Hỏi:
Cháu đọc bài viết "Thảo dược chữa bệnh tổ đỉa" trên "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" ngày 20/11/2011 có đề cập rất rõ về cách chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay. Cháu cũng bị tổ đỉa nhưng bị ở chân, chỉ có nửa bàn chân bị bệnh, không lan rộng nhưng rất ngứa, các ngón chân nhăn nheo, khô và mốc trắng, ... Cháu rất mong được lương y hướng dẫn cách chữa để cháu có được đôi chân như ngày nào! Bạn bè cháu cũng nhiều người bị mắc bệnh này nên cháu cũng muốn biết cách chữa để thông báo cho bạn bè cùng chữa.
Trần Thu H. sinh viên Trường THTM Du Lịch - HN
Đáp:
Bệnh "tổ đỉa" tương ứng với các chứng "Nga trưởng phong" và "Thấp cước khí" trong Đông y; ở bàn tay gọi là "Nga trưởng phong" còn ở bàn chân gọi là "Thấp cước khí".
Theo Y học hiện đại:
- Nguyên nhân dẫn tới nga trưởng phong - bệnh tổ đỉa ở bàn tay (tinea manuum) chủ yếu do loại nấm có tên là trichophyton rubra gây nên.
- Nguyên nhân dẫn tới thấp cước khí - tổ đỉa ở bàn chân (tinea pedis) thường do 2 loại nấm gây nên, là nấm trichophyton rubra (như bệnh ở tay) và một loại nấm khác có tên là trichophyton gypseum.
Như vậy, nguyên nhân gây nên thấp cước khí phức tạp hơn, bệnh thường phát nặng hơn, ngứa kịch liệt hơn và chữa trị cũng khó khăn hơn.
Từ xưa Đông y học cổ truyền cũng đã biết rõ nguyên nhân dẫn tới thấp cước khí phức tạp hơn so với nga trưởng phong. Cụ thể, ngoài nguyên nhân do nhiễm phải "phong tà" và "nhiệt tà" như nga trưởng phong, thấp cước khí còn do bị nhiễm phải "thấp tà" gây nên. Do đó để chữa trị thấp cước khí, ngoài việc sử dụng những vị thuốc có tác dụng trừ phong và thanh nhiệt như khi chữa trị nga trưởng phong, còn cần có thêm những vị thuốc có tác dụng trừ thấp.
Trước mắt cháu có thể sử dụng một số vị thuốc tương đối dễ kiếm để uống trong và rửa, bôi bên ngoài như sau:
• Thuốc uống trong: Thổ phục linh 20g, ý dĩ (hạt bo bo) 16g, ké đầu ngựa 10g, đương quy 10g, bạch thược 8g, hương phụ (củ gấu) 16g, ích mẫu thảo 10g, ngải cứu 5g, ngưu tất 5g, cam thảo 5g (tất cả các vị thuốc trên có thể mua ở hầu hết các cửa hàng Đông Nam dược phố Lãn Ông hoặc phố Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hà Nội); sắc với 1500ml nước, đun cạn còn 700-800ml, sắc 2 lần; chia ra uống thay nước trong ngày, liên tục 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày lại tiếp tục 1 liệu trình khác; uống liên tục tới khi khỏi bệnh; ngừng uống thuốc trong thời gian hành kinh.
• Thuốc bôi ngoài:
Tùy theo điều kiện cụ thể, có thể chọn dùng một trong số các bài thuốc sau:
Rau sam
(1) Bài 1: Dùng toàn bộ cây rau sam tươi 100-200g (khô 30-50g), rửa sạch, thái nhỏ, nấu nước ngâm chỗ chân bị bệnh ngày 1-2 lần, mỗi lần ngâm 20-30 phút. Rau sam có thể tự đi hái ở rìa đường, chân tường, ở các bãi hoang.
Cỏ sữa lá lớn
(2) Bài 2: Dùng cây cỏ sữa lá lớn tươi 100g, rửa sạch, hong khô, thái nhỏ, đem ngâm trong 400ml cồn 75 độ ít nhất một tuần, sau đó ép lọc lấy cồn thuốc. Hàng ngày dùng bông thấm cồn thuốc chấm lên chỗ bị bệnh 2-3 lần. Cỏ sữa lá to cũng có thể tự đi kiếm giống như rau sam hoặc mua ở các bà hàng lá, tại các chợ ở Hà Nội.
Bán biên liên
(3) Bài 3: Dùng toàn bộ cây bán biên liên khô 25g, sắc với 500ml nước, đun cạn còn 200ml, lọc lấy nước, dùng bông thấm nước thuốc đắp lên chỗ bị bệnh, ngày đắp 3-5 lần, mỗi lần 10-15 phút. Cây bán biên liên cũng mọc hoang ở nhiều nơi, nhưng ít người biết, tốt nhất nên mua ở các cửa hàng Đông dược có tín nhiệm.
Bệnh tổ đỉa phải chữa trị lâu ngày mới khỏi nên cần kiên trì. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây từ chân lên tay và từ người này sang người khác, vì vậy khi tay đang bị sầy xước thì không đụng tay vào chỗ chân bị bệnh; không dùng giày, dép, bít tất với những người khác, ...
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.