Hỏi:
Đề nghị "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn phương pháp sử dụng các vị thuốc Nam có sẵn trong vườn nhà để phòng ngừa và chữa trị cảm nắng.
Câu hỏi của nhiều độc giả
Đáp:
Theo
Đông y, cảm nắng là loại bệnh ngoại cảm do "thử tà", 1 trong số 6 tác
nhân gây bệnh (lục dâm) gây nên và hay phát sinh nhất trong giai đoạn từ
tiết Hạ chí (ngày 21 hoặc 22 tháng 6 Dương lịch) tới tiết Lập thu (ngày
7 hoặc 8 tháng 8 Dương lịch) hằng năm.
Theo độ nặng nhẹ, cảm nắng được Đông y chia thành 2 loại:
Bệnh phát chậm, tương đối nhẹ, gọi là "thương thử" (thường gọi là "cảm
nắng"); còn phát nhanh, nghiêm trọng, gọi là "trúng thử" (thường gọi là
"say nắng"). Ngoài ra, thử tà không chỉ tác động đơn độc, mà còn thường
kết hợp với những loại "tà" khác gây bệnh, do đó trên lâm sàng, theo
tính chất bệnh, cảm nắng (thương thử) còn được phân chia thành 3 loại là
"dương thử", "âm thử" và "thử thấp".
Để sử dụng thuốc
Nam phòng trị, cần căn cứ vào tình hình sức khỏe và bệnh tình cụ thể,
mà áp dụng những biện pháp phòng trị như sau:
1. Dương thử (cảm nắng):
Là thể bệnh thường hay gặp nhất. Trong mùa hè, đi đường xa dưới trời
nắng, làm việc ngoài đồng, chen chúc ở những nơi đông người, hoặc làm
lụng quá mệt nhọc, ... khiến cho thử tà làm thương mà phát bệnh, gọi là
"dương thử". Bệnh có những biểu hiện của chứng nhiệt như phát sốt, đau
đầu, mắt đỏ, da nóng ran, mồ hôi ra nhiều, khát nước, trong ngực có cảm
giác bứt rứt khó chịu, hơi thở ngắn, người mệt nhọc, nước tiểu sẻn đỏ,
lưỡi đỏ, ...
• Phép chữa: Thanh thử tiết nhiệt, ích khí sinh tân.
• Bài thuốc thường dùng:
(1) Bài thuốc 1: Rau má tươi 12g, lá tre 12g, hương nhu 16g, củ sắn dây 12g; sắc nước, chia ra 3-4 lần uống trong ngày.
(2) Bài thuốc 2:
Hương nhu 20g, hậu phác 20g, đậu ván trắng 20g, rau má tươi 20g, quả
dành dành 12g; sắc lấy nước, chia ra 3-4 lần uống trong ngày.
(3) Bài thuốc 3:
Nam sâm (hoặc sâm bố chính) 20g, cát căn (củ sắn dây) 10g, mạch môn
10g, trúc diệp 15g, trúc nhự 10g, hoàng liên 10g, thạch hộc 15g, gạo tẻ
30g, cam thảo 5g; sắc lấy nước, chia ra 3-4 lần uống trong ngày.
2. Âm thử:
Trong mùa hè người ta thường ghét nóng thích mát, thích ra ngoài trời
hóng mát, nằm ngủ ngoài trời hay phòng lạnh, ăn nhiều rau quả sống lạnh,
uống quá nhiều nước đá, ... khiến tạng phủ bị nhiễm lạnh, gọi là "âm
thử". Bệnh phát sinh có những biểu hiện của chứng hàn, như đau đầu, phát
sốt không mồ hôi, sợ lạnh, thân hình co quắp, chân tay đau nhức, ...
• Phép chữa: Giải biểu thanh thử.
• Bài thuốc thường dùng:
(1) Bài thuốc 1:
Hương nhu 10g, hoắc hương 10g, bán hạ chế 5g, trần bì 10g, tô diệp 10g,
hậu phác 15g, trúc diệp 20g, kim ngân 15g, cát căn 20g, xa tiền 10g,
gừng tươi 3 lát; sắc lấy nước, chia ra 3-4 lần uống trong ngày.
(2) Bài thuốc 2:
Hương nhu 10g, hoạt thạch 10g, xơ mướp 10g, hạnh nhân 10g, xa tiền 10g,
cát căn 20g; sắc lấy nước, chia ra 3-4 lần uống trong ngày.
Trường hợp vì cảm nắng mà phiền khát, ăn quá nhiều rau quả sống lạnh,
mà sinh ra nôn mửa, tiết tả, ngực đầy tức, rêu lưỡi trắng trơn, thì dùng
bài thuốc sau:
(3) Bài thuốc 3: Hoắc
hương 10g, sa nhân 10g, trần bì 20g, bán hạ chế 10g, biển đậu 10g, xa
tiền tử 10g, hậu phác 15g, gừng tươi 3 lát; sắc lấy nước, chia ra 3-4
lần uống trong ngày.
3. Thử thấp:
Trong những ngày hè, nếu như đồng thời cảm phải "thử tà" và "thấp tà"
mà phát bệnh, thì gọi là "thử thấp". Bệnh có những biểu hiện như phát
sốt, mặt đỏ, hơi sợ lạnh, bồn chồn, đầu choáng váng, bụng trướng đầy,
chán ăn, tiết tả, tiểu tiện ít, người và chân tay nặng đau, bắp thịt máy
động, rêu lưỡi trắng nhớt, miệng khát nhưng không uống nước nhiều, ...
• Phép chữa: Thanh thử hóa thấp.
• Bài thuốc thường dùng:
(1) Bài thuốc 1:
Nhân sâm 10g, sa sâm 5g, hoắc hương 10g, bán hạ chế 10g, can khương 5g,
hậu phác 10g, xa tiền tử 10g, bạch biển đậu 15g, tang ký sinh 10g, ý dĩ
20g, sinh khương 3 lát; sắc lấy nước, chia ra 3-4 lần uống trong ngày.
(2) Bài thuốc 2:
Củ đinh lăng 10g, xa tiền tử 10g, trạch tả 15g, mộc thông 15g, bạch
truật 15g, ý dĩ 20g, quế chi 10g, trần bì 10g, hậu phác 10g, nam mộc
hương 10g; sắc lấy nước, chia ra 3-4 lần uống trong ngày.
4. Trúng thử (say nắng):
Nói chung, khi nhiệt độ không khí lên cao hơn 35 độ C, hoạt động dưới
ánh nắng mặt trời, hay trong môi trường nhiệt độ cao, đều có thể dẫn tới
trúng nắng. Trước khi phát sinh trúng nắng, thường có những triệu chứng
báo trước, như người mệt lả, chân tay bải hoải, mồ hôi vã ra nhiều,
khát nước, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, ngột ngạt, buồn nôn, nôn, khó tập
trung tử tưởng, bước chân xiêu vẹo. Nếu không xử lý kịp thời, thì có thể
dẫn tới say nắng.
• Say nắng có những biểu hiện chính:
Phát sốt, mặt trắng nhợt, thở khò khè như suyễn, da nóng bỏng hoặc ẩm
lạnh, mạch đập nhanh, bồn chồn không yên hoặc đờ đẫn. Trường hợp nặng
thì bỗng nhiên ngã lăn, mê man bất tỉnh, hàm răng nghiến chặt.
• Phép chữa: Giải thử khai bế.
Cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện, hoặc mời ngay thầy thuốc gia đình.
Trường hợp quá cấp bách, có thể áp dụng thử biện pháp cấp cứu như sau:
Cần lấy gừng tươi giã nát hòa với nước tiểu trẻ em, cho uống 1 phần, còn
lại xoa khắp người, sau đó đắp lên mặt và rốn, nói chung sẽ tỉnh lại,
...
• Chú ý: Theo Đông y, khi mới bị say nắng, không được cho uống hoặc phun nước lạnh, vì sợ thử tà không phát tán ra được.
Sau khi đã sơ cứu như trên, tùy theo chứng trạng có thể sử dụng các
phép chữa, bài thuốc trong phần "Dương thử", "Âm thử" hoặc "Thử thấp",
dưới sự chỉ đạo và giám sát của thầy thuốc gia đình.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.