỪNG

    Ở Việt Nam, chất lượng nhung được phân loại theo độ tuổi của sừng như sau:

    1. Huyết nhung: Được coi là loại nhung quý nhất. Thân nhung ngắn, mọng máu, mềm, da hồng, đầu tù, lông rất mịn và thưa. Người ta cho rằng, trong thời điểm này, nhung đã phát triển đến cực đại về chất và lượng, nhưng chưa hóa thành sừng.

    2. Nhung yên ngựa: Là loại nhung bắt đầu phân nhánh, nhưng nhánh còn ngắn. Chỗ  phân nhánh bên dài bên ngắn trông giống yên con ngựa, nên có tên là "nhung yên ngựa". Loại này cũng được xếp vào loại nhung rất quý, vì cho rằng nhung đã phát triển đầy đủ, mà chưa thành sừng. Nếu đợi quá một thời gian nữa, một phần đã thành sừng thì kém giá trị.

   3. Nhung gác sào: Là nhung già, sừng đã phân nhiều nhánh, lông cứng và dày, đầu bè ra. Tùy theo độ già của sừng, số nhánh, lông phủ bên ngoài dài, cứng vừa phải hay thô ráp, mọc dầy hay thưa, ... mà người ta phân thành loại I, loại II, loại III. Nhung bán trên thị trường hiện nay phần lớn là nhung gác sào, chủ yếu là loại II và loại III. Muốn có "huyết nhung" hay "nhung yên ngựa", thường phải đến tận trại nuôi hươu.

    4. Nhung chìa vôi: Là nhung cắt từ con hươu, nai dưới 3 tuổi. Dù là "huyết nhung" - nghĩa là nhung còn non, nhưng khai thác ở hươu, nai chưa thật trưởng thành, nên một cặp nhung chìa vôi sau khi phơi, sấy khô chỉ nặng 40-50g, ngang nhung hoẵng.

    Trong Đông y Trung Quốc, chất lượng nhung được phân loại theo độ tuổi hơi khác nước ta:

    1. Nhung hươu sao Trung Quốc:

    Cả 2 loại "cự nhung" (nhung cưa) và "khảm nhung" (nhung chặt) đều được phân loại theo số nhánh:

        1.1. Nhung cưa (Cự nhung): Thân nhung có hình trụ tròn, thường phân thành 1-2 nhánh.

        Được đặt tên như sau:

            - Nhị giang (二杠): Là loại nhung hươu sao mới chỉ phân 1 nhánh. Trụ chính gọi là "đại đĩnh" (大挺), thường dài 14-20cm. Mặt ngoài nâu hồng hoặc nâu, phủ đầy lông mịn, lông ở phía trên tương đối rậm, lông ở phía dưới thưa hơn. Lát cắt ở gốc sừng có đường kính cỡ 3cm, nhìn chỗ cắt thấy chung quanh vẫn chưa thành xương; mùi hơi tanh, vị hơi mặn. Nhánh chẽ thường cách vết cắt khoảng 3cm, dài 10-15cm, đường kính nhỏ hơn.

            - Tam sá (三岔): Là nhung hươu sao đã phân 2 nhánh. Trụ chính (đại đĩnh) dài 24-30cm; đường kính tương đối nhỏ, nói chung không còn tròn, hơi lõm hình vòng cung; phần đỉnh hơi nhọn, phần dưới thường nổi lên những gờ dọc và một số sẹo lồi.

        Nhung lứa 2 (nhị trà nhung) hình dạng tương tự như nhung lứa đầu (đầu trà nhung) nhưng trụ chính (đại đĩnh) thường dài hơn và không tròn, hoặc dưới to trên nhỏ, phần dưới có những gờ gân ngang, lông thô, nặng hơn, không có mùi tanh.

        1.2. Nhung chặt (khảm nhung): Dính liền với xương đầu, cũng chia thành "nhị giang" và "tam sá" theo số nhánh.

    2. Nhung hươu ngựa (Mã lộc nhung):

    Còn gọi là "Thanh mao nhung". To hơn, phân nhánh nhiều hơn nhung hươu sao, màu đen xám hay hơi vàng. Cách đặt tên theo số nhánh hơi khác cách đặt tên cho nhung hươu sao:

        - "Đơn môn" (单门): Loại nhung mới chỉ có một nhánh; trụ chính (đại đĩnh) dài 23-27cm, đường kính khoảng 3cm; mặt ngoài màu xám đen, lông xám hoặc vàng nhạt, mịn mà sáng bóng (nhìn như không có lông), chất mềm; chỗ vết cắt thấy da hơi dầy.

        - "Liên hoa" (莲花): Loại nhung phân 2 nhánh; trụ chính dài 16-33cm, gần đế mặt ngoài có một số đường gân, nhưng nhung vẫn chưa già.

        - "Tam sá" (三岔): Loại phân 3 nhánh, đã tương đối già, màu thẫm.

        - "Tứ sá" (四岔): Loại phân 4 nhánh, lông thô và thưa.

    Thương phẩm bán trên thị trường chủ yếu là nhung "Liên hoa", "Tam sá" và "Tứ sá", hiếm có "Đơn môn".

SỬ DỤNG LỘC NHUNG ĐỂ BỒI BỔ

    Theo Đông y: Lộc nhung có vị mặn, tính ấm; vào các kinh Can và Thận. Có tác dụng tráng nguyên dương, bổ tinh huyết, ích tinh tủy, cường cân cốt. Dùng chữa hư lao (suy nhược nặng), cơ thể yếu gầy, tinh thần mệt mỏi, đầu choáng mắt hoa, tai ù, mắt mờ, lưng gối yếu mỏi, dương nuy (liệt dương), hoạt tinh, phụ nữ tử cung hư lãnh không thụ thai, băng lậu, đới hạ, trẻ phát triển chậm, ...

    Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lộc nhung có những tác dụng chính như sau:

    1. Tăng thể lực, chống mệt mỏi, nâng cao hiệu suất lao động và cải thiện giấc ngủ.

    2. Nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, khả năng chịu đựng trong môi trường thiếu ô-xy, nhiệt độ cao và nhiệt độ thấp.

    3. Tăng cường chức năng tiêu hóa, cải thiện dinh dưỡng, chống rối loạn chuyển hóa đạm và chuyển hóa năng lượng.

    4. Tăng lưu lượng máu qua động mạch vành tim, tăng lượng hồng cầu, bạch cầu và huyết sắc tố, ngăn chặn sự rối loạn nhịp tim, giúp huyết áp phục hồi nhanh trong trường hợp bị mất nhiều máu.

    5. Có tác dụng như một kích thích tố sinh dục; kích thích tăng trưởng (tăng chiều cao và thể trọng). Ngoài ra, còn giúp xương gãy chóng phục hồi, vết thương chóng lành, chống loét, ...

    Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng nhung hươu, nai để bồi bổ theo một số phương pháp tương đối đơn giản như sau:

    (1) Cách thứ nhất: Dùng trứng gà 1 quả, nhung hươu 1g; nhung hươu sấy khô, tán thành bột mịn; đục một lỗ nhỏ ở đỉnh quả trứng gà, nhồi bột nhung hươu vào, dùng giấy bịt kín, hấp cách thủy hoặc đặt vào nồi cơm hấp chín; mỗi sáng ăn một quả trước bữa điểm tâm.

    (2) Cách thứ hai: Lộc nhung 200g, hoài sơn (củ mài) 800g; tất cả tán thành bột mịn, trộn đều; ngày uống 2 lần (sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ), mỗi lần 3g, chiêu thuốc bằng nước ấm.

    (3) Cách thứ ba: Lộc nhung 100g, nhân sâm 100g; ngâm với 1 lít rượu, sau 20-30 ngày có thể sử dụng; ngày uống 3 lần, trước bữa ăn, mỗi lần 1 chén con (khoảng 20ml).

    (4) Cách thứ tư: Lộc nhung 50g, long nhãn 500g, hoàng kỳ 150g; ngâm với 1 lít rượu, sau 20-30 ngày có thể sử dụng; ngày uống 3 lần, trước bữa ăn, mỗi lần một chén con.


Hai vấn đề cần lưu ý:

    1. Lộc nhung là một loại thuốc bổ có tác dụng nhanh và mạnh, vì vậy mỗi lần chỉ nên sử dụng 1-2g. Khi sử dụng, nói chung nên bắt đầu từ liều thấp, sau đó tăng dần, không nên sử dụng ngay liều lớn, để tránh hiện tượng "dương thăng phong động", gây choáng đầu hoa mắt, chảy máu mũi, ...

    2. Lộc nhung là loại thuốc thuần dương, nên những người có thể tạng "âm hư hỏa vượng", không nên dùng độc vị lộc nhung (cần phối hợp thêm các vị thuốc khác); ngoài ra trường hợp bị ngoại cảm nhiệt bệnh cũng cần kiêng kỵ.


Lương y THÁI HƯ 


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]