Từ xưa, Đông y đã nhận thấy, việc dùng thuốc đối với phụ nữ đang mang thai cần rất thận trọng. Nếu không, có thể dẫn tới những hậu quả rất xấu, như khiến hoạt động sinh lý của cơ thể người mẹ bị rối loạn; gây rong huyết; gây động thai hoặc sảy thai; khiến thai nhi bị teo lại, không phát triển được; thai bị chết lưu trong bụng mẹ; khiến cho thai nhi bị dị dạng, ...
Trạch tả
Nói cách khác, thuốc có thể gây tác hại trên 4 phương diện:
1. Không có lợi đối với cơ thể người mẹ;
2. Không có lợi đối với thai nhi;
3. Không có lợi đối với quá trình sinh sản;
4. Không có lợi đối với trẻ sơ sinh.
Dùng
thuốc khinh suất đối với phụ nữ đang mang thai, có thể gây nên những
hậu quả tai hại như vậy, cho nên trong "Đông dược học" có một nội dung
mà mỗi người thầy thuốc, cũng như bệnh nhân, cần phải nắm vững, gọi là "Dựng phụ dược kỵ"; còn gọi là "Nhẫm thân dược kỵ". "Dựng phụ", "nhẫm thân", đều là những từ Hán Việt, chỉ người phụ nữ đang mang thai; "dược kỵ" là thuốc cần kiêng kỵ.
Để
thuận tiện cho việc dùng thuốc trên lâm sàng, hiện tại thuốc bất lợi
đối với thai phụ, thường được phân loại theo những cách như sau:
1. Phân loại theo tính năng của thuốc:
Nói chung, những vị thuốc có tính năng thuộc các loại: "Hoạt huyết
thông kinh", "phá khí hành trệ" (hành khí mạnh để tiêu ứ trệ), "nhuyễn
kiên tán kết" (mềm vật rắn, tan khối tích), "công trục tuấn hạ" (tẩy,
trục thủy mạnh), "hoạt lợi trọng trụy" (loại thuốc nhuận tràng, lợi tiểu
có thể gây sảy thai, sa nội tạng), "tẩu soán khai khiếu" (phát tán, lan
tỏa nhanh, mạnh trong cơ thể), đều là những thứ cần cấm kỵ trong khi
mang thai.
Cụ thể là:
- Thuốc hoạt huyết thông kinh: Tam lăng, nga truật, hồng hoa, nhũ hương, ích mẫu thảo.
- Thuốc phá khí hành trệ: Thanh bì, chỉ thực, tân lang (hạt cau), đàn hương.
- Thuốc nhuyễn kiên tán kết: Miết giáp, bối mẫu, hạ khô thảo, bán hạ, thiên nam tinh.
- Thuốc công trục tuấn hạ: Thương lục, đình lịch, nguyên hoa, khiên ngưu tử (hạt bìm bìm), đại hoàng.
- Thuốc hoạt lợi trọng trụy: Tỳ ma tử (hạt thầu dầu), đông quỳ tử, du bạch bì, hoạt thạch, xa tiền tử (hạt mã đề), mộc thông, từ thạch, mông thạch.
- Thuốc tẩu soán khai khiếu: Xạ hương, băng phiến, tô hợp hương.
2. Phân loại theo đối tượng tác dụng:
Gây tác hại đối với người mẹ hoặc bào thai.
Trong đó đại bộ phận là các thứ thuốc gây tổn hại đối với cơ thể người mẹ.
-
Thuốc gây tổn hại đối với cơ thể người mẹ, làm mất khả năng tiếp tục
nuôi dưỡng thai nhi, khiến quá trình mang thai bị gián đoạn, bao gồm các
vị: Hồng hoa, ý dĩ nhân, nguyên hoa, tam lăng, thông thảo, thường sơn, hoạt thạch, qua lâu căn, đại hoàng.
- Thuốc gây tổn hại trực tiếp tới bào thai, cản trở quá trình phát dục của thai nhi, bao gồm: Bán hạ (làm thai bị tổn thương), ba đậu (làm nát thai), ngô thù du (khiến thai bị nhiễm độc).
3. Phân chia theo hậu quả:
Thuốc có thể gây nên những hậu quả, như sát thai (làm chết thai nhi),
đọa thai (gây trụy thai), hoạt thai (gây động thai), độc thai (khiến
thai bị nhiễm độc).
Một số vị thuốc cụ thể:
- Thuốc sát thai: Ba đậu, thủy ngân.
- Thuốc đọa thai: Nguyên hoa, cam toại, đại kích, khiên ngưu (hạt bìm bìm), vương bất lưu hành, xuyên sơn giáp, bổ cốt chi, lưu hoàng, đào nhân.
- Thuốc hoạt thai: Xa tiền tử (hạt mã đề), đông quỳ tử, hòe thực, trạch tả.
- Thuốc gây độc thai: Uất lý nhân, thanh cao, tế tân, tân lang.
4. Phân theo cường độ:
- Thuốc cấm dùng, bao gồm những vị thuốc có độc tính tương đối mạnh và
có dược tính mãnh liệt, có thể khiến cơ thể người mẹ và bào thai tổn
thương nghiêm trọng, khiến thai bị chết hoặc sảy thai, như thủy ngân,
phê sương, ba đậu, đại kích, thương lục, lê lô, ô đầu, tích phấn, ...
- Thuốc cần thận trọng, bao gồm những vị thuốc có độc tính tương đối
thấp và có dược tính tương đối hoãn hòa. Bao gồm một số vị thuốc trong
loại thuốc hoạt huyết hành khí, công hạ lợi thủy, nhuyễn kiên tán kết,
tẩu soán trọng trụy, như hồng hoa, đào nhân, tân lang, thanh bì, đại
hoàng, trạch tả, mẫu lệ, khổ sâm, tế tân, ...
- Đối với loại thuốc phải thận trọng khi sử dụng, cần theo đúng phương châm dùng thuốc hữu hiệu và an toàn. Cụ thể, cần căn cứ vào bệnh tình mà cân nhắc xem có cần phải sử dụng hay không. Nếu cần dùng, phải chú ý "biện chứng thi trị" thật chính xác, dùng thuốc đúng liều lượng và đúng liệu trình (thời gian sử dụng). Các vị thuốc phải được bào chế và phối ngũ (phối hợp các vị thuốc trong thang thuốc) một cách thích đáng, để có thể giảm thiểu tối đa những tác hại đối với thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, để phòng tránh phát sinh sự cố, trừ phi không dùng không được, còn nói chung nên tránh sử dụng những vị thuốc mà người xưa cảnh báo là cần thận trọng. Còn đối với những vị thuốc thuộc loại cấm dùng, thì tuyệt đối không được sử dụng.
Trên đây mới chỉ liệt kê những vị thuốc tương đối thông dụng. Thời xưa, trong sách "Bản thảo cương mục"
của Lý Thời Trân đã đề cập tới 247 vị thuốc cần sử dụng thận trọng hoặc
cấm sử dụng khi đang mang thai. Hiện tại, khoa học còn xác định thêm
không ít những vị thuốc mới, bất lợi hoặc nguy hại đối với thai phụ. Vì vậy, khi đang mang thai, nếu cần dùng Đông dược để bổ dưỡng hoặc
chữa trị bệnh tật, nhất thiết cần có sự tư vấn và hướng dẫn cụ thể của
thầy thuốc Đông y.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.