Hỏi:
Tôi nghe một số người nói, có thể dùng trái xoài chống say tàu xe. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, thông tin đó có căn cứ khoa học hay không? Nhân tiện, cũng xin đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới thiệu rõ hơn về tác dụng dinh dưỡng và chữa bệnh của xoài.
Doãn Minh Tâm, Hà Nội
Đáp:
Cây xoài (Mangifera indica L.) có nguồn gốc từ Ấn Độ, được di thực vào nước ta từ nhiều thế kỷ trước. Hiện tại, ở nước ta có trồng nhiều loài xoài, như xoài tượng, xoài cát, xoài cơm, ... Tại miền Bắc, ngoài cây xoài ra, còn có hai loài gần với xoài là cây quéo (Mangifera reba) và cây muỗm (Mangifera foetida).
Quả xoài là một thứ quả ngon, có giá trị cao hơn so với nhiều loại quả khác. Tại Ấn Độ, xoài được coi là thứ quả có thể mang lại may mắn, còn có tên là "trái cây ái tình", "trái cây hy vọng", ... Tại Trung Quốc xoài được coi là "vua của các loài quả" (bách quả chi vương).
Ngoài dùng ăn tươi, xoài còn được bảo quản và chế biến theo nhiều cách khác nhau. Thí dụ, có thể thái trái xoài thành từng miếng mỏng, ngâm trong rượu vang và đường, thêm ít quế cho thơm. Có thể dùng chế mứt, đóng hộp, chế nước giải khát, ... Tại một số nước, như Ấn Độ, người ta thường thái quả xoài xanh thành miếng mỏng, phơi hay sấy khô, dùng làm nguồn vitamin C thiên nhiên.
Kết quả nghiên cứu những năm gần đây còn cho thấy: Trong trái xoài chín có hàm lượng tiền vitamin A (caroten) rất cao, một trái xoài cỡ trung bình có thể cung cấp đủ lượng vitamin A cần thiết cho cơ thể trong ngày. Ngoài ra, trong xoài còn chứa nhiều hoạt chất sinh học khác.
Trái xoài và những bộ phận khác của cây xoài, như lá xoài, vỏ thân cành, hạt xoài, ... cũng có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Tác dùng làm thuốc của xoài được ghi chép sớm nhất trong sách "Thực tính bản thảo", sau đó được ghi chép rất đầy đủ trong sách "Bản Thảo Cương mục Thập di" của Triệu Học Mẫn.
Theo Đông y: Trái xoài có vị chua ngọt, tính mát. Vào 4 kinh Tỳ, Vị, Bàng quang và Thận. Có tác dụng ích vị (bổ dạ dày), chỉ ẩu (chống nôn), giải khát, lợi niệu và chỉ vựng (chống choáng váng).
Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi:
- Vỏ quả xoài chín cũng như quả xoài có tác dụng cầm máu tử cung, khái huyết (ho ra máu), chảy máu ruột. Dùng dưới dạng cao lỏng, với liều 10g cao lỏng, cho vào 120ml nước, rồi cứ cách 1 hay 2 giờ cho uống 1 thìa cà phê.
- Nhân xoài sấy khô tán bột được nhân dân Malaixia, Ấn Độ và Braxin dùng làm thuốc giun với liều 1,5-2g. Tại Malaixia nhân dân còn dùng chữa chảy máu tử cung, trĩ. Tại Philipin người ta còn dùng chữa ỉa chảy: Nghiền 20-25g nhân với 2 lít nước, nấu kỹ cho tới khi cạn còn hơn 1 lít thì lọc để bỏ bã, thêm vào nước lọc 300-400g đường và tiếp tục đun cho tới khi còn 1 lít. Mỗi ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần dùng 50-60g thuốc chế như trên.
- Vỏ thân xoài dùng tươi hay khô. Tươi thì giã vắt lấy nước, được dùng như vỏ quả; vỏ khô dùng dưới dạng thuốc sắc. Nhân dân Cămpuchia dùng chữa thấp khớp (đắp nóng bên ngoài), hoặc rửa khí hư bạch đới của phụ nữ. Tại miền Bắc, vỏ xoài được dùng sắc uống chữa sốt hay chữa đau răng (ngậm và nhổ đi).
- Nhựa vỏ cây xoài chảy ra có màu đen không mùi, vị đắng hắc, ra không khí đặc lại, hòa vào nước chanh dùng bôi ghẻ.
- Lá xoài được dùng tại một số vùng ở Ấn Độ để nuôi trâu bò nhưng lá già chứa một lượng nhỏ chất độc cho nên nếu cho trâu bò ăn lâu ngày có thể gây ngộ độc chết trâu bò.
Về tác dụng chống say tàu xe: Đây là một kinh nghiệm của những người đi biển thời xưa, đã được nhà dược học nổi tiếng Triệu Học Mẫn (Trung Quốc) phát hiện và đã ghi lại trong bộ sách "Bản Thảo Cương mục Thập di" (một trong những bộ sách thuốc có uy tín nhất, đứng trong top các sách thuốc có tần suất trích đẫn cao nhất).
Cụ thể: "Say thuyền" (thuyền vựng) là tình trạng đi thuyền bị chóng mặt, người phương Bắc gọi là "khổ thuyền"; ngồi trên thuyền thì nôn mửa liên tục và không thể ăn uống (đa ẩu thổ bất thực), nhưng khi lên trên bờ thì khỏi. Hiện tượng này hay găp ở những người vị nhược (chức năng của vị (dạ dầy) bị suy yếu). Trái xoài vị ngọt hơi chua, có tác dụng ích vị (bổ dạ dầy), có thể giải trừ được tình trạng say thuyền. Do đó những người đi biển thường mua nhiều xoài để dự phòng. Trái xoài hình dạng tựa như trái yểu đào (một loại đào của Trung Quốc), tháng 6-7 quả chín, to cỡ trái mộc qua, vị ngọt, nấu canh cá ăn càng ngon. Nói chung những người đi biển ăn trái xoài thì không bị nôn.
Trên thực tế, để chống sau tầu xe, theo kinh nghiệm dân gian, có thể ăn vài trái xoài tươi hoặc dùng trái xoài sắc nước uống. Kinh nghiệm này thấy được ghi chép trong nhiều sách về ẩm thực liệu pháp, do các nhà xuất bản có uy tín ở Trung Quốc ấn hành, như "Ẩm thực trị liệu chỉ nam", "Quả phẩm thực liệu", "Thực phẩm doanh dưỡng dữ thực liệu", ...
Tóm lại: Kinh nghiệm sử dụng trái xoài để chữa say tầu xe là một thông tin có căn cứ, đã được ghi chép lại trong một số sách thuốc. Bạn có thể áp dụng thử. Kết quả ra sao, mong bạn phản hồi cho chúng tôi biết, để cùng rút kinh nghiệm và phổ biến rộng cho các bạn đọc khác.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.