Hỏi:
Con tôi 7 tuổi, hay bị chảy máu cam và trên da thường hay xuất hiện những chấm đỏ. Năm ngoái, tôi đưa cháu ra Hà Nội khám, bác sĩ chẩn đoán cháu bị mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Hiện tại, cháu vẫn đang phải điều trị bằng prednisolone theo đơn của bác sĩ. Gần đây, tôi nghe nhiều người nói, thuốc prednisolone có rất nhiều tác dụng phụ có hại, nên tôi muốn cho cháu chuyển sang điều trị bằng thuốc Nam. Vì vậy, rất mong "Thuốc vườn nhà" cho biết, có thể sử dụng thuốc Nam để chữa trị căn bệnh này không?
Nguyễn Thường Sơn, Lý Nhân, Nam Định
Đáp:
Bình thường, trong mỗi 1 milimet khối máu, có từ khoảng 150 ngàn đến 300 ngàn tế bào tiểu cầu. Nếu lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 150 ngàn, thì gọi là bị giảm tiểu cầu, một loại bệnh thường hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Trường hợp nhẹ, thường gây nên xuất huyết dưới da, dưới da thấy có những chấm nhỏ li ti, những nốt như muỗi đốt hoặc thành đám, mảng lớn, khu trú ở một vài nơi, hoặc rải rác khắp cả người; hoặc xuất huyết niêm mạc, như chảy máu nướu răng, chảy máu cam, xuất huyết giác mạc, ... Trường hợp bệnh nặng, có thể xuất huyết ở bất kỳ nơi nào, như chảy máu đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục, ... Biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết não - màng não, và rất dễ dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết giảm tiểu cầu có nhiều, nhưng chủ yếu do máu thiếu tiểu cầu hoặc do dị ứng. Xuất huyết giảm tiểu cầu có thể phát tác nhanh hoặc chậm, có thể kèm theo sốt, thường xuất hiện ở những nơi dễ bị cọ xát hoặc đè nén như mũi, khoang miệng, niêm mạc đường tiêu hóa, dẫn đến hiện tượng chảy máu mũi, chảy máu răng, đại tiện phân lẫn máu, ... Xuất huyết giảm tiểu cầu do dị ứng thường xuất hiện ở tứ chi, phân bố đối xứng, sát mặt da, thường kèm theo đau bụng, sưng đau khớp xương.
Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết giảm tiểu cầu chủ yếu do trẻ nhỏ bẩm sinh không khỏe mạnh (tiên thiên bất túc), thể chất yếu ớt, tạng phủ khí huyết bị hư tổn, thận khí không đầy đủ, hoặc do ngoại cảm "phong hàn" hoặc "thấp nhiệt", khiến sự tuần hoàn của huyết dịch bị cản trở, máu từ các mao mạch tràn ra ngoài mà gây nên bệnh.
Khi mới phát, bệnh thường có những biểu hiện dạng "huyết nhiệt", cần sử dụng phép "thanh nhiệt giải độc" và "lương huyết chỉ huyết" (làm mát máu và cầm máu) để chữa. Khi bệnh kéo dài lâu ngày, thành mạn tính, thường có những biểu hiện thuộc dạng "hư" (suy yếu), chủ yếu là "âm hư hỏa vượng" (phần âm hư tổn, dương hỏa quá thịnh) hoặc "tỳ thận dương hư" (chức năng của tạng Tỳ và tạng Thận suy yếu), cần sử dụng các biện pháp "chỉ huyết", "tư âm giáng hỏa", hoặc "ôn bổ tỳ thận" để chữa.
Thực tế lâm sàng cho thấy, điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu bằng các loại thức ăn hàng ngày kết hợp với thuốc Nam có nhiều ưu điểm: Hiệu quả rõ ràng, lâu dài và ít gây nên những tác dụng phụ.
Tuy nhiên, muốn có kết quả tốt, cần căn cứ vào những biểu hiện cụ thể ở trẻ nhỏ, nhận biết chính xác các dạng bệnh, để sử dụng các loại thức ăn và vị thuốc một cách thích đáng, theo nguyên tắc Biện chứng luận trị của Đông y, theo các phương án dưới đây:
• Dạng "huyết nhiệt":
- Biểu hiện: Bệnh phát nhanh, dưới da đột nhiên xuất hiện những nốt ban đỏ tía, miệng khát, mặt đỏ, quấy khóc không yên, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo; nặng thì tiểu tiện có lẫn máu, phát sốt, sợ gió lạnh, họng đau, bụng đau, khớp xương sưng đau. Chất lưỡi đỏ thẫm, rêu lưỡi vàng, mạch đập trên 90 lấn/phút (mạch sác).
- Có thể sử dụng các Món ăn - Bài thuốc dưới đây để chữa:
(1) Cháo đậu xanh ý dĩ: Đậu xanh để cả vỏ 50g, hạt ý dĩ (bo bo) 30g; đậu xanh và ý dĩ vo sạch, cho vào nồi đất, đổ một lượng nước thích hợp, đun to lửa cho sôi, sau đó đun nhỏ lửa cho đến khi đậu xanh và ý dĩ chín nhừ; chia ra 2 lần ăn trong ngày, ăn khi còn ấm, nếu nguội cần hâm lại. Dùng cho trường hợp trẻ nhỏ xuất huyết giảm tiểu cầu, do "huyết nhiệt".
(2) Canh sừng trâu đậu phụ: Sừng trâu 50g, đậu phụ 500g; sừng trâu cưa nhỏ hoặc đập vụn, cho vào nồi đất, thêm nước, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa khoảng nửa giờ, tiếp đó cho đậu phụ vào nấu thêm khoảng 15 phút nữa, thêm mắm muối cho hợp khẩu vị là được; cho trẻ ăn đậu phụ và uống nước canh. Dùng cho trường hợp trẻ nhỏ xuất huyết giảm tiểu cầu, do giảm tiểu cầu với những biểu hiện dạng "huyết nhiệt" như mô tả ở trên.
(3) Trà sừng trâu sinh địa xích thược: Sừng trâu 40-100g, sinh địa 10-30g, xích thược 10-20g, đan bì 10-20g; sắc nước uống thay trà trong ngày. Dùng cho trường hợp trẻ nhỏ xuất huyết giảm tiểu cầu, do dị ứng với những biểu hiện dạng "huyết nhiệt".
• Dạng "âm hư hỏa vượng":
- Biểu hiện: Nốt ban lúc phát lúc ngừng, lòng bàn chân bàn tay nóng, da hâm hấp nóng hoặc sốt cơn, nằm ngủ hay ra mồ hôi trộm, họng khô, buồn bực, đại tiện táo. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch nhỏ nhanh (tế sác).
- Có thể sử dụng các Món ăn - Bài thuốc dưới đây để chữa:
(1) Nước ép ngó sen: Dùng ngó sen tươi 1000g, củ mã thầy tươi 500g, sinh địa tươi 120g; ngó sen rửa sạch, thái chỉ; củ mã thầy rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái vụn; sinh địa rửa sạch; tất cả cho vào máy xay trái cây ép lấy nước cốt, nếu không có máy thì bọc vào vải sạch giã vắt lấy nước; chia 5-6 lần uống trong ngày, mỗi lần 20ml. Có tác dụng dưỡng âm sinh tân, lương huyết chỉ huyết. Dùng cho trường hợp trẻ nhỏ xuất huyết giảm tiểu cầu, do "âm hư hỏa vượng".
(2) Miết giáp bách bộ ẩm: Miết giáp (mai ba ba) 25g, củ bách bộ 15g; miết giáp đập vụn, cho vào nồi đất, thêm nước, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa trên 1 giờ, cho củ bách bộ vào nấu tiếp khoảng 30 phút nữa là được; chắt lấy nước chia 2 lần uống vào buổi sáng và buổi tối, liên tục 1 tháng. Có tác dụng tư âm, lương huyết, hóa ban. Dùng chữa xuất huyết giảm tiểu cầu, do "âm hư hỏa vượng".
• Dạng "tỳ thận dương hư":
- Biểu hiện: Bệnh kéo dài lâu ngày, lúc giảm lúc tăng, nốt ban sắc tối nhợt hoặc như nốt muỗi đốt, bệnh nhi uể oải, đuối sức, sắc mặt nhợt nhạt khô héo, kém ăn, đại tiện phân lỏng hoặc sống phân. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhỏ yếu.
- Có thể sử dụng các Món ăn - Bài thuốc dưới đây để chữa:
(1) Chè long nhãn: Dùng long nhãn 15g, táo tàu 10g, lạc nhân (đẻ cả vỏ lụa) 50g; nấu thành món chè, chia ra 2 lần cho trẻ ăn trong ngày. Dùng chữa xuất huyết giảm tiểu cầu do giảm tiểu cầu, với những biểu hiện thuộc dạng "tỳ thận dương hư" như mô tả ở trên.
(2) Cháo xương dê: Xương chân dê 300g, táo tầu 10 trái, gạo nếp 30-50g; xương dê rửa sạch, chặt nhỏ, táo bỏ hạt, gạo nếp vo sạch; dùng nồi đất nấu xương dê khoảng 1 giờ (đun sôi sau đun nhỏ lửa), chắt lấy nước bỏ xương, cùng với táo, gạo nếp nấu cháo; chia ra ăn 2 lần sáng tối. Có tác dụng kiện tỳ bổ thận. Dùng cho trường hợp trẻ nhỏ xuất huyết giảm tiểu cầu, với những biểu hiện dạng "tỳ thận dương hư".
(3) Cháo táo tầu đậu ván: Táo tầu 500g, đậu ván trắng 300g, có thể thêm chút gạo nếp; tất cả vo rửa sạch, nấu cháo ăn trong các bữa chính. Có tác dụng kiện tỳ ích khí nhiếp huyết. Dùng chữa trẻ nhỏ xuất huyết giảm tiểu cầu, do chức năng tiêu hóa và tạo máu suy yếu (tỳ khí hư).
(4) Phòng kỷ ô mai ẩm: Phòng kỷ 9g, ô mai 6g, táo tầu 10 trái, cam thảo 3g, rau dền tươi 30g; rau dền bỏ gốc rễ, rửa sạch đất cát, cùng với các vị thuốc cho vào ấm đất, đổ ngập nước trên mặt thuốc 3-4 cm, đun to lửa cho sôi, sau đó đun nhỏ lửa thêm 15 phút; chắt nước chia ra uống trong ngày. Có tác dụng bổ tỳ ích khí, chỉ huyết. Dùng chữa trẻ nhỏ xuất huyết giảm tiểu cầu, do "tỳ thận dương hư".
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcThuốc vườn nhà có thể tư vấn cho mình những tên thuốc nam có thể giúp tăng tiểu cầu không, mình rất cần sự giúp đỡ.